MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT MỚI NỔI BẬT
1. 10 NỘI DUNG PHẢI CÓ CỦA HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Các nội dung của Hợp đồng lao động là một trong những quy định được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 148/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung Nghị định 05/2015/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động.
Theo Nghị định 148/2018/NĐ-CP, hợp đồng lao động phải có 10 nội dung sau:
– Tên, địa chỉ của người sử dụng lao động;
– Số CMND hoặc giấy tờ hợp pháp của người lao động;
– Công việc và địa điểm làm việc;
– Thời điểm của hợp đồng lao động;
– Mức lương, hình thức trả lương, thời hạn trả lương, phụ cấp lương;
– Chế độ nâng lương, bậc lương: Theo thỏa thuận của hai bên về điều kiện, thời gian, mức tiền lương sau khi nâng bậc, nâng lương hoặc thỏa thuận thực hiện theo quy chế của người sử dụng lao động thỏa ước lao động tập thể;
– Thời giờ làm việc, thời giời nghỉ ngơi: Theo nội dung thỏa thuận của hai bên hoặc nội quy lao động, quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tạp thể;
– Trang bị bảo hộ lao động: Theo nội quy lao động, quy chế của người sử dụng lao động, thỏa ước lao động tập thể và theo quy định về an toàn, vệ sinh lao động;
– Bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế: Theo quy định của pháp luật về các vấn đề này.
– Đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động trong quá trình thực hiện hợp đồng.
Nghị định 148/2018/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 15/12/2018.
2. Hướng dẫn tống đạt, thông báo văn bản tố tụng dân sự
Ngày 26/10/2018, TAND tối cao ban hành Công văn số 232/TANDTC-PC về việc quán triệt thực hiện quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
Cụ thể, theo Công văn 232/TANDTC nêu trên, Tòa án yêu cầu các đồng chí Chánh án TAND cấp cao, TAND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Thủ trưởng các đơn vị thuộc TANDTC quán triệt thực hiện một số nội dung sau đây:
– Trong quá trình giải quyết vụ việc dân sự, nếu người được cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng có ủy quyền hợp pháp cho cá nhân, pháp nhân khác đại diện tham gia tố tụng hoặc cử người đại diện nhận văn bản tố tụng thì Tòa án thực hiện đúng theo quy định tại Điều 178 Bộ luật Tố tụng dân sự. Theo đó, trường hợp này, Tòa án phải cấp, tống đạt, thông báo văn bản tố tụng cho người đại diện của người được cấp, tống đạt, thông báo
– Chủ động, thường xuyên cập nhật hệ thống văn bản quy phạm pháp luật để áp dụng đúng quy định, hướng dẫn của văn bản quy phạm pháp luật trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.
3. Việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ ngân hàng
Ngày 24/10/2018, Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 25/2018/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 10/2015/TT-NHNN ngày 22/07/2015 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Theo Khoản 3 Điều 1, khách hàng gặp khó khăn trong việc trả nợ vay thì được tổ chức tín dụng xem xét cơ cấu lại thời hạn nợ và cho vay mới, cụ thể:
– Cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ trên cơ sở đề nghị của khách hàng và đánh giá của tổ chức tín dụng về khả năng trả nợ của khách hàng (bổ sung quyền đề nghị của khách hàng);
– Thời gian cơ cấu lại phù hợp với chu kỳ kinh doanh của khách hàng nhưng tổng thời gian tối đa không vượt quá thời hạn cho vay vốn ban đầu theo hợp đồng tín dụng đã ký (không còn giới hạn số lần cơ cấu);
– Sau thời gian cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, khách hàng không trả được nợ vay thì tổ chức tín dụng thực hiện phân loại nợ đối với khách hàng theo quy định hiện hành của Ngân hàng Nhà nước;
– Cho vay mới để phục hồi sản xuất kinh doanh đối với khách hàng có dự án, phương án sản xuất kinh doanh khả thi.
Thông tư 25/2018/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 10/12/2018.
4. Bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận kinh doanh vận tải biển
Ngày 24/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 147/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực hàng hải.
Theo quy định tại Nghị định 147, chính thức bãi bỏ thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vận tải biển. Doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển chỉ cần đáp ứng điều kiện chung là được thành lập theo đúng quy định pháp luật.
Điều kiện đối với doanh nghiệp kinh doanh vận tải biển nội địa cũng đã được đơn giản hóa so với quy định hiện hành, cụ thể:
– Là doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh vận tải biển được thành lập theo quy định của pháp luật;
– Có quyền sử dụng hợp pháp tối thiểu 01 tàu biển mang cờ quốc tịch Việt Nam phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải ban hành.
