Bàn cách phát triển Quảng Ninh trở thành trung tâm logistics của cả nước

5/03/23 9:49 PM

Ngày 4-3, Bộ Công Thương phối hợp cùng UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức hội nghị phát triển dịch vụ logistics với sự tham dự của nhiều chuyên gia, doanh nghiệp để thảo luận các giải pháp phát triển lĩnh vực kinh tế quan trọng này.

anh-qn-13.jpg

Logistics phát triển chưa xứng với tiềm năng

Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá Quảng Ninh như một Việt Nam thu nhỏ khi có đầy đủ từ biển đảo, đồng bằng, trung du, đồi núi, biên giới, sân bay cho đến cảng biển.

Nhắc đến Quảng Ninh, người ta thường chỉ nghĩ đến du lịch và tài nguyên khoáng sản than,… Tuy nhiên, một ngành dịch vụ tiềm năng mà tỉnh này cũng có lợi thế đặc biệt để phát triển – đó chính là logistics.

Thực tế Quảng Ninh có vị trí địa kinh tế thuận lợi và hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông gần như hoàn thiện, hiện đại nhất cả nước với đủ 5 loại hình vận tải (đường bộ, đường thủy nội địa, đường sắt, đường biển, hàng không) giúp kết nối với các tỉnh, thành phố trong và ngoài nước.

Bên cạnh đó Quảng Ninh cũng luôn là tỉnh đột phá, đi đầu về cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh khi 5 năm liên tiếp (2017- 2021) giữ vị trí đứng đầu cả nước về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

“Những năm qua, tỉnh đã có nhiều chính sách thúc đẩy ngành logistics nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, cần phải có những giải pháp mạnh mẽ, đột phá hơn để thúc đẩy ngành dịch vụ quan trọng này” – ông Diên nêu.

anh-qn-11.jpg

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá dịch vụ logistics của Quảng Ninh phát triển chưa tương xứng tiềm năng, lợi thế

Theo ông Diên, Quảng Ninh cần hoạch định phát triển dịch vụ logistics bảo đảm phù hợp với các định hướng đã đặt ra trong nghị quyết 163 của Chính phủ về đẩy mạnh phát triển dịch vụ logistics Việt Nam và quyết định 80 của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Ưu tiên bố trí ngân sách để làm “vốn mồi” thu hút các tập đoàn, doanh nghiệp có uy tín, năng lực đầu tư, phát triển các hạ tầng logistics quy mô lớn. Đẩy mạnh cơ cấu lại các ngành công nghiệp, thương mại và dịch vụ trên địa bàn dựa trên tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh.

Doanh nghiệp kiến nghị giải pháp bứt phá

Bàn cách phát triển logistics của Quảng Ninh - Ảnh 2.

Phó Tổng giám đốc VIMC – Lê Quang Trung đưa ra những giải pháp để Quảng Ninh phát triển cảng biển.

Theo Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Lê Quang Trung, tuy có nhiều tiềm năng và lợi thế, nhưng việc phát triển cảng biển của Quảng Ninh còn nhiều hạn chế, bất cập. Trong đó, cơ cấu hạ tầng cảng biển logistics còn bất hợp lý, hầu hết các bến cảng đều là bến tổng hợp và bến container chiếm số lượng rất ít tại khu vực tỉnh Quảng Ninh. “Chính vì sự bất hợp lý này mà tình trạng thừa, thiếu vẫn diễn ra”, ông Trung cho hay.

Đơn cử như ở Cảng Container quốc tế Cái Lân – vốn là cảng được đầu tư để đón hàng container nhưng sản lượng thông quan vẫn chủ yếu là hàng rời (dăm gỗ, viên nén gỗ, vôi bịch, quặng,…). “Dù năm 2022 đã thu hút được 2 hãng tàu container lớn của thế giới là Maersk Line và SITC, nhưng tần suất mới là 1 tuần/1 chuyến”.

Hơn nữa, các bến cảng tại khu vực Quảng Ninh do nhiều nhà đầu tư vận hành khai thác dẫn đến tình trạng khó quản lý, cạnh tranh gay gắt, dẫn đến giá bốc xếp đang ở mức khá rẻ. Bên cạnh đó, khả năng kết nối với các phương thức vận tải khác cũng là một yếu điểm của hệ thống cảng biển khu vực Quảng Ninh.

“Thời gian qua, Quảng Ninh đã có chuyển biến rất tốt về đường bộ, hàng không, nhưng cảng biển hiện nay vẫn chưa phát huy hết tiềm năng, chưa có những trung tâm logistics xứng tầm để phục vụ các hoạt động thương mại ở khu vực biên giới”, ông Trung đánh giá.

