HÀNH TRÌNH ĐI TỚI TƯƠNG LAI TƯƠI SÁNG
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã mở ra bước ngoặt vĩ đại cho cách mạng Việt Nam trên hành trình đi tới tương lai tươi sáng. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ cách mạng lâm thời đọc bản Tuyên ngôn độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân đồng bào và nhân dân thế giới về nền độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam và sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Tuyên ngôn độc lập là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh thắng lợi của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân ta; hội tụ tầm nhìn, trí tuệ, tư tưởng Hồ Chí Minh, là bản hùng ca mở đầu kỷ nguyên mới của dân tộc Việt Nam – kỷ nguyên độc lập, tự do.
Thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám với sự ra đời của bản Tuyên ngôn độc lập là thành quả của cuộc đấu tranh vĩ đại của toàn thể dân tộc Việt Nam, từ cao trào cách mạng 1930 – 1931; cao trào dân chủ 1936 – 1939, đến cao trào giải phóng dân tộc 1939 – 1945. Đó là kết quả của 15 năm ròng đấu tranh đầy gian khổ hy sinh, với sự chuẩn bị chu đáo về đường lối, tổ chức, tinh thần và lực lượng, với nghệ thuật chuẩn bị thời cơ, thúc đẩy thời cơ và chớp thời cơ mau lẹ, với khát vọng và ý chí kiên quyết giành độc lập, tự do của toàn thể dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, “dù có phải hy sinh tới đâu, dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập dân tộc”.
Ôn lại những chặng đường oanh liệt và vẻ vang của dân tộc Việt Nam, chúng ta càng thấy nổi bật những giá trị bất diệt, những tư tưởng lớn của Tuyên ngôn độc lập, của dân tộc ta, của Chủ tịch Hồ Chí Minh và “Đó cũng là những tư tưởng lớn của cuộc đấu tranh cách mạng của nhân dân thế giới”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, một trong những người đã làm nên lịch sử cách mạng giải phóng dân tộc Việt Nam đã đánh giá về bản Tuyên ngôn độc lập của Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là kết quả “vừa giành được độc lập bằng cuộc chiến đấu suốt tám mươi năm của dân tộc. Đây còn là những lời lẽ tâm huyết, đầy cảm kích của đội tiên phong giác ngộ nhất của giai cấp cách mạng nhất, có những con người tuyệt đối trung thành với lợi ích của giai cấp và dân tộc, trước máy chém, trước miệng súng quân thù, đã từng giật tấm băng đen bịt mắt, hô lớn: “Việt Nam độc lập muôn năm!… Bản án chế độ thực dân Pháp đã có từ ba mươi năm trước đây. Nhưng hôm nay mới chính thức là ngày chế độ thực dân Pháp bị đưa ra cho toàn dân Việt Nam công khai xét xử. Lịch sử đã sang trang. Một kỷ nguyên mới bắt đầu! Bản đồ thế giới phải sửa đổi lại vì sự ra đời của một Nhà nước mới: Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa!.
Giáo sư Aleksandr Sokolovsky, Trưởng Khoa nghiên cứu các nước Nam Á và Đông Nam Á, Trường Đại học Tổng hợp Viễn Đông, Giám đốc Trung tâm văn hóa Việt Nam ở Liên Bang Nga, đã phân tích: “Khi cuộc cách mạng thắng lợi, những từ chính yếu nhất trong bản Tuyên ngôn độc lập chính là “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”… Tôi không hình dung điều gì sẽ đến với Việt Nam nếu không có cuộc cách mạng này, thậm chí khái niệm Việt Nam thống nhất cũng sẽ không tồn tại… Có thể nói, cách mạng Tháng Tám đã mở ra một trang sử mới, một kỷ nguyên mới trong lịch sử Việt Nam”.
Cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập là điển hình thắng lợi ở một nước thuộc địa của đế quốc Pháp – Nhật, trong khi lực cách mạng vô sản ở chính quốc Pháp và Nhật chưa giành thắng lợi. Đặt trong bối cảnh thế giới năm 1945, cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập đã cổ vũ phong trào giải phóng dân tộc của các nước thuộc địa và phụ thuộc ở châu Á, châu Phi và châu Mỹ La-tinh; tăng cường lực lượng, mở rộng địa bàn cho cách mạng thế giới; chứng minh học thuyết Mác – Lê-nin có thể áp dụng thành công vào cách mạng giải phóng dân tộc ở thuộc địa nếu biết vận dụng một cách đúng đắn, sáng tạo. Đây là lần đầu tiên trong lịch sử phong trào giải phóng dân tộc, đảng cộng sản ở một nước thuộc địa đã lãnh đạo nhân dân đấu tranh giành được thắng lợi và nắm chính quyền trong cả nước.
Đánh giá về tầm vóc, ảnh hưởng của cuộc cách mạng này đối với phong trào cách mạng thế giới, Thomas Hodgkin đã nhận định: “Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam là một sự kiện quan trọng nhất trong lịch sử thế giới từ sau Cách mạng Tháng Mười Nga. Đó là một cuộc cách mạng do Đảng Cộng sản lãnh đạo, một Đảng chỉ mới ra đời 15 năm. Đó là cuộc cách mạng đầu tiên thành công trong việc lật đổ chính quyền thuộc địa. Nó đã nổ ra trong một thời điểm lịch sử kết thúc cuộc chiến tranh thế giới thứ hai… Như vậy, cuộc cách mạng Tháng Tám đã đánh dấu sự bắt đầu của một thời kỳ mới, nó vạch đường ranh giới của thời đại thực dân bắt đầu nhường chỗ cho thời đại phi thực dân hóa”.
Cuộc cách mạng này còn mang ý nghĩa quốc tế hết sức to lớn, vượt tầm ảnh hưởng ra khỏi biên giới quốc gia, khi đã có tác động to lớn đối với cuộc đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa Pháp lúc đó, trong đó có nhiều nước châu Phi. Khi cuộc cách mạng ở Việt Nam thành công, cũng là lúc các nước như: Cameroon, Algeria, Tanzania… đang chuẩn bị những cuộc cách mạng lớn. Nhờ có bài học từ Việt Nam, họ đã có những kinh nghiệm quý trong đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Với nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu và sử gia người Pháp, cách mạng Tháng Tám và Tuyên ngôn độc lập là những sự kiện đặc biệt ấn tượng. Một trong những học giả nổi tiếng người Pháp – Nhà sử học Alain Ruscio – người đã có rất nhiều tác phẩm biên khảo về lịch sử Việt Nam, đã nhấn mạnh rằng: Việt Nam là dân tộc đầu tiên trong số các dân tộc trên thế giới bị thực dân Pháp đô hộ đã thành công trong cuộc kháng chiến của mình. Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã có ảnh hưởng rất lớn tới phong trào đấu tranh đòi độc lập của các nước thuộc địa trên thế giới lúc bấy giờ, nhất là các nước ở châu Phi. Khi đó, Chủ tịch Hồ Chí Minh là người có vai trò quan trọng, là người đầu tiên tuyên bố độc lập của một nước thuộc địa”. Alain Ruscio còn phân tích, sau Chiến tranh thế giới thứ hai, chủ nghĩa thực dân vẫn còn tồn tại, khi đó, 1/3 các dân tộc trên thế giới phải sống dưới sự chiếm đóng của thực dân Pháp, Anh và Bồ Đào Nha, trong bối cảnh như vậy, Việt Nam là một tấm gương, là biểu tượng của quá trình đấu tranh giành độc lập; các dân tộc bị đô hộ cần phải lên tiếng.
Tương đồng với quan điểm của các nhà sử học Pháp, nhà sử học Na-uy Stein Tonnesson đã viết: “Tuyên ngôn độc lập năm 1945 của Việt Nam nằm trong những nguồn cảm hứng chủ yếu về một đường lối đấu tranh lớn khác sau chiến tranh: đó là quá trình phi thực dân hóa. Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cuộc cách mạng của người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”.