Ủy ban QLVNN tại DN đề nghị Tập đoàn hàng hải MSC hợp tác toàn diện với VIMC để đầu tư vào dự án Cảng Liên Chiểu

3/10/24 9:21 PM

Ngày 3/10, tại Geneva (Thụy Sỹ), trong khuôn khổ chương trình công tác tại châu Âu đoàn đại biểu của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) do Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn đầu đã có buổi làm việc với ông Diego Aponte – Tổng giám đốc Tập đoàn MSC, hãng vận tải biển lớn nhất thế giới. Tại cuộc gặp, hai bên đã thảo luận sâu rộng về các cơ hội hợp tác tiềm năng, tập trung vào lĩnh vực cảng biển và logistics.


Tổng giám đốc Diego Aponte cùng các lãnh đạo cấp cao của Tập đoàn MSC đón tiếp đoàn công tác CMSC

Quan hệ Việt Nam – Thụy Sĩ đã trải qua hơn năm thập kỷ phát triển và được nâng cấp lên Đối tác Toàn diện vào năm 2018. Sự kiện này đã tạo nền tảng vững chắc cho việc mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế và đầu tư. Cuộc gặp giữa CMSC và MSC là minh chứng rõ nét cho cam kết này, đồng thời phản ánh xu hướng tăng cường hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước.

Đoàn công tác CMSC làm việc cùng lãnh đạo Tập đoàn MSC

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch CMSC Nguyễn Ngọc Cảnh đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thu hút đầu tư nước ngoài, đặc biệt là từ các tập đoàn lớn như MSC, Sự hiện diện của MSC tại Việt Nam không chỉ mang lại nguồn vốn mà còn là cơ hội để tiếp cận công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm quản lý quốc tế trong lĩnh vực hàng hải và logistics trong bối cảnh Việt Nam đang nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh. Kinh tế biển được Đảng và Nhà nước Việt Nam xác định có vai trò và tầm quan trọng đặc biệt trong phát triển kinh tế và chiến lược biển.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch CMSC Nguyễn Ngọc Cảnh và Tổng giám đốc MSC Diego Aponte đã thảo luận về các cơ hội hợp tác cụ thể, với những đề xuất đáng chú ý như việc MSC tham gia vào dự án Cảng Liên Chiểu (Đà Nẵng) và mở rộng đầu tư vào hệ thống cảng biển và dịch vụ logistics tại Việt Nam, thiết lập tuyến du lịch tàu biển 5 sao đến Việt Nam, cũng như phát triển hệ thống vận tải thủy nội địa.

Phó Chủ tịch CMSC khẳng định Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế hàng hải, đánh giá cao việc hợp tác giữa MSC và VIMC về thành lập liên doanh để khai thác hai bến container quốc tế tại Lạch Huyện, triển khai nghiên cứu đầu tư Cảng Trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Đồng thời đề xuất MSC tham gia vào dự án cảng Liên Chiểu tại Đà Nẵng, một trong những dự án chiến lược trong quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Đây là cảng có vị trí quan trọng về mặt địa lý, nằm trên trục đường biển quốc tế và là cửa ngõ giao thương quan trọng của miền Trung Việt Nam. Việc MSC tham gia vào dự án này sẽ không chỉ giúp nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển Việt Nam mà còn đóng góp vào việc phát triển một hệ thống cảng biển hiện đại, thông minh và xanh. Điều này hoàn toàn phù hợp với xu thế phát triển bền vững và bảo vệ môi trường mà cả hai quốc gia đang theo đuổi.

Ngoài ra, hai bên cũng thảo luận về việc tăng cường hợp tác trong phát triển dịch vụ logistics thông minh. Với kinh nghiệm và công nghệ tiên tiến của MSC trong lĩnh vực vận tải và logistics, Việt Nam có thể tận dụng được các nguồn lực quốc tế để cải thiện hạ tầng logistics nội địa, đồng thời thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong lĩnh vực này.

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng giám đốc MSC Diego Aponte cho biết MSC hiện đang tích cực hợp tác với VIMC để phát triển dự án Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ. Hiện hai bên đã ký kết thỏa thuận hợp tác để thực hiện dự án này. Dự án này được đánh giá là một công trình tầm vóc, mang lại lợi ích lớn cho Việt Nam. MSC và VIMC cũng đã có ký kết thành lập liên doanh để khai thác hai bến container quốc tế số 3, 4 thuộc dự án Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng tại Lạch Huyện. Ông Diego Aponte đã khẳng định rằng Tập đoàn đang xem xét nghiêm túc việc mở rộng đầu tư tại Việt Nam. Cùng với đề xuất của CMSC về cảng Liên Chiểu, MSC cũng đang tìm hiểu cơ hội đầu tư vào các cảng khác tại khu vực phía Nam và phát triển các trung tâm logistics hiện đại. Bên cạnh việc mở rộng mạng lưới cảng biển, MSC mong muốn hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam để xây dựng các dịch vụ logistics tích hợp, giúp tối ưu hóa chuỗi cung ứng và giảm chi phí vận tải.

