Nhiều doanh nghiệp nhà nước đang ráo riết, mạnh mẽ thực hiện chuyển đổi số và bước đầu đạt kết quả rất đáng khích lệ.
Các doanh nghiệp nhà nước đều xác định chuyển đổi số là “sống còn” và lâu dài, trở thành năng lực cạnh tranh mới của họ.
Vượt giông bão bằng chuyển đổi số
“Trắng” phần mềm, tỷ lệ áp dụng phần mềm quản lý nghiệp vụ như quản lý thông tin, chăm sóc khách hàng, quản lý kho bãi, hệ thống báo cáo đều bằng 0% là thực trạng ứng dụng số tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) trước năm 2018. Các nghiệp vụ sản xuất, kinh doanh, khai thác, văn phòng… có tỷ lệ ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) rất thấp. Có tới 80% doanh nghiệp thành viên không có nhân sự chuyên môn về CNTT, 90% doanh nghiệp không đầu tư nâng cấp hạ tầng CNTT trong vòng 7-10 năm…
Mô hình dịch vụ cảng điện tử (ePort) tại Công ty cổ phần Cảng Hải Phòng
Cuối năm 2018, VIMC đã thực hiện cuộc lột xác với chương trình chuyển đổi số triệt để, đồng bộ. Đến nay, VIMC đã trở thành một doanh nghiệp hoạt động trên nền tảng số. VIMC đang áp dụng hệ thống báo cáo thông minh MIS-BI, giúp đánh giá, cải thiện và tối ưu hóa khả năng cũng như quy trình hoạt động của tổ chức, các lĩnh vực gồm tài chính, kinh doanh, khách hàng, sản xuất, lao động, đầu tư, KPI. Trong thời gian tới, nhằm đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, VIMC sẽ tập trung xây dựng hệ thống tổng hợp và khai thác dữ liệu lớn (Big data), đồng thời xây dựng nguồn lực CNTT theo hướng tập trung và chuyên môn hóa.
“Năm 2021, VIMC sẽ đưa vào áp dụng 2 giải pháp then chốt trong công cuộc chuyển đổi số. Thứ nhất là Hệ thống điều hành văn phòng VIMC-Working Place, điều hành toàn bộ giao dịch, quản lý công việc, công văn giấy tờ, lưu trữ đám mây, thủ tục hành chính, quản lý chi phí văn phòng tới từng cá nhân, sử dụng chữ ký điện tử và hoạt động trên mọi nền tảng. Thứ hai là Hệ thống Logistics Hub sử dụng công nghệ AI và Robotics, khách hàng tiến tới sẽ chỉ giao tiếp với VIMC bằng nguồn duy nhất qua Logistics Hub. Các doanh nghiệp thành viên cũng phục vụ khách hàng thông qua hệ thống này, đưa VIMC thành doanh nghiệp từ có lợi thế hạ tầng, thành doanh nghiệp hoạt động cốt lõi trên nền tảng số”, ông Lê Đông, Giám đốc Trung tâm CNTT VIMC cho biết.
Còn Vietnam Airlines cũng đã xác định trở thành một tập đoàn hàng không số. Dấu ấn trong năm 2020, khi mà Covid-19 hoành hành, là các ứng dụng số không tiếp xúc. Trong 10 tháng của năm 2020, trang web của Vietnam Airlines đã có 25,2 triệu phiên truy cập, 10,3 triệu khách hàng sử dụng và 2,4 triệu lượt tải ứng dụng di động, gần 3,5 triệu hành khách sử dụng dịch vụ tự check-in tại các sân bay Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất…
Ông Vũ Nguyên Khôi, Trưởng ban Tiếp thị và Chuyển đổi số Vietnam Airlines cho biết, ứng dụng chuyển đổi số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng của Vietnam Airlines là nhu cầu tất yếu. Do đó, từ năm 2020, Vietnam Airlines đã thành lập bộ phận chuyên trách chuyển đổi số và triển khai tự động hóa hoạt động marketing trực tiếp đến từng khách hàng. Từ việc số hóa các khâu trong sản xuất, kinh doanh, Vietnam Airlines hướng đến áp dụng trí tuệ nhân tạo vào cung cấp tiện ích, hỗ trợ trong hành trình khách hàng.
“Với mục tiêu trở thành hãng hàng không số, hướng tới hãng hàng không dịch vụ 5 sao, thời gian tới, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục xây dựng hệ sinh thái số đáp ứng các nhu cầu đa dạng của khách hàng”, ông Khôi nói.
Hành trình chưa bao giờ kết thúc
Một doanh nghiệp nhà nước khác là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng xác định, chuyển đổi số tại EVN sẽ tập trung trong một số lĩnh trọng tâm như quản lý kỹ thuật, kinh doanh, dịch vụ khách hàng, quản trị nội bộ, đầu tư xây dựng và quản lý dự án, hạ tầng viễn thông – CNTT.
Tại EVN, chuyển đổi số đã áp dụng triệt để trong tất cả các khâu: phát điện (hệ thống quản lý kỹ thuật – PMIS, các hệ thống SCADA/EMS/DMS; các hệ thống dự báo phụ tải và tính toán hệ thống điện, hệ thống quản lý độ tin cậy cung cấp điện OMS…); đầu tư xây dựng (phần mềm IMIS, hệ thống giám sát online..); kinh doanh và chăm sóc khách hàng (giải pháp quản lý thông tin khách hàng dùng điện – CMIS, CRM, hợp đồng điện tử, thanh toán điện tử, EVNHES)…
“Đến năm 2022, EVN cơ bản hoàn thành chuyển đổi số và vận hành theo mô hình doanh nghiệp số”, ông Nguyễn Xuân Tuấn, Trưởng ban Viễn thông và CNTT của EVN cho biết.
Tại Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), ông Trần Quang Hùng, Phó giám đốc Công ty cổ phần Tin học – Viễn thông Petrolimex chia sẻ, Petrolimex đã đầu tư xây dựng hệ thống EGAS (Enterprise Gas Station) bao gồm phần mềm quản lý cửa hàng xăng dầu (eGAS) và phân hệ tự động hóa cửa hàng xăng dầu. Thông qua eGAS, thông tin chi tiết trên từng giao dịch bán hàng, nhập hàng được hệ thống ghi nhận và chuyển về dữ liệu trung tâm phục vụ công tác quản lý điều hành…
Ở khối doanh nghiệp nhà nước, tưởng như rất khó để thực hiện chuyển đổi số, thì trên thực tế lại có sự chuyển đổi rất mạnh mẽ, quyết liệt. Điều đáng mừng là các doanh nghiệp đều xác định chuyển đổi số là “sống còn” và lâu dài, trở thành năng lực cạnh tranh mới của họ.
Ông Nguyễn Ngọc Cảnh, Phó chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp cho rằng, chuyển đổi số là một quá trình dài với nhiều thách thức đặt ra, buộc Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng đều phải thay đổi, nhất là trong bối cảnh thiên tai dịch bệnh kéo dài. 19 tập đoàn, tổng công ty và cả Ủy ban cần tiên phong trong chuyển đổi số. Lãnh đạo các đơn vị cần chuyển đổi nhận thức về sứ mệnh, sự cần thiết, tính cấp bách của chuyển đổi số với vai trò của người đứng đầu sẽ chịu trách nhiệm trực tiếp về chuyển đổi số trong cơ quan, tổ chức mình phụ trách; đưa các chỉ số đánh giá mức độ chuyển đổi số vào trong điều hành quản lý doanh nghiệp.