Bản tin Pháp luật tháng 4/2020

29/04/20 7:45 AM

MỘT SỐ CHÍNH SÁCH PHÁP LUẬT MỚI NỔI BẬT

 

1.Gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất

Ngày 08/4/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 41/2020/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất.

Theo đó, các doanh nghiệp, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh trong một số ngành nghề nêu tại Điều 2 Nghị định này sẽ được  gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất, đơn cử như:

– Sản xuất da và các sản phẩm có liên quan; chế biến gỗ và sản xuất sản phẩm từ gỗ, tre, nứa (trừ giường, tủ, bàn, ghế), sản xuất ô tô và xe có động cơ khác…

– Các đại lý du lịch, kinh doanh tour du lịch và các dịch vụ hỗ trợ, liên quan đến quảng bá và tổ chức tour du lịch…

– Kinh doanh  vận tải kho bãi; dịch vụ lưu trú và ăn uống; giáo dục và đào tạo; y tế và hoạt động trợ giúp xã hộị; hoạt động kinh doanh bất động sản…

– Sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển; sản phẩm cơ khí trọng điểm.

Ngoài ra, quy định này còn áp dụng đối với doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thực hiện hỗ trợ  khách hàng chịu ảnh hưởng của dịch Covid – 19.

Nghị định 41/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 08/4/2020.

2.Xử phạt vi phạm hành chính trong lxnh vực quản lý, sử dụng tài sản công

Ngày 17/4/2020, Bộ Tài chính ban hành Thông tư 29/2020/TT-BTC về việc hướng dẫn thực hiện việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công. Theo đó, hành vi thực hiện mua sắm tài sản khi không có quyết định của cơ quan, người có thẩm quyền được hiểu là tại thời điểm ký Hợp đồng mua sắm hoặc thời điểm ghi trên Hóa đơn bán hàng không có quyết định về mua sắm tài sản công; việc đầu tư, mua sắm tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức là hành vi mua sắm, đầu tư vượt quá diện tích, số lượng, mức giá so với quy định.

Ngoài ra, Thông tư cũng quy định cụ thể về các hành vi vi phạm quy định về giao, sử dụng tài sản của các dự án sử dụng vốn Nhà nước. Cụ thể, hành vi giao tài sản vượt tiêu chuẩn, định mức là hành vi bố trí tài sản dự án cho người sử dụng đúng đối tượng nhưng vượt về diện tích, số lượng, mức giá; hành vi trao đổi tài sản không đúng quy định là hành vi sử dụng tài sản công của tổ chức để đổi lấy tài sản của các nhân, tổ chức khác nhưng không được cấp có thẩm quyền cho phép…

Thông tư có hiệu lực từ ngày 02/6/2020.

3.Bổ sung 01 ngành nghề được ưu đãi đầu tư

Ngày 30/3/2020, Chính phủ ban hành Nghị định 37/2020/NĐ-CP về việc bổ sung Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

Theo đó, bổ sung 01 ngành nghề thuộc mục Ngành nghề khác vào Danh mục ngành nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Cụ thể, bổ sung ngành nghề Hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, bao gồm: Đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; Đầu tư kinh doanh khu làm việc chung cho doanh nghiệp nhỏ và vừa sáng tạo.

Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/5/2020. Nghị định này sửa đổi, bổ sung Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

4.Đối tượng phải quyết toán Thuế TNCN năm 2019

Theo Công văn số 6043/CT-TTHT ngày 18/02/2020 do Cục thuế TP. Hà Nội ban hành hướng dẫn việc quyết toán thuế thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2019 và cấp mã số thuế cho người phụ thuộc, đối tượng phải quyết toán thuế TNCN năm 2019 bao gồm:

* Cá nhân có thu nhập chịu thuế từ tiền lương, tiền công

– Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công khai quyết toán thuế nếu có số thuế phải nộp thêm;

– Cá nhân có số thuế nộp thừa có đề nghị hoàn hoặc bù trừ vào kỳ khai thuế tiếp theo;

Cá nhân cư trú có thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc diện xét giảm thuế do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn, bệnh hiểm nghèo;

– Cá nhân cư trú là người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam phải khai quyết toán thuế trước khi xuất cảnh.

