Vosco tiếp tục kế hoạch mở rộng đội tàu, tăng năng lực khai thác trong bối cảnh thương mại toàn cầu chứng kiến nhiều biến động.
Vosco ‘ra khơi’ giữa bối cảnh đầy sóng gió
Chưa đầy một tuần nữa, Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (Vosco) sẽ nhận bàn giao tàu rời Sunlight, được đóng tại Nhật Bản từ năm 2013, dưới sự đồng hành về vốn của Ngân hàng TMCP Hàng hải Việt Nam (MSB).
Trước đó, cuối tháng 1/2025, Vosco đã nhận bàn giao tàu cỡ Supramax là Starlight tại Nhật Bản. Tàu thực hiện chuyến hải trình đầu tiên vận chuyển hàng từ Trung Quốc về Việt Nam từ đầu tháng 2/2025.
Đây là những bước đi đầu tiên trong kế hoạch “chuyển mình mạnh mẽ” để tìm lại vị thế của Vosco, thông qua phát triển đội tàu, hướng đến quản lý và vận hành các tàu chuyên dụng, hiện đại, bất chấp bối cảnh thương mại toàn cầu chứng kiến những diễn biến phức tạp, khó đoán định.
Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 tổ chức mới đây, ông Nguyễn Quang Minh, Tổng giám đốc Vosco, cho biết, đội tàu của công ty sẽ còn được bổ sung thêm 4 – 5 tàu mới trong năm nay, bên cạnh việc tiếp tục thuê một số tàu từ đối tác để khai thác.
Bức tranh tài chính lành mạnh với hơn 1.300 tỷ tiền mặt, hoàn toàn không sử dụng nợ vay từ năm 2011 là yếu tố giúp Vosco có nhiều thuận lợi để triển khai kế hoạch mở rộng đội tàu. Ông Minh cho biết, từ năm 2024, công ty đã thoát khỏi danh sách nợ nhóm 5, qua đó được nhiều ngân hàng như BIDV, HSBC, Fubon sẵn sàng cho vay vốn.
Tuy nhiên, tổng vốn đầu tư mở rộng đội tàu của Vosco có thể lên đến hơn 10 nghìn tỷ đồng, cao gấp bốn lần tổng tài sản của công ty. Nhằm cân đối năng lực tài chính, Vosco quyết định bổ sung thêm phương án mua lại tàu đang đóng từ tay chủ tàu hoặc mua tàu cũ, bên cạnh phương án đóng mới, vừa tối ưu chi phí, vừa đảm bảo sớm nhận tàu đưa vào khai thác.
Công ty cũng sẽ tiến hành tái cơ cấu các khoản đầu tư để tối ưu hiệu quả, bao gồm việc thoái toàn bộ vốn tại Công ty CP SSV đang khai thác hai cặp phao neo tàu khu vực sông Sài Gòn do khó có tiềm năng tăng trưởng và giải thể Công ty TNHH Cung ứng thuyền viên Vosco do không đáp ứng tiêu chí để cung cấp dịch vụ xuất khẩu lao động.
Bên cạnh đó, ông Minh, công ty áp dụng phương pháp khấu hao nhanh đối với các tàu đang khai thác để nhanh chóng có dòng tiền tái đầu tư.
Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến mức lỗ khoảng 54 tỷ đồng của Vosco trong quý I/2025, bên cạnh sự chững lại chung của ngành tàu biển do kỳ nghỉ lễ kéo dài. Tuy nhiên, công ty nhanh chóng có lãi trở lại từ tháng 3/2025, ông cho biết thêm.
Ông Minh dự báo, tình hình sẽ khả quan hơn trong quý II/2025 khi các nhà nhập khẩu đang tích cực mua hàng, tận dụng giai đoạn Mỹ tạm hoãn thuế đối ứng. Ngoài ra, một số tàu của Vosco, nhờ phương án tính khấu hao nhanh, đã hết khấu hao trong năm 2025, cũng là yếu tố đảm bảo lợi nhuận cho công ty trong giai đoạn tới.
