Đối với “siêu cảng” trung chuyển quốc tế Cần Giờ, giới chuyên gia kỳ vọng “mỏ vàng” này sẽ giúp cảng Sài Gòn tiến ra biển lớn, góp phần giúp TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á như Hong Kong, Singapore.
TP.HCM rất mong “siêu cảng” Cần Giờ sớm thành hiện thực. Bộ GTVT đang khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có hướng dẫn các bước triển khai tiếp theo.
Tiềm năng đặc biệt của “siêu cảng” Cần Giờ
Dự án cảng quốc tế Cần Giờ hiện đang được liên danh nhà đầu tư gồm Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) – Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn và hãng tàu container lớn nhất thế giới – Mediterranean Shipping Company (MSC) lập báo cáo nghiên cứu khả thi.
Dự án được kỳ vọng tạo sự đột phá trong phát triển kinh tế biển của TP.HCM nói riêng và Việt Nam nói chung.
Đầu tháng 7/2022, Ủy ban nhân dân TP.HCM đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.
Trong báo cáo, Ủy ban nhân dân TP.HCM cho biết trước đó lãnh đạo Thành phố đã cùng Bộ Giao thông vận tải nghe Tập đoàn MSC/TIL – hãng tàu container lớn thứ hai thế giới, báo cáo về đề xuất dự án đầu tư cảng trung chuyển quốc tế tại huyện Cần Giờ, TP.HCM.
Theo lãnh đạo TP.HCM, bến Cần Giờ ở cửa sông Cái Mép mực nước sâu, nằm trên các tuyến hàng hải quốc tế, có thể đáp ứng tàu tải trọng lớn như các tuyến ở Châu Âu, Châu Phi, Châu Mỹ.
Đây là điều kiện thuận lợi hình thành cảng container quốc tế, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước trong khu vực cũng như đột phá phát triển kinh tế biển của TP.HCM và cả nước.
Cảng Cần Giờ có công suất gấp gần ba lần cảng Cát Lái (khoảng 16,9 triệu TEUs), được đề xuất xây tại huyện biển Cần Giờ nhằm tạo đột phá phát triển kinh tế biển TP.HCM.
Theo quy hoạch, dự án cảng quốc tế Cần Giờ có tổng chiều dài toàn tuyến là 7,2 km với quy mô 6,8 km bến tàu mẹ, 1,9 km bến sà lan.
Tổng nhu cầu sử dụng đất bến cảng khoảng 571 ha; trong đó diện tích đất cù lao (rừng phòng hộ ven biển) 93,37 ha, diện tích mặt nước 477,63 ha. Cảng có thể đón tàu trọng tải lên tới 250.000 DWT, tương đương 24.000 TEUs). Khoảng cách tuyến bến – biên luồng từ 340 m – 393 m.
Cần Giờ và cơ hội cạnh tranh với Singapore
Hội tụ đủ các yếu tố để trở thành điểm đến mang tầm khu vực, cạnh tranh với cả Singapore, là động lực phát triển của cả vùng Đông Nam bộ, tuy nhiên, “mỏ vàng” Cần Giờ vẫn chưa được khai thác đúng tiềm năng.
Nhận định về việc phát triển cảng Cần Giờ, GS Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT nêu quan điểm, từ xa xưa Sài Gòn đã được biết đến là “hòn ngọc Viễn Đông” nhờ vị trí địa kinh tế thuận lợi, trên tuyến hàng hải giữa Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, giao thông đường biển vẫn là chủ yếu. Sau thời gian bị Singapore vượt lên, TP.HCM đang đứng trước cơ hội giành lại lợi thế địa kinh tế của mình.
Tuyến hàng hải, hàng không Thái Bình Dương – Ấn Độ Dương ngày nay càng có ý nghĩa địa kinh tế, địa chính trị lớn hơn. Lợi thế cạnh tranh của TP.HCM và Singapore giờ chỉ còn phụ thuộc vào sức mạnh đô thị mỗi nơi, trong đó có sức hút về du lịch, hiệu quả của dịch vụ logistics và tính hiện đại của cuộc sống đô thị.
Do đó, việc phát triển “siêu cảng” Cần Giờ là vô cùng cần thiết. TS. Trần Du Lịch, Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng việc xây dựng cảng trung chuyển Cần Giờ ‘rất cần thiết và phải làm ngay’.
Theo ông, cảng Cần Giờ không cạnh tranh, mà bổ sung và cùng khai thác hiệu quả vận tải biển ở toàn khu vực Đông Nam Bộ. Tuy nhiên, Cần Giờ hiện chưa có trong quy hoạch cụm cảng số 4 cần đưa vào quy hoạch trước. Quá trình triển khai, các đơn vị cũng cần tính toán hai vấn đề lớn là hạ tầng giao thông ra vào cảng và đánh giá tác động đến sinh quyển Cần Giờ.
