Đảng ủy VIMC tham dự trực tuyến Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng

21/10/21 8:14 AM

Sáng 19/10/2021, tại Hà Nội, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng công ty Hàng hải Việt Nam tham dự Hội nghị thông báo nhanh kết quả Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng; học tập, quán triệt, triển khai nghị quyết số 02- NQ/ĐUK của Đảng ủy khối; bồi dưỡng, cập nhật kiến thức theo quy định 164 – QĐ/TW của Bộ chính trị do Đảng ủy Khối doanh nghiệp Trung ương tổ chức bằng hình thức trực tuyến với 208 điểm cầu và điểm cầu Trung tâm cơ quan Đảng ủy khối.

Các đại biểu tham dự Hội nghị tại điểm cầu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam

Tham dự Hội nghị tại điểm cầu Trung tâm (Cơ quan Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương có đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch UBQG về Chuyển đổi số; đồng chí Nguyễn Huy Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đại diện lãnh đạo các Ban Đảng thuộc Đảng bộ Khối doanh nghiệp Trung ương.

images3088632-h-i

Đồng chí Nguyễn Long Hải – Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối thông báo nhanh Kết quả Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng; quán triệt Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK, ngày 07/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Tại Hội nghị, đồng chí Nguyễn Long Hải, Uỷ viên dự khuyết BCH TW Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối thông báo nhanh Kết quả Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng. Sau hơn 3 ngày (từ ngày 4 – 7/10/2021) làm việc khẩn trương, nghiêm túc và đầy tinh thần trách nhiệm, Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Hội nghị thống nhất nhận định: Do hậu quả nặng nề bởi đợt bùng phát dịch lần thứ 4 gây ra, kinh tế quý III tăng trưởng âm 6,17% so với cùng kỳ năm 2020, làm cho tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm chỉ đạt 1,42%, là mức thấp nhất từ năm 2000 đến nay; dự báo cả năm chỉ đạt khoảng 3%, thấp xa so với mục tiêu Quốc hội đề ra (6%). Kinh tế-xã hội cả nước đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn, và có thể còn tiếp tục kéo dài trong những tháng cuối năm 2021 và năm 2022. Các hoạt động sản xuất kinh doanh, việc học tập và đời sống của người lao động trên hầu hết các lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; không ít doanh nghiệp phải dừng hoạt động, thậm chí bị giải thể, phá sản. Nợ xấu ngân hàng có khả năng tăng cao; tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với thị trường tài chính – tiền tệ, thị trường lao động, ổn định kinh tế vĩ mô, môi trường đầu tư kinh doanh. Đời sống của nhân dân, sức chống chịu của người lao động ở vùng dịch bị ảnh hưởng rất nặng nề; nẩy sinh nhiều vấn đề phức tạp về tâm lý, tâm trạng xã hội, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội.

Hội nghị Trung ương 4 xác định, trong những tháng cuối năm 2021, cần phải khẩn trương xây dựng và tổ chức thực hiện các phương án, kịch bản cụ thể, sát hợp hơn với thực tế tình hình để sớm mở cửa trở lại, với các giải pháp tổng thể kích thích nền kinh tế, hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người lao động. Dự báo, trong năm 2022, tình hình dịch bệnh trên thế giới và ở nước ta còn diễn biến phức tạp, khó lường, có thể còn bùng phát các đợt dịch mới với những biến chủng mới, lây lan nhanh hơn và nguy hiểm hơn. Thế giới khó có thể kiểm soát dịch bệnh một cách tuyệt đối; do đó cần phải có chính sách, biện pháp phù hợp để phòng, chống, “thích ứng an toàn, linh hoạt” hoặc “sống chung” với dịch bệnh.

Mục tiêu, nước ta cần giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; Thực hiện nghiêm quy định về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia và trật tự, an toàn xã hội. Chủ động tích cực hội nhập quốc tế, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Về kết quả thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn đảng, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” , “tự chuyển hóa” trong nội bộ, đồng chí Nguyễn Long Hải cho biết: Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, có bước đột phá trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số cấp uỷ tổ chức đảng, người đứng đầu chưa chỉ đạo quyết liệt, nhận thức chưa gắn với hành động, thực hiện chưa nghiêm Nghị quyết của Đảng. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp uỷ, tổ chức đảng còn hạn chế.

