Chiều 2/10, Bộ GTVT đã tổ chức Hội thảo về các giải pháp kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giảm chi phí logistics trong lĩnh vực GTVT và khung giá dịch vụ tại cảng biển. Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đến dự và chỉ đạo Hội nghị.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công đánh giá, những năm gần đây, với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự vào cuộc đồng bộ của các bộ, ngành, lĩnh vực logistics của Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. “Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu như năm 2016, chỉ số hiệu quả dịch vụ logistics của Việt Nam đứng thứ 64/160 nước thì đến năm 2018, chỉ số hiệu quả logistics của nước ta đã vươn lên thứ 39/160 nước, đứng thứ 3 trong các nước Asean, sau Singapore và Thái Lan. Tuy nhiên, tính toán cho thấy, chi phí logistic của Việt Nam vẫn ở mức cao, chiếm khoảng 20,9% GDP, khá cao so với các nền kinh tế phát triển như: Trung Quốc (19% GDP), Thái Lan (khoảng 18%), Nhật Bản (khoảng 11%),…”, Thứ trưởng cho biết.
Qua các nghiên cứu cho thấy ngành Logistics hiện đang phải đối diện với không ít thách thức như: sự chưa đồng bộ của kết cấu hạ tầng giao thông; văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh hoạt động logistics còn chưa rõ ràng, vẫn có sự chồng chéo, chưa có tính nhất quán cao, có tính chất quản lý bằng điều kiện nhiều hơn là tạo môi trường pháp lý minh bạch, thuận lợi cho doanh nghiệp; Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ còn nhỏ lẻ, hoạt động chủ yếu là đại lý hoặc đảm nhận từng công đoạn như là nhà thầu phụ trong dây chuyền logistics cho các nhà cung cấp dịch vụ logistics quốc tế; doanh nghiệp sử dụng dịch vụ chưa đánh giá hết được tầm quan trọng của việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng, đặc biệt là các công đoạn còn lại từ cảng Việt Nam đến tay người tiêu dùng cuối cùng, cũng như những lợi ích tiềm năng làm gia tăng giá trị hàng hóa, dịch vụ do việc quản trị logistics và chuỗi cung ứng mang lại. Kết quả là logistics thường được đồng nhất với việc vận tải đơn giản và việc thuê ngoài logistics vẫn chưa trở thành thói quen.
“Phải thẳng thắn nhìn nhận hệ thống hạ tầng giao thông của chúng ta còn chưa đồng bộ, tính kết nối còn hạn chế, đặc biệt là kết nối các trung tâm sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, các vùng nguyên liệu, vật liệu với cảng biển, cảng hàng không, cảng đường thủy nội địa thông qua hệ thống đường bộ và đường sắt. Cơ sở hạ tầng hệ thống dịch vụ hỗ trợ vận tải còn thiếu, manh mún, thiếu tính kết nối đặc biệt là việc thiếu những cảng cạn, trung tâm logistic có quy mô và vị trí thuận tiện tại mỗi khu vực kinh tế trọng điểm để làm đầu mối trung chuyển phân phối hàng hóa đã ảnh hưởng đến việc tối ưu hóa hoạt động vận tải, đặc biệt là vận tải đa phương thức, đây là rào cản lớn, điểm nghẽn đối với hoạt động vận tải làm tăng giá thành vận chuyển, giảm tính cạnh tranh về giá sản phẩm’, Thứ trưởng nhận định và cho rằng để phát triển kinh tế, giao thông vận tải phải đi trước một bước. Trong bối cảnh quốc tế và trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhiệm vụ đặt ra là rất nặng nề. ”Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và Chính phủ, Bộ GTVT sẽ quyết liệt hành động, khắc phục hạn chế, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt các giải pháp giảm chi phí logistics đặc biệt là chi phí vận tải và kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông” Thứ trưởng khẳng định.
Về khung giá dịch vụ tại cảng biển, Hiện nay, giá dịch vụ xếp dỡ container tại cảng biển của Việt Nam cũng đang ở mức rất thấp so với các nước trong khu vực khi khu vực cảng Hải Phòng chỉ có khoảng 30 USD/cont20’/1 lần xếp dỡ, Đà Nẵng khoảng 45 USD/cont20’/1 lần xếp dỡ, TP. Hồ Chí Minh khoảng 41 USD/cont20’/1 lần xếp dỡ trong khi ở Campuchia hiện tại là 65 USD/cont20’/1 lần xếp dỡ, Malaysia là 52 USD/cont20’/1 lần xếpdỡ, Hồng Kông lên tới 130 USD/cont20’/1 lần xếp dỡ.
