Trong khuôn khổ chương trình công tác tại Đức, chiều 12/9, tại Hamburg, đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) do Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh dẫn đầu đã đến thăm và làm việc với Công ty Nordic Hamburg.
Đoàn công tác và lãnh đạo Công ty Nordic Hamburg
Thành lập năm 2006, Nordic Hamburg có chuyên môn và kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực phát triển, quản lý dịch vụ các dự án hàng hải; quản lý, vận hành và khai thác thương mại các đội tàu biển; đào tạo thuyền viên; và khai thác dịch vụ tài chính trong ngành hàng hải. Đặt văn phòng đại diện ở nhiều nơi trên thế giới như Hamburg, Singapore, Odessa, Manila và Istanbul, Nordic cung cấp các dịch vụ và các giải pháp quản lý một cửa cho các đối tác trong lĩnh vực hàng hải quốc tế. Với mạng lưới hợp tác chặt chẽ và bền vững với các đối tác và nhà đầu tư có năng lực, Nordic có kinh nghiệm phát triển các dự án hàng hải từ đóng mới tàu biển đến quản lý đội tàu, trong các phân khúc hàng hải khác nhau.
Thông tin tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết, được thành lập vào năm 2018, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam, được giao nhiệm vụ là cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại 19 Tập đoàn, Tổng công ty. Các doanh nghiệp của Ủy ban hiện nắm giữ những nguồn lực quan trọng của đất nước, giữ vai trò chủ đạo trong nhiều lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế như: năng lượng, hạ tầng giao thông, viễn thông – công nghệ thông tin, tài chính, công nghiệp, nông nghiệp.
Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh và Tổng giám đốc VIMC Nguyễn Cảnh Tĩnh thăm đội tàu biển của Nordic Hamburg
Là 1 trong 19 Tập đoàn, Tổng công ty trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, VIMC được thành lập vào ngày 29/4/1995 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ với sứ mệnh sẽ là doanh nghiệp nòng cốt, chủ lực của ngành hàng hải Việt Nam. Trải qua quá trình 27 năm hình thành và phát triển, VIMC đã vươn mình trở thành một trong những doanh nghiệp đi đầu trong việc mở cửa hợp tác, hội nhập quốc tế, cung cấp dịch vụ hàng hải trên phạm vi toàn cầu đóng góp quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế biển của Việt Nam.
VIMC sở hữu, quản lý đội tàu gồm 65 chiếc, trong đó có 05 tàu dầu, 10 tàu container, 50 tàu hàng khô. Tổng trọng tải đội tàu khoảng 1,5 triệu DWT tương đương 21% đội tàu của Việt Nam, trọng tải bình quân 23.019 DWT/tàu. Các doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển của Tổng công ty có bề dày kinh nghiệm khai thác tàu, thuyền viên có năng lực, đội tàu vận chuyển đa dạng và mạng lưới khách hàng tương đối lớn so với các doanh nghiệp trong nước
Bên cạnh đó, VIMC hiện có vốn góp tại 16 doanh nghiệp khai thác cảng, trong đó có 11 công ty con. Hệ thống cảng của Tổng công ty trải dài trên khắp cả nước với 75 cầu cảng có tổng chiều dài 13.571 m, chiếm hơn 26% tổng số cầu cảng và gần 17% tổng số chiều dài cầu cảng của cả nước. Cảng biển là một thế mạnh, lợi thế sẵn có, lĩnh vực kinh doanh chiến lược, luôn đem lại doanh thu và lợi nhuận ổn định cho Tổng công ty qua các năm.
Ngoài ra, VIMC hiện có vốn góp tại 9 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng hải. Các doanh nghiệp cung cấp các dịch vụ hàng hải đa dạng: vận tải đa phương thức, đại lý tàu biển, đại lý vận tải hàng hóa bằng đường biển, dịch vụ kho bãi, bốc xếp hàng hóa với tổng diện tích kho, bãi là 543.765 m2. Dịch vụ hàng hải có mối quan hệ mật thiết với hoạt động vận tải biển và cảng biển của VIMC, vừa đóng vai trò hỗ trợ để hai lĩnh vực kinh doanh này có thể nâng cao năng lực hoạt động, vừa phối hợp cung cấp dịch vụ logistics hoàn chỉnh tới các khách hàng.
Với kinh nghiệm lâu năm và năng lực của hai bên, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh bày tỏ tin tưởng về những cơ hội và tiềm năng trong quan hệ hợp tác giữa VIMC và Nordic Hamburg. Trong thời gian tới, hai bên hứa hẹn hợp tác trên các lĩnh vực như đào tạo thuyền viên; phối hợp đầu tư và vận hành đội tàu, đặc biệt là tàu container; kết nối hệ thống logistics…