Ông Diego Aponte nhấn mạnh rằng MSC mong muốn đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành hàng hải Việt Nam thông qua việc đầu tư vào công nghệ và áp dụng các giải pháp thân thiện với môi trường. Những cam kết này hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của Việt Nam trong việc xây dựng hệ thống cảng biển thông minh và bền vững.

Phó Chủ tịch CMSC, Nguyễn Ngọc Cảnh tặng quà lưu niệm Tổng giám đốc Tập đoàn MSC Diego Aponte

Cuộc gặp giữa CMSC và MSC đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác Việt Nam – Thụy Sĩ, đặc biệt là trong lĩnh vực cảng biển và logistics. Sự kiện này không chỉ thể hiện cam kết mạnh mẽ của cả hai bên trong việc phát triển các dự án chiến lược mà còn mở ra nhiều cơ hội hợp tác sâu rộng hơn trong tương lai.

Với tiềm năng của thị trường Việt Nam và năng lực của MSC, sự hợp tác này hứa hẹn sẽ mang lại những kết quả tích cực, giúp nâng cao năng lực cạnh tranh của ngành hàng hải và logistics Việt Nam. Đây có thể được xem là một bước đi chiến lược, không chỉ củng cố quan hệ Đối tác toàn diện Việt Nam – Thụy Sĩ mà còn đưa ngành hàng hải Việt Nam tiến gần hơn tới các tiêu chuẩn quốc tế, mở ra chương mới trong hành trình hội nhập và phát triển của đất nước.


Dự án cảng Liên Chiểu có gì?

UBND Thành phố Đà Nẵng vừa có văn bản gửi đến Bộ Giao thông Vận tải đề xuất điều chỉnh quy hoạch cảng Liên Chiểu và đưa ra một số góp ý về quy hoạch vùng đất, vùng nước cảng biển trên địa bàn thành phố.

Theo đó, UBND Thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu quy hoạch khu bến Liên Chiểu với ba bến cảng chính: Bến cảng container Liên Chiểu; Bến cảng tổng hợp, container và hàng rời Liên Chiểu; Bến hàng lỏng, khí Liên Chiểu.

Cụ thể, bến cảng container Liên Chiểu sẽ có quy mô 8 cầu cảng với tổng chiều dài 2.750m, có thể tiếp nhận tàu đến 18.000 TEU (200.000 DWT), và thêm 700m cầu cảng tiếp nhận tàu có trọng tải đến 5.000 tấn. Giai đoạn đến năm 2030, dự kiến phát triển từ 2 lên 4 cầu cảng, trong đó 2 cầu cảng ban đầu có khả năng đáp ứng lưu lượng hàng hóa từ 7,5 đến 11,9 triệu tấn, còn 2 cầu cảng còn lại sẽ phát triển dựa trên nhu cầu trung chuyển container quốc tế.

2 siêu cảng trị giá 170.000 tỷ đồng được Thủ tướng gọi tên trong cuộc gặp với Tập đoàn hàng đầu thế giới- Ảnh 2.

Khu quy hoạch bến của cảng Liên Chiểu

Bến cảng tổng hợp, container và hàng rời Liên Chiểu được quy hoạch với 6 cầu cảng, tổng chiều dài 1.550 m, có khả năng tiếp nhận tàu đến 100.000 DWT và 500 m cầu cảng tiếp nhận tàu 5.000 tấn. Dự án sẽ được đầu tư và đưa vào hoạt động dần sau năm 2030 nhằm chuyển đổi công năng các khu bến Tiên Sa và Thọ Quang, đồng thời đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong khu vực.

Bến hàng lỏng, khí Liên Chiểu gồm 8 cầu cảng. Đến năm 2030, dự kiến xây dựng 4 cầu cảng nhằm di dời các bến phao hàng lỏng hiện tại, và từ 1 đến 2 cầu cảng phục vụ kho dự trữ LNG, LPG mới tại Liên Chiểu, đáp ứng quy hoạch phát triển hạ tầng dự trữ xăng dầu, khí đốt quốc gia.