* Tổ chức trả thu nhập từ tiền lương, tiền công

– Tổ chức trả thu nhập từ tiền lương, tiền công không phân biệt có phát sinh khấu trừ thuế hay không đều có trách nhiệm khai quyết toán thuế năm và quyết toán thay cho các cá nhân có ủy quyền;

– Tổ chức trả thu nhập chuyển đổi loại hình doanh nghiệp mà bên tiếp nhận kế thừa toàn bộ nghĩa vụ thuế của tổ chức trước chuyển đổi thì tổ chức trước chuyển đổi không phải khai quyết toán thuế đến thời điểm có quyết định về việc chuyển đổi và không cấp chứng từ khấu trừ thuế đối với người lao động được điều chuyển từ tổ chức cũ đến tổ chức mới, bên tiếp nhận thực hiện khai quyết toán thuế năm theo quy định;

– Tổ chức trả thu nhập chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi, giải thể hoặc phá sản thì quyết toán thuế đối với số thuế TNCN đã khấu trừ chậm nhất là ngày thứ 45, kể từ ngày chia, tách… và cấp chứng từ khấu trừ thuế cho người lao động.

5.Lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn do ảnh hưởng của Covid-19

Ngày 19/3/2020, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ra Văn bản 245/TLĐ về việc lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Cụ thể, lùi thời điểm đóng kinh phí công đoàn 06 tháng đầu năm 2020 đến ngày 30/6/2020 cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 (doanh nghiệp có trên 50% lao động đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc phải tạm thời nghỉ việc).

Nếu sau thời điểm này, dịch Covid-19 vẫn chưa thuyên giảm và doanh nghiệp còn tiếp tục khó khăn thì thời gian được lùi đến 31/12/2020.

Hiện nay, theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 191/2013/NĐ-CP:

Tổ chức, doanh nghiệp đóng kinh phí công đoàn mỗi tháng một lần cùng thời điểm đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc cho người lao động.

Việc lùi thời điểm đóng được thực hiện với tinh thần Công đoàn Việt Nam đồng hành cùng doanh nghiệp và Chính phủ, vì việc làm bền vững và thu nhập ngày càng cao của người lao động, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và phát triển bền vững đất nước.

Ngoài ra, tại Văn bản, Tổng Liên đoàn cũng giao Ban Thường vụ các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố; công đoàn ngành Trung ương và tương đương; công đoàn Tổng Công ty trực thuộc Tổng Liên đoàn xem xét, xác định và chịu trách nhiệm về việc quyết định cho doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 được lùi thời điểm đóng.

6.Doanh nghiệp trên 50% lao động tạm nghỉ việc được tạm dừng đóng BHXH

Ngày 17/3/2020, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã ra Công văn số 860/BHXH-BT hướng dẫn cụ thể hơn về việc tạm dừng đóng quỹ hưu trí và tử tuất với đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Theo đó, cơ quan bảo hiểm xã hội (BHXH) sẽ rà soát các doanh nghiệp dịch vụ vận tải hành khách, du lịch, lưu trú, nhà hàng và các ngành nghề đặc biệt khác gặp khó khăn do dịch bệnh gây ra, khiến trên 50% lao động thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc phải tạm nghỉ việc hoặc bị thiệt hại trên 50% tổng giá trị tài sản (không kể giá trị tài sản là đất) để tạm dừng đóng BHXH bắt buộc.

BHXH các địa phương tiếp nhận và giải quyết ngay hồ sơ đề nghị tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 6/2020 khi nhận được hồ sơ đề nghị của doanh nghiệp và không tính lãi theo quy định.

Trường hợp đến hết tháng 6/2020 mà dịch vẫn chưa thuyên giảm, nếu doanh nghiệp có đề nghị thì phối hợp với các cơ quan liên quan để xem xét, giải quyết tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất đến tháng 12/2020.

Đặc biệt, trong thời gian tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất, không thực hiện thanh tra chuyên ngành đóng, hoặc kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đối với các doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch nếu doanh nghiệp không có dấu hiệu vi phạm.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp này vẫn phải đóng đầy đủ, kịp thời quỹ ốm đau, thai sản, quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, quỹ bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.