1.Danh mục 272 bến cảng thuộc 32 cảng biển Việt Nam
Ngày 09/04/2019, Bộ Giao thông Vận tải đã ban hành Quyết định 616/QĐ-BGTVT về việc công bố danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam
Tại Danh mục ban hành kèm theo Quyết định này, Việt Nam có 32 cảng biển. Trong đó, mỗi cảng biển gồm các bến cảng như sau:
– Cảng biển Quảng Ninh gồm: Bến cảng Mũi Chùa, Bến cảng Vạn Gia (Khu chuyển tải Vạn Gia), Bến cảng than Cẩm Phả, Bến cảng Nhà máy xi măng Cẩm Phả, Bến cảng tổng hợp Cái Lân, Bến cảng xăng dầu B12, Bến cảng Nhà máy đóng tàu Hạ Long, Bến cảng Hòn Gai, Bến cảng Nhà máy xi măng Hạ Long, Bến cảng Nhà máy xi măng Thăng Long, Bến cảng xăng dầu Cái Lân, Bến cảng chuyên dùng Nhà máy nhiệt điện Thăng Long.
– Cảng biển Nghi Sơn gồm: Bến cảng Lệ Môn, Bến cảng xăng dầu Quảng Hưng, Bến cảng tổng hợp Nghi Sơn, Bến cảng chuyên dụng Nhà máy xi măng Nghi Sơn, Bến cảng Nhiệt điện Nghi Sơn 1, Bến cảng Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Bến cảng Tổng hợp quốc tế Nghi Sơn.
– Cảng biển Đà Nẵng gồm: Bến cảng Tiên Sa, Bến cảng Sông Hàn, Bến cảng Nguyễn Văn Trỗi, Bến cảng Sơn Trà, Bến cảng Hải Sơn, Bến cảng Nại Hiên….
Quyết định 616/QĐ-GTVT có hiệu lực từ ngày 09/04/2019.
2.Tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện thuỷ chuyên dùng của các Cảng vụ hàng hải
Ngày 11/04/2019, Bộ Giao thông Vận tải ra Quyết định 627/QĐ-BGTVT ban hành tiêu chuẩn, định mức sử dụng phương tiện thuỷ chuyên dùng của các cảng vụ hàng hải cụ thể như sau:
– Các cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi, Vũng Tàu, Kiên Giang được sử dụng tổng số tàu và cano là 05/cảng vụ, đây là các cảng có định mức sử dụng phương tiện thủy chuyên dùng cao nhất trong các Cảng vụ. Trong đó: Cảng vụ hàng hải Quảng Ngãi được sử dụng 03 tàu, 02 cano; cảng vụ hàng hải Vũng Tàu được sử dụng 01 tàu, 04 cano; cảng vụ hàng hải Kiên Giang được sử dụng 02 tàu, 03 cano.
– Riêng cảng vụ hàng hải Quảng Trị chỉ được sử dụng 02 tàu, không được sử dụng cano, đây là cảng vụ hàng hải có định mức sử dụng phương tiện thủy chuyên dùng thấp nhất trong các cảng vụ Hàng hải.
Quyết định 627/QĐ-BGTVT có hiệu lực từ ngày 11/04/2019.
3.Quy định về kê khai thông tin Kế toán trưởng trong ĐKKD 2019
Ngày 08/01/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã ban hành Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 20/2015/TT-BKHĐT ngày 01/12/2015 của Bộ hướng dẫn về đăng ký doanh nghiệp.
Theo đó, các mẫu tại Phụ lục I-1 đến I-5 quy định về Kế toán trưởng/Phụ trách kế toán, cụ thể:
– Trường hợp doanh nghiệp kê khai hình thức hạch toán độc lập tại chỉ tiêu Hình thức hạch toán thì bắt buộc phải kê khai thông tin về Kế toán trưởng/Phụ trách kế toán tại chỉ tiêu Thông tin về Kế toán trưởng/Phụ trách kế toán.
