Sáng 15/12, tại Hà Nội, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2022, phương hướng nhiệm vụ năm 2023. Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban chủ trì Hội nghị.
Tham dự Hội nghị, có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lê Thị Nga – Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội; Võ Văn Dũng – Phó Trưởng ban thường trực Ban Nội chính Trung ương; Thượng tướng Lương Tam Quang – Thứ trưởng Bộ Công an; cùng đại diện Lãnh đạo các Ban, Bộ ngành, cơ quan Trung ương.
Về phía Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, có các Phó Chủ tịch: Hồ Sỹ Hùng, Nguyễn Ngọc Cảnh và Đỗ Hữu Huy; đại diện lãnh đạo các Vụ chức năng, Văn phòng và Trung tâm Thông tin; cùng đại diện lãnh đạo 19 Tập đoàn, Tổng Công ty trực thuộc.
Tổng