“Mức giá xếp dỡ container tại cảng biển Việt Nam cần phải được nâng lên để các DN ngoài việc thu bù chi còn có thể có lợi nhuận để tích lũy, tái cơ cấu và đổi mới trang thiết bị, áp dụng công nghệ để nâng cao chất lượng dịch vụ”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công nói và cho rằng, giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách cũng cần phải cải thiện. Những năm trước, mỗi hành khách khi cập cảng sẽ nộp cho cảng từ 0,9 – 1,1 USD/lượt trong khi mức giá này ở cảng biển Singapore và Nhật Bản hiện khoảng 8 USD, cảng biển tại Hồng Kông khoảng 14 USD. “Giá thấp nên các DN cảng ở Việt Nam dù vừa đón tàu khách, vừa kết hợp đón tàu hàng nhưng nhiều khi thu không đủ chi. Việc đề nghị các DN tư nhân đầu tư, xây dựng cảng chuyên dùng đón khách cũng rất trắc trở, hầu hết các DN đều không tính được phương án hoàn vốn bởi giá dịch vụ quá thấp”, Thứ trưởng nhận định.
Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Công Bằng, Phó vụ trưởng Vụ Vận tải đã báo cáo tóm tắt kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh triển khai các giải pháp nhằm giảm chi phí logistics, kết nối hiệu quả hệ thống hạ tầng giao thông. Theo đó, hiện Bộ GTVT đang hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách, cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm điều kiện kinh doanh, đơn giản thủ tục kiểm tra chuyên ngành; nâng cao chất lượng công tác lập và tổ chức thực hiện quy hoạch; tăng cường kết nối, phát triển hợp lý các phương thức vận tải, phát huy tối đa vận tải đa phương thức và dịch vụ logistics; phát triển vận tải thủy nội địa và vận tải ven biển; nâng cao hiệuquả quản lý và sử dụng vốn đầu tư trong xây dựng kết cấu hạ tầng, đề xuất cơ chế khuyến khích, thu hút đầu tư ngoài ngân sách, huy độngcác nguồn lực để xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; tăng cường hợp tác với các đối tác nước ngoài để mở rộng kết nối hạ tầng logistics…
Về phía Cục Hàng Hải VN, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) cho biết, Dự thảo Thông tư ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt cảng biển tại Việt Nam thay thế Quyết định 3863 của Bộ GTVT đang được xây dựng theo 2 phương án:
Cụ thể, phương án 1 giá dịch vụ sẽ điều chỉnh theo hướng: Khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 2,5 USD/người/lượt, tối đa là 5 USD/người/lượt; Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực I tăng khoảng 10% so với khung giá hiện hành, từ 30 USD/cont20’, 45 USD/cont40’ lên 33 USD/cont20’ và 55 USD/cont40’. Riêng Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực ĐBSCL giảm 50% so với khung giá ở dịch vụ tương tự ở khu vực III. Các nội dung khác giữ nguyên như quy định hiện hành.
Phương án 2, giá dịch vụ được điều chỉnh theo hướng tiếp cận dần với mức giá chung của khu vực và thế giới. Cụ thể, Khung giá dịch vụ cầu bến, phao neo đối với khách du lịch tối thiểu là 5 USD/người/lượt, tối đa là 15 USD/người/lượt; Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực 1 tăng bằng giá khu vực 3, áp dụng theo lộ trình: năm 2019 là 33 USD/cont20’ và 50 USD/cont40’ (tăng 10%), năm 2019 là 37 USD/cont20’ và 56 USD/cont40’ (tăng 20%), năm 2030 là 41 USD/cont20’ và 62 USD/cont40’ (tăng 30%).
Khung giá dịch vụ bốc dỡ container xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập tái xuất khu vực Lạch Huyện điều chỉnh tăng khoảng 10% so với mức quy định tại quyết định số 3863, lộ trình đến năm 2021, tăng từ 46 USD/cont20’, 68 USD/cont40’ lên 52 USD/cont20’ và 77 USD/cont40’. Khu vực cảng Cái Mép – Thị Vải tăng 10% so với hiện tại, từ 46 USD/cont20’, 68 USD/cont40’ lên 52 USD/cont20’ và 77 USD/cont40’.
Tại hội thảo, trên cơ sở khung giá dịch vụ tại cảng biển trong dự thảo thay thế, đại diện các cảng: Hải Phòng, Đà Nẵng, Chân Mây cũng bày tỏ mong muốn giá dịch vụ hành khách đối với tàu khách có thể tăng thêm từ 2,5 – 15 USD theo lộ trình và đặc điểm từng khu vực cảng.
MT.GOV.VN