Đóng góp với Quảng Ninh để thúc đẩy sự phát triển cảng biển, ông Trung do rằng, Quảng Ninh phải giải quyết được bài toán chi phí và nguồn hàng, vốn là 2 vấn đề “cốt tử” của bất cứ địa phương nào có cảng biển.

Thực tế, hiện ở Việt Nam, việc giá dịch vụ bốc dỡ container bị ghìm ở mức giá sàn, chậm được cải thiện không chỉ đến từ cơ chế hiện hành, mà còn từ sự mất đoàn kết, từ việc cạnh tranh không lành mạnh của chính doanh nghiệp cảng biển. Hậu quả là, giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu đang áp dụng tại Việt Nam thuộc mức thấp trong khu vực, chỉ bằng 80% Campuchia, 70% Malaysia, 46% Singapore. Với mức giá bốc xếp thấp, các cảng biển ở Việt Nam nói chung và ở Quảng Ninh nói riêng khó có mức lãi cao, để từ đó có vốn tái đầu tư, mở rộng cảng bến, mua sắm thiết bị hiện đại nhằm nâng cao năng suất.

Điều đáng nói là, trong khi giá bốc xếp bị duy trì ở mức sàn, thì giá THC (giá dịch vụ mà hãng tàu nước ngoài thu của khách hàng xuất nhập khẩu để chi trả chi phí tại cảng, trong đó giá bốc dỡ container chiếm phần lớn) lại liên tục gia tăng. Điều này khiến phần lớn lợi nhuận từ việc cung cấp dịch vụ tại cảng biển rơi vào tay các chủ tàu ngoại.

Do đó, trong khi giá bốc xếp chưa thể thay đổi ngay thì Quảng Ninh có thể chủ động đưa ra các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư về mặt bằng, hỗ trợ về thủ tục hành chính cho các nhà đầu tư hạ tầng và kinh doanh cảng biển. Các cảng biển cũng cần nâng cao chất lượng dịch vụ để cạnh tranh bằng năng lực, chứ không phải bằng giá.

cần phải nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, giúp chủ động tạo ra được nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng.

Vấn đề thứ 2 là nguồn hàng. Bất cứ cảng biển nào muốn hoạt động tốt thì đều cần phải có nguồn hàng dồi dào. Trong đó, việc phát triển được “hậu cần” công nghiệp sẽ là cơ sở vững chắc để đảm bảo nguồn hàng hoá thông quan qua các cảng biển. Do đó tỉnh cần phải nghiên cứu ban hành cơ chế chính sách đủ mạnh để thu hút đầu tư vào các khu kinh tế, giúp chủ động tạo ra được nguồn hàng cho các hãng tàu về làm hàng.

Theo đại diện VIMC, cần phải nghiên cứu phát triển, khai thác các tuyến đường sắt kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu đến cụm cảng Cái Lân của Quảng Ninh sang Trung Quốc qua các cửa khẩu Đồng Đăng – Móng Cái – Lào Cai.

Việc kết nối xuất nhập khẩu từ Quảng Ninh sang Trung Quốc sẽ góp phần không nhỏ trong việc xây dựng, nâng tầm chuỗi dịch vụ quốc tế.

Đặc biệt Chính phủ đang khuyến khích phát triển thương mại chính ngạch, nhất là hàng nông sản rất cần có dịch vụ logistics về phương tiện, kho để lưu giữ, kho lạnh để bảo quản các hàng hóa dễ mau hỏng như trái cây thì Quảng Ninh cần có chiến lược rõ ràng cho xu thế này.

Cầu Vân Tiên hoàn thành cùng tuyến cao tốc Vân Đồn – Móng Cái tạo điểm nhấn kết nối cửa ngõ giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc

Cũng tại hội nghị, các diễn giả là doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, doanh nghiệp nước ngoài, chuyên gia từ các Hiệp hội, viện nghiên cứu đã trình bày làm rõ hơn những thế mạnh của tỉnh Quảng Ninh và đưa ra nhiều giải pháp, đề xuất nhằm giúp Quảng Ninh phát huy tiềm năng, thế mạnh, nội lực để tích cực phát triển dịch vụ logistics, đi thẳng vào hiện đại, tận dụng hết các thế mạnh tự nhiên và con người, thực hiện thành công ba khâu đột phá chiến lược để tạo được những thành tựu bứt phá trong lĩnh vực này.

Hội nghị đã diễn ra Lễ ký kết các bản ghi nhớ (MOU) để hợp tác thúc đẩy phát triển logistics của Quảng Ninh. Trong đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) ký MOU với Công ty cổ phần Nam Tiền Phong (tên cũ là Công ty cổ phần Deep C Nga) về hợp tác phát triển hạ tầng logistics trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.