Các doanh nghiệp phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện về kinh doanh vận tải biển, dịch vụ đại lý tàu biển, dịch vụ lai dắt tàu biển theo quy định kể từ ngày Nghị định 147/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành. Nghị lực có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.
5. Quy định mới về thi sát hạch chứng chỉ hoạt động xây dựng
Ngày 05/10/2018, Bộ Xây dựng ban hành Thông tư 08/2018/TT-BXD về chứng chỉ hành nghề, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam. Thông tư này hướng dẫn một số nội dung về chứng chỉ hành nghề hoạt động xây dựng, chứng chỉ năng lực hoạt động xây dựng và quản lý nhà thầu nước ngoài hoạt động xây dựng tại Việt Nam.
Theo Điều 3, nếu kết quả sát hạch phần kiến thức pháp luật tối thiểu 16 điểm và tổng điểm từ 80 điểm trở lên thì sẽ đạt yêu cầu để xem xét cấp chứng chỉ.
Việc thi sát hạch được thực hiện trong thời gian tối đa là 30 phút và tổng điểm cho mỗi đề sát hạch là 100 điểm, trong đó:
– 05 câu hỏi về kiến thức pháp luật, điểm tối đa cho phần thi này là 20 điểm (hiện nay là 10 câu – 40 điểm);
– 20 câu hỏi về kinh nghiệm nghề nghiệp có liên quan đến lĩnh vực đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề, điểm tối đa cho phần thi này là 80 điểm (hiện này là 15 câu – 60 điểm).
Quy định này áp dụng đối với cấp mới, cấp lại chứng chỉ hành đã hết hạn sử dụng, còn nếu chứng chỉ hành nghề còn hiệu lực nhưng bị mất hoặc hư hỏng thì không phải thực hiện việc thi sát hạch.
Thông tư 08/2018/TT-BXD có hiệu lực từ 20/11/2018.
6. Quy định mới về chính sách “BHYT 05 năm liên tục”
Ngày 17/10/2018, Chính phủ ban hành Nghị định 146/2018/NĐ-CP hướng dẫn Luật BHYT, có hiệu lực từ ngày 01/12/2018. Theo Điều 27 quy định thì:
– Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả tại một lần hoặc nhiều lần KCB tại cùng cơ sở KCB lớn hơn 06 tháng lương cơ sở (LCS) thì:
+ Cơ sở KCB không thu số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng LCS đó.
+ Phải cung cấp hóa đơn thu đối với số tiền cùng chi trả đủ 06 tháng LCS để người bệnh đề nghị BHXH xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
– Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả lũy kế trong năm tài chính tại các cơ sở KCB khác nhau hoặc tại cùng một cơ sở lớn hơn 06 tháng LCS thì:
Người bệnh mang chứng từ đến cơ quan BHXH nơi cấp thẻ BHYT để thanh toán số tiền cùng chi trả lớn hơn 06 tháng LCS và nhận giấy xác nhận không phải cùng chi trả trong năm đó.
– Nếu người bệnh có số tiền cùng chi trả vượt quá 06 tháng LCS được tính từ ngày 01/01, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB trong phạm vi quyền lợi từ thời điểm người bệnh tham gia đủ 05 năm liên tục đến hết ngày 31/12 của năm đó.
Ngoài ra, Nghị định 146 cũng bổ sung, sửa đổi một số trường hợp được xác định là tham gia BHYT liên tục như:
– Người được cử đi công tác, học tập, làm việc hoặc theo chế độ phu nhân, phu quân hoặc con đẻ, con nuôi hợp pháp dưới 18 tuổi đi theo bố hoặc mẹ công tác nhiệm kỳ tại cơ quan Việt Nam ở nước ngoài.
– Khoảng thời gian đã tham gia BHYT trước khi đi lao động ở nước ngoài được tính nếu tham gia BHYT khi về nước trong thời gian 30 ngày kể từ ngày nhập cảnh.
7. Doanh nghiệp phải tự kiểm tra việc chấp hành Pháp luật lao động ít nhất 01 lần/năm
Ngày 17/10/2018, Bộ LĐ-TB&XH ban hành Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH quy định về tự kiểm tra việc thực hiện pháp luật lao động của doanh nghiệp.