Quản trị linh hoạt, sẵn sàng đón sóng
Có thể thấy, Vosco đang đặt cược vào tương lai thông qua một kế hoạch đầu tư được tính toán kỹ lưỡng, một bước đi phản ánh sự chủ động, bản lĩnh trong thời điểm khó khăn. Nhưng, liệu sự ‘toan tính’ này có mang lại hiệu quả như kỳ vọng?
Bất ổn địa chính trị, cạnh tranh nước lớn có dấu hiệu leo thang kéo theo những khó khăn, gián đoạn chuỗi cung ứng là nguyên nhân ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến việc thay đổi các tuyến vận tải truyền thống, ảnh hưởng đến sản xuất, tiêu dùng và xuất nhập khẩu khiến Vosco đưa ra kế hoạch năm 2025 tương đối thận trọng.
Cụ thể, năm nay, Vosco đặt mục tiêu doanh thu đạt 6 nghìn tỷ đồng, giảm nhẹ so với năm 2024. Lợi nhuận trước thuế đạt 376 tỷ đồng, bằng 90% kết quả đạt được năm ngoái.
Mặt khác, những diễn biến khó lường, đặc biệt là sự kiện áp mức thuế đối ứng của Mỹ cũng đặt ra câu hỏi lớn về triển vọng tăng trưởng dài hạn của ngành tàu biển nói chung và rủi ro khi quyết tâm phát triển đội tàu của Vosco.
Bình luận về điều này, ông Hoàng Long, Chủ tịch HĐQT Vosco, đánh giá, chính sách thuế quan của Mỹ trước mắt sẽ chỉ gây khó khăn cho đội tàu container lớn, hoạt động trên tuyến Mỹ – Trung Quốc. Do đó, Vosco chưa phải chịu tác động lớn trong giai đoạn này.
Ngược lại, công ty cũng nhìn thấy một số cơ hội mới, chẳng hạn như tàu hàng khô đầu năm được dự báo là vẫn còn khó khăn nhưng có thể tận dụng việc các quốc gia tăng cường xuất nhập khẩu sang đối tác mới do ảnh hưởng từ thị trường Mỹ.
Đơn cử, tàu hàng khô có thể hưởng lợi khi Trung Quốc tăng cường nhập khẩu ngũ cốc, than ở các thị trường thay thế như Indonesia, Nam Phi. Hoặc, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Ấn Độ chắc chắn sẽ gia tăng, do đó tàu hàng khô “có cả chiều đi lẫn chiều về”.
Tuy nhiên, ông Long cũng nhìn nhận những diễn biến phức tạp có thể kéo theo tác động đa chiều, chẳng hạn như sự sụt giảm về sản xuất, tiêu dùng khiến nhu cầu xuất nhập khẩu suy giảm, gây ảnh hưởng tới ngành tàu biển.
Ứng phó với những diễn biến phức tạp này, Vosco tập trung theo dõi diễn biến thương mại, phân tích cơ hội để báo cáo với Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) kể từ sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố mức thuế quan đối ứng, từ đó đưa ra nhiều giải pháp chiến lược.
Chẳng hạn, ban lãnh đạo Vosco gần đây đã điều hướng các tàu có tiêu chuẩn tốt, khả năng vận hành trên hải trình dài tập trung khai thác khu vực Tây Phi, hướng tới vận chuyển quặng khoáng sản và nông sản, những hàng hóa có thể sẽ “nóng” trong thời gian tới.
Song song với đó, nằm trong kế hoạch “chuyển mình mạnh mẽ”, Vosco sẽ tăng cường công tác quản lý về nhiên liệu, tối ưu hóa hiệu quả khai thác, tìm kiếm hợp đồng gối chuyến để giảm thiểu chi phí, bên cạnh việc đẩy mạnh số hóa, áp dụng công cụ kaizen và các giải pháp khác nhằm nâng cao năng suất lao động.
Công tác quản trị của Vosco cũng tiếp tục được kiện toàn thông qua rà soát, sửa đổi, bổ sung một số quy định nội bộ để đẩy mạnh hạn mức phân quyền từ HĐQT cho tổng giám đốc, từ tổng giám đốc tới phó tổng giảm đốc, các trưởng phòng chuyên môn và giám đốc chi nhánh.
Công ty CP Vận tải biển Việt Nam (VOSCO)