Hội nghị cũng thống nhất các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu: Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình; Tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu. Tập trung hoàn thiện cơ chế, chính sách; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật đảng; Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý nghiêm cán bộ vi phạm; Phát huy vai trò, trách nhiệm của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội và nhân dân.
Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã cho ý kiến, thông qua báo cáo những công việc quan trọng Bộ Chính trị đã giải quyết từ sau Hội nghị Trung ương 3 đến Hội nghị Trung ương 4 và các nhiệm vụ trọng tâm từ Hội nghị Trung ương 4 đến Hội nghị Trung ương 5.

Về Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK, ngày 07/6/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối Doanh nghiệp Trung ương đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, đồng chí Bí thư Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương nhấn mạnh: Mục tiêu Nghị quyết đề ra đến năm 2025: Đạt mức trung bình trong thực hiện chuyển đổi số của khu vực ASEAN, Có doanh nghiệp trong nhóm dẫn đầu chuyển đổi số của Việt Nam và ASEAN; Internet băng thông rộng phủ 100% số xã; 100% đảng uỷ trực thuộc có nghị quyết chuyên đề lãnh đạo triển khai chuyển đổi số. 100% doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong quản trị, ứng dụng thương mại điện tử trong kinh doanh; năng suất lao động tăng bình quân 7%/năm. Các ngân hàng có trên 75% tài khoản thanh toán thực hiện các giao dịch thanh toán điện tử; tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 35%.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030: 100% doanh nghiệp, đơn vị trong Khối cơ bản hoàn thành chuyển đổi số. Số hoá 90% dữ liệu và các quy trình nghiệp vụ, sản xuất kinh doanh. Năng suất lao động tăng bình quân 8%/năm; 90% các nghiệp vụ liên quan đến khách hàng của doanh nghiệp thực hiện trên môi trường số. 15 doanh nghiệp hình thành hệ sinh thái số có khả năng dẫn dắt ngành; Giao dịch thanh toán điện tử đạt trên 90%; tỷ trọng doanh thu từ kênh số đạt trên 55%.

Nghị quyết cũng nêu rõ 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp: Thống nhất nhận thức về chuyển đổi số và tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng; Đặc biệt chú trọng công tác hoạch định chiến lược chuyển đổi số và công tác lãnh đạo, tổ chức triển khai; Tập trung chuẩn bị tốt nguồn nhân lực và tài chính cho chuyển đổi số; xây dựng văn hóa số trong doanh nghiệp, đơn vị; Từng bước xây dựng và phát triển hạ tầng số phù hợp; Xây dựng và triển khai chiến lược về dữ liệu, quyết liệt thực hiện số hóa dữ liệu và quy trình nghiệp vụ; Tăng cường triển khai các ứng dụng nhằm nâng cao hiệu quả quản trị nội bộ, gia tăng trải nghiệm khách hàng; Phát triển các nền tảng dùng chung để phát huy vai trò nòng cốt, dẫn dắt của các doanh nghiệp trong Khối nhằm tối ưu hoá nguồn lực và góp phần xây dựng kinh tế số, xã hội số, chính phủ số; Bảo đảm an toàn, an ninh thông tin; Hợp tác quốc tế, nghiên cứu, phát triển và đổi mới sáng tạo trong môi trường chuyển đổi số.

images3088633-H-ng

Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch UBQG về Chuyển đổi số trao đổi, giải đáp tại Hội nghị về chuyển đổi số Quốc gia, những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp nhà nước.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã nghe đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông kiêm Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, Phó Chủ tịch UBQG về Chuyển đổi số trao đổi, giải đáp về chuyển đổi số Quốc gia, những vấn đề đặt ra đối với doanh nghiệp nhà nước và đồng chí Nguyễn Hữu Dũng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chia sẻ chuyên đề “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.