– Trường hợp doanh nghiệp đang đăng ký kinh doanh, chưa thể ký hợp đồng lao động để thuê Kế toán trưởng hay người Phụ trách kế toán nên không thể kê khai thông tin phần này được thì tại thời điểm đăng ký thành lập doanh nghiệp, người thành lập doanh nghiệp không bắt buộc phải kê khai thông tin về Kế toán trưởng/Phụ trách kế toán trong Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.
Thông tư 02/2019/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 11/03/2019.
4.Hướng dẫn tra cứu quá trình tham gia BHXH, BHYT bằng SMS
Ngày 03/04/2019, Trung tâm công nghệ thông tin ban hành Công văn 330/CNTT-PM triển khai hệ thống tương tác đa phương tiện giữa người dân và doanh nghiệp với cơ quan bảo hiểm xã hội.
Trước hết, người tham gia phải cung cấp số điện thoại cho đơn vị, đại lý nơi mình tham gia để được cập nhập vào cơ sở dữ liệu do cơ quan BHXH quản lý.
Theo Công văn 330/CNTT-PM, chỉ với chiếc điện thoại đơn giản, người dân có thể soạn tin nhắn để tra cứu thời gian đóng BHXH, tra cứu thời gian đóng BHXH theo khoảng thời gian, tra cứu thời gian đóng BHXH theo khoảng thời gian theo năm, tra cứu thời hạn sử dụng thẻ BHYT, tra cứu hồ sơ đã nộp, tình trạng hồ sơ….
Công văn 330/CNTT-PM có hiệu lực thi hành từ ngày 03/04/2019.
5.Tố cáo sai sự thật có thể bị xử lý hình sự
Ngày 10/4/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo.
Theo đó, Nghị định này quy định cụ thể 03 hình thức xử lý kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức có thẩm quyền giải quyết tố cáo đó là khiển trách, cảnh cáo và cách chức.
Riêng đối với hình thức kỷ luật cao nhất là cách chức thì áp dụng đối với người có thẩm quyền giải quyết tố cáo khi có một trong các hành vi vi phạm pháp luật sau đây: Cố ý không giải quyết hoặc cố ý giải quyết tố cáo trái pháp luật gây mất ổn định an ninh, trật tự xã hội; Cố ý bỏ qua các bằng chứng, bỏ lọt các thông tin, tài liệu, làm mất hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ việc; Bao che cho người bị tố cáo.
Đặc biệt, cán bộ, công chức có thẩm quyền không áp dụng các biện pháp bảo vệ cần thiết đối với người tố cáo làm người tố cáo bị trả thù, trù dập dẫn đến thương tật hoặc tổn hại sức khỏe với tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc bị chết sẽ bị cách chức.
Ngoài ra, một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định các biện pháp xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi sau:
– Biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo;
– Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật.
– Sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.
Nghị định 31/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 28/5/2019
6.Quy định về cấp lại sổ BHXH khi bị mất
Ngày 14/04/2017, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra Quyết định số 595/QĐ-BHXH ban hành quy trình thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; quản lý sổ bảo hiểm, thẻ bảo hiểm y tế.
Theo Khoản 2 Điều 46, người lao động có thể được cấp lại sổ khi bị mất hay hỏng, cụ thể:
– Để được cấp lại sổ trong trường hợp bị mất, người lao động chuẩn bị 01 bộ hồ sơ giấy tờ bao gồm: tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK1-TS); đơn đề nghị cấp lại sổ BHXH của người lao động.
– Người lao động nộp hồ sơ cấp lại sổ cho cơ quan BHXH hoặc nộp thông qua đơn vị đang làm việc và trong thời gian không quá 10 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, người lao động sẽ được nhận sổ BHXH mới.
Như vậy, để được cấp lại sổ sau khi mất, người lao động chỉ cần đến cơ quan BHXH quận/huyện nộp đầy đủ hồ sơ và không phải nộp bất kì khoản lệ phí nào.
Quyết định 595/QĐ-BHXH có hiệu lực từ ngày 01/05/2017.