Theo đó, doanh nghiệp phải tổ chức tự kiểm tra việc chấp hành pháp luật lao động ít nhất mỗi năm 01 lần nhằm đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật lao động và có giải pháp cải tiến tuân thủ. Cụ thể như sau:
– Thời gian kiểm tra: Do doanh nghiệp quyết định;
– Thời kỳ kiểm tra: Từ ngày đầu tiên tháng một dương lịch của năm trước đến thời điểm kiểm tra;
– Nội dung tự kiểm tra: Việc thực hiện báo cáo định kỳ; tuyển dụng và đào tạo lao động; giao kết và thực hiện hợp đồng lao động…;
– Hồ sơ tự kiểm tra: Phiếu tự kiểm tra; kết luận tự kiểm tra; văn bản thành lập đoàn tự kiểm tra và các tài liệu, hồ sơ phát sinh.
– Báo cáo kết quả kiểm tra: Doanh nghiệp phối hợp với đại diện tập thể lao động thực hiện báo cáo trực tuyến khi có yêu cầu của cơ quan Thanh tra lao động.
Thông tư 17/2018/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 01/01/2019.
8. Hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế
Ngày 16/10/2018, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 144/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung các Nghị định về vận tải đa phương thức.
Theo Khoản 2 Điều 6, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế của doanh nghiệp, hợp tác xã, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam gồm:
– Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế ( theo mẫu tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định);
– Bản sao từ sổ gốc hoặc bản sao kèm bản chính đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực (nếu nộp hồ sơ trực tiếp), bản sao có chứng thực (nếu nộp hồ sơ qua đường bưu điện) GCN đăng ký doanh nghiệp hoặc GCN đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ tương đương khác;
– Báo cáo tài chính được kiểm toán, nếu không kiểm toán thì phải được Ngân hàng hoặc tổ chức, cá nhân khác bảo lãnh tương đương hoặc có phương án tài chính thay thế.
Như vậy, hồ sơ theo quy định mới không yêu cầu thể hiện ngành nghề kinh doanh vận tải đa phương thức quốc tế trong GCN đăng ký doanh nghiệp, GCN đăng ký đầu tư.
Nghị định 144/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 16/10/2018, bãi bỏ Chương 3 Nghị định 87/2009/NĐ-CP và Nghị định 89/2011/NĐ-CP ngày 10/10/2011.
9. Nghỉ không lương trên 14 ngày/tháng vẫn được hưởng tiền ốm đau
Ngày 28/9/2018, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có Công văn 1904/BHXH-CĐ dựa trên quy định tại Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH ngày 29/12/2015 hướng dẫn về việc giải quyết ốm đau. Cụ thể:
Đối với trường hợp NLĐ vừa có ngày nghỉ không lương trên 14 ngày làm việc, vừa có thời gian nghỉ ốm đau và tháng đó không đóng BHXH thì vẫn được thanh toán trợ cấp ốm đau theo quy định.
Bởi theo quy định tại Thông tư 59, chỉ không thanh toán trong trường hợp người lao động bị ốm đau mà không phải tai nạn lao động trong thời gian đang:
– Nghỉ việc riêng;
– Nghỉ phép hàng năm;
– Nghỉ không hưởng lương;
– Nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
10. Hướng dẫn xác định vi phạm về treo Quốc kỳ trên tàu biển
Ngày 15/9/2018, Bộ Quốc phòng đã ban hành Thông tư 143/2018/TT-BQP sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 130/2014/TT-BQP hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 162/2013/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trên vùng biển, đảo và thềm lục địa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Khoản 4, hành vi vi phạm quy định về treo Quốc kỳ Việt Nam và treo cờ quốc tịch được xác định như sau:
– Treo cờ đối với tàu thuyền tại cảng biển thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 61 Nghị định 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017.
– Treo Quốc kỳ trên tàu biển Việt Nam thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017;
– Treo cờ quốc tịch và treo Quốc kỳ Việt Nam đối với tàu thuyền nước ngoài khi hoạt động trong khu vực biên giới biển thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định 71/2015/NĐ-CP ngày 03/9/2015.
Việc vi phạm quy định về treo Quốc lỳ, treo cờ quốc tịch sẽ bị:
– Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với hành vi không treo Quốc kỳ Việt Nam hoặc treo Quốc kỳ Việt Nam không đúng quy định của tàu thuyền Việt Nam;
– Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với Tàu thuyền nước ngoài không treo cờ quốc tịch, Quốc kỳ Việt Nam hoặc treo không đúng quy định khi hoạt động trong nội thủy Việt Nam.
Thông tư 143/2018/TT-BQP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018