Với vai trò là cửa ngõ giao thương quốc tế lớn nhất miền Bắc kể từ khi được xây dựng vào cuối thế kỷ 19, Cảng Hải Phòng luôn là tâm điểm trong mọi giai đoạn lịch sử suốt hơn một thế kỷ qua. Trong kháng chiến chống Mỹ cũng vậy, Cảng Hải Phòng vừa là tiền tuyến thử lửa với quân thù, vừa là đầu mối vững chắc của hậu phương chiến trường, góp phần to lớn vào cuộc chiến vệ quốc vĩ đại của dân tộc.
Cảng Hải Phòng ngày nay
Trong khuôn khổ một bài viết, khó có thể mô tả hết tầm quan trọng chiến lược của Cảng Hải Phòng trong gần 150 năm tồn tại, kể từ khi được xây dựng vào năm 1874. Nhưng có thể khẳng định, nơi đây là một trong những chiếc nôi của phong trào cách mạng, luôn “đi trước về sau” trong các cuộc kháng chiến vệ quốc của lịch sử hiện đại, trở thành niềm tự hào chung của cả dân tộc Việt Nam.
Sau Hiệp định Geneve được ký kết năm 1954, các địa phương khác của miền Bắc đã được giải phóng, thì Hải Phòng vẫn nằm trong vòng kiểm soát của địch, với vai trò là nơi tập kết 300 ngày của Pháp và tay sai, trước khi chúng rút về phía Nam vĩ tuyến 17. Đơn giản, vì Hải Phòng có cảng, vị thế chiến lược không còn lựa chọn nào tốt hơn tại thời điểm đó, và ngày Hải Phòng giải phóng 13-5-1955 cũng chính là ngày giải phóng của toàn miền Bắc.
Vào đầu những năm 1960, sau khi thay chân Pháp, đế quốc Mỹ đã thất bại trong việc áp dụng “Chiến tranh đặc biệt”, chúng chuyển sang chiến lược mới, một mặt trực tiếp đưa quân tham chiến ở miền Nam, một mặt mở các đợt tấn công phá hoại bằng không quân và hải quân ra miền Bắc.
Tháng 2-1967, những quả thủy lôi đầu tiên được Mỹ thả xuống Hải Phòng, mở đầu cho chiến dịch phong tỏa các cảng sông miền Bắc, nhằm mục tiêu đánh chìm nhiều loại tàu chiến, tàu vận tải của ta, ngăn chặn việc chi viện cho chiến trường miền Nam và sự giúp đỡ của các nước XHCN đối với Việt Nam.
Theo một tài liệu ghi nhận, trong hai năm 1967-1968, quân Mỹ phong tỏa khu vực Hải Phòng gần 1.500 quả bom từ trường và thủy lôi các loại, đây là đợt bao vây phong tỏa và phá hoại lần thứ nhất.
Cuộc chiến tranh phong tỏa lần thứ hai bắt đầu từ 9-5-1972, Mỹ thả suốt tuyến ven biển phía Bắc 5.431 quả bom từ trường và thủy lôi, riêng khu vực Hải Phòng là 1.735 quả. Người Mỹ tuyên bố sẽ làm tê liệt Hải Phòng, với ý đồ biến thành phố cảng thành hòn đảo cô lập với nội địa, từ đó ngăn chặn con đường hữu nghị quốc tế giữa Việt Nam với thế giới mà Hải Phòng là cửa ngõ.
Chưa dừng lại ở đó, vào tháng 12-1972, Mỹ mở đợt tấn công với quy mô chưa từng có bằng không quân vào Hải Phòng, Hà Nội và một số địa phương của miền Bắc, với tuyên bố ngông nghênh: “Đưa miền Bắc Việt Nam trở về thời kỳ đồ đá”.
Về cuộc bao vây phong tỏa và chiến tranh phá hoại của Mỹ vào Hải Phòng, tài liệu lịch sử mô tả: “Không quân Mỹ ném bom phá sập cầu Rào, cầu Niệm và thả dày đặc bom từ trường DST-36 xuống dưới lòng sông, bịt các cửa sông, bến phà xung quanh thương cảng.
Không những thế, đế quốc Mỹ còn liên tục cho máy bay giám sát các tàu chở hàng của Liên Xô và các nước XHCN anh em trên đường từ biển vào cảng Hải Phòng. Chúng đã bắn tên lửa, rốc két vào hai tàu chở hàng của Liên Xô đang đậu ở Cảng, bất chấp sự phản đối của dư luận”.
Tàu Liên Xô làm hàng tại Cảng Hải Phòng thời kỳ kháng chiến chống Mỹ (Ảnh tư liệu)
Nhưng quân và dân Hải Phòng, với tinh thần “Trung dũng – Quyết thắng” luôn ngẩng cao đầu, cùng cả miền bắc đập tan ý chí quân thù, làm lên một “Điện Biên Phủ trên không” lịch sử. Cảng Hải Phòng vẫn đứng vững, những con tàu vẫn ngày đêm vượt vòng vây lửa, để từ đây những chuyến hàng tiếp tục tạo thành dòng chảy, tới khắp các chiến trường, cho tới ngày đất nước trọn niềm vui thống nhất.
9 năm chống phong tỏa, các kỹ sư, công nhân đường biển đã phá hủy gần 1.430 thủy lôi và bom từ trường, giải tỏa trên 80km luồng vận tải không còn bom mìn, rà quét trên 24 km2 bến bãi, đầu mối giao thông đưa vào khai thác an toàn.
Với tinh thần sáng tạo, dũng cảm Cảng Hải Phòng luôn được giải tỏa kịp thời, ban ngày địch phong tỏa thì chiều tối các lực lượng ta đi giải tỏa, luồng vận tải này bị phong tỏa chưa phá được thì chúng ta có luồng dự bị thay thế, huyết mạch hàng hóa qua cảng biển Hải Phòng luôn hừng hực chảy như thế
Trong cuộc chiến 12 ngày đêm chống không quân Mỹ cuối tháng 12-1972, Hệ thống phòng không từ Cảng Hải Phòng đã hòa vào lưới lửa thành phố, lôi cổ những chiếc máy bay tân tiến nhất của không lực Hoa Kỳ hỏa táng dưới mặt đất. Riêng tự vệ Cảng tham gia 343 trận chiến đấu, bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Công binh Cảng tháo gỡ 308 thuỷ lôi, bom mìn, chế tạo thành công máy phá bom từ trường, mở luồng cho tàu thuyền ra vào Cảng.
Đó cũng là thời kỳ cán bộ, công nhân cảng phát huy tinh thần “ Đoàn kết – Kiên cường – Sáng tạo”, anh dũng bám trụ vừa sản xuất vừa chiến đấu. Các phong trào thi đua đã thổi vào nhiệt huyết của cán bộ, công nhân Cảng Hải Phòng khí thế vô song, kiên cường bám máy, bám tàu, bám biển. Từ đó, hơn 40 triệu tấn hàng hóa nhập khẩu, viện trợ từ nước ngoài được tiếp nhận an toàn, đã viết lên bản hùng ca về tinh thần của đội ngũ công nhân cảng.
Cán bộ công nhân Cảng sản xuất tốt, chiến đấu giỏi, góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chi viện cho tiền tuyến lớn. Những chiến công của lòng dũng cảm, trí can trường, sự hy sinh của cán bộ công nhân Cảng Hải Phòng xứng đáng với những danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” và nhiều danh hiệu cao quý khác của Đảng, Nhà nước trao tặng.
Phóng sự: Cảng Hải Phòng lớn mạnh cùng Thành phố Hoa Phượng Đỏ