7.Doanh nghiệp bị phạt nếu ép nhân viên đi làm ngày lễ
Theo quy định tại Điều 115 Bộ luật Lao động 2012, mỗi năm, người lao động có 06 dịp lễ, tết được nghỉ làm và hưởng nguyên lương: Tết Dương lịch; Tết Âm lịch; Ngày Chiến thắng (30/4); Ngày Quốc tế lao động (01/5); Ngày Quốc khánh (02/9); Ngày Giỗ Tổ Hùng Vương (10/3 âm lịch).
Nếu doanh nghiệp muốn người lao động làm việc trong những ngày này thì phải được sự đồng ý của họ và phải trả thêm cho họ ít nhất 300% lương (điểm c khoản 1 Điều 97 Bộ luật Lao động 2012)
Ngoài ra, Điều 97 Bộ luật Lao động 2012 cũng quy định về tiền lương làm thêm giờ, làm thêm vào ban đêm, làm thêm vào ngày nghỉ như sau:
– Trường hợp người lao động làm thêm vào ngày nghỉ hàng tuần (thứ Bảy, Chủ nhật) sẽ được hưởng thêm ít nhất 200% mức lương ngày thường.
– Trường hợp người lao động làm thêm vào ban đêm thì người lao động còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc của ngày làm việc bình thường.
Trường hợp doanh nghiệp ép người lao động đi làm mà không được sự đồng ý của họ sẽ bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý theo quy định tại Điều 14 Nghị định 95/2013/NĐ-CP ngày 22/8/2013,, cụ thể:
– Phạt tới 01 triệu đồng nếu vi phạm với 01 đến 10 người lao động;
– Phạt tới 03 triệu đồng nếu vi phạm với 11 đến 50 người lao động;
– Phạt tới 07 triệu đồng nếu vi phạm với 51 đến 100 người lao động;
– Phạt tới 10 triệu đồng nếu vi phạm với 101 đến 300 người lao động;
– Phạt tới 15 triệu đồng nếu vi phạm với 301 người lao động trở lên;
– Phạt tới 50 triệu đồng nếu buộc người lao động làm thêm giờ vượt quá 12 giờ/ngày.
Ngoài ra, với doanh nghiệp buộc người lao động làm thêm giờ vượt quá 12 giờ/ngày trong những ngày lễ còn bị đình chỉ hoạt động từ 01 đến 03 tháng.
8.Triển khai vận hành Phần mềm quản lý thu, nộp tạm ứng phí
Ngày 28/03/2019, Bộ Tư pháp ra Quyết định 696/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai Phần mềm quản lý thu, nộp tạm ứng phí
Theo đó, việc triển khai sử dụng và vận hành Phần mềm quản lý thu, nộp tạm ứng phí do Bộ Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương thực hiện trước ngày 30/05/2019, cụ thể:
– Nhận bàn giao tài liệu hướng dẫn và tài khoản sử dụng phần mềm quản lý thu, nộp tạm ứng án phí từ Tòa án nhân dân tối cao
+ Đơn vị chủ trì bàn giao: Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Tổng hợp).
+ Đơn vị nhận bàn giao: Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự).
– Xây dựng và tổ chức buổi lễ ký kết văn bản phối hợp triển khai phần mềm trình Lãnh đạo hai cơ quan
+ Đơn vị chủ trì: Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Tổng hợp).
+ Đơn vị phối hợp: Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự).
– Tổ chức hướng dẫn sử dụng phần mềm quản lý thu, nộp tạm ứng án phí cho các cơ quan Thi hành án dân sự thuộc Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp
– Đơn vị chủ trì: Tòa án nhân dân tối cao (Vụ Tổng hợp).
– Đơn vị phối hợp: Bộ Tư pháp (Tổng cục Thi hành án dân sự), các cơ quan Thi hành án dân sự địa phương dự trực tuyến tại các điểm cầu Tòa án địa phương.
– Đưa phần mềm vào sử dụng, khai thác tại các cơ quan thi hành án dân sự địa phương
+ Cấp tài khoản cho các cơ quan Thi hành án dân sự
+ Triển khai sử dụng và vận hành Phần mềm
Quyết định 696/QĐ-BTP có hiệu lực kể từ ngày ký, 28/03/2019.