Ông Phạm Anh Tuấn, tổng giám đốc Công ty tư vấn thiết kế cảng – kỹ thuật biển Portcoast cho hay, siêu cảng Cần Giờ có tổng chiều dài mặt sông là 7,2km, tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay (24.000 teus).
Chuyên gia đánh giá, cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hình thành được kỳ vọng giúp TP.HCM tiếp tục giữ vững vai trò là trung tâm logistics của khu vực và châu Á, đưa Việt Nam đứng hàng đầu về vận tải biển.
Đồng thời, những tác động và lợi ích lớn mà cảng này mang lại rõ ràng nhất là đóng góp nguồn thu ngân sách, tạo công ăn việc làm cho nhiều người, thúc đẩy hoàn thiện cơ sở hạ tầng xung quanh, thu hút thêm các doanh nghiệp lớn đến đầu tư, phát triển.
“Quan trọng nhất, cảng trung chuyển quốc tế thúc đẩy TP.HCM trở thành trung tâm tài chính như Singapore, Hong Kong”,
ông Tuấn kỳ vọng.
Sớm trình Thủ tướng phê duyệt
Phát biểu tại cuộc họp với lãnh đạo Cảng Sài Gòn và các đơn vị liên quan về tiến độ thực hiện quy hoạch cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Xuân Sang đã chỉ đạo các đơn vị liên quan cần tập trung hoàn thiện đề án và quy hoạch vùng phù hợp với quy hoạch tổng thể để sớm trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo Thứ trưởng Sang, dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ đã có cơ sở pháp lý, có thể điều chỉnh bổ sung việc quy hoạch cảng Cần Giờ.
“Để thực hiện dự án này, Bộ Giao thông vận tải đã giao nhiệm vụ cho Vụ Kế hoạch và Đầu tư, Viện Chiến lược Phát triển
Giao thông vận tải khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để có hướng dẫn các bước triển khai tiếp theo”,
Thứ trưởng cho biết.
Ông Sang nhấn mạnh, khi đã thống nhất các nhất kế hoạch, cần gửi văn bản đề xuất để Bộ Giao thông vận tải thống nhất và trình Chính phủ.
Tuy nhiên, đại diện Bộ GTVT lưu ý, đây là dự án rất lớn (theo ước tính, chi phí đầu tư cho dự án giai đoạn hoàn thiện khoảng 6 tỷ USD), nên lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng không chỉ Bộ Giao thông vận tải mà cả TP.HCM sẽ cùng gánh vác, thực hiện.
Về phía TP.HCM, ông Bùi Xuân Cường, Phó chủ tịch Ủy ban nhân dân TP.HCM, cho biết thống nhất cao với những đánh giá và định hướng của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đồng thời sẽ giao các đơn vị liên quan thực hiện, phối hợp với Cảng Sài Gòn đẩy nhanh xây dựng đề án và các nội dung theo yêu cầu.
Lãnh đạo Sở Giao thông vận tải TP.HCM thông tin, việc điều chỉnh thời kỳ quy hoạch đầu tư các cảng mới ở khu vực Cần Giờ từ cảng tiềm năng sang thực hiện ở giai đoạn 2021 – 2030 là rất cần thiết do đến năm 2030, các khu cảng hiện hữu (khu bến Cát Lái, Phú Hữu, khu bến Hiệp Phước, khu bến sông Sài Gòn…) không còn đáp ứng được nhu cầu cầu hàng hóa thông qua cảng.
Theo tính toán đến năm 2030, sản lượng hàng hóa dự kiến thông qua các khu bến này vào khoảng 170 triệu tấn. Nếu tính tỷ lệ tăng trưởng bình quân hàng năm là 3,8% (theo Quyết định 1579/QĐ-TTg) thì đến năm 2030 nhu cầu hàng hóa thông qua các cảng tại TP.HCM đạt xấp xỉ 230 triệu tấn/năm.
Trong khi đó, khả năng đáp ứng của các cảng biển hiện hữu, như đã nói chỉ đạt 170 triệu tấn, hụt gần 60 triệu tấn.
Trước những yêu cầu cấp thiết đó, Sở Giao thông vận tải TP.HCM đã kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm tổ chức lập điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển cång biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh Quyết định số 1579/QĐ-TTg.
Sở kiến nghị điều chỉnh theo hướng: Điều chỉnh thời kỳ quy hoạch đầu tư các cảng mới ở khu vực Cần Giờ từ cảng tiềm năng sang thực hiện ở giai đoạn 2021 – 2030; bổ sung công năng là cảng trung chuyển quốc tế tại khu bến cảng Cần Giờ; điều chỉnh cảng biển TP.HCM từ cảng biển loại 1 thành cảng biển đặc biệt.
Thứ trưởng Nguyễn Xuân Sang cho biết đã giao Cục Hàng hải Việt Nam khởi động ngay tiến trình theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg (phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050), phối hợp với Vụ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất lộ trình triển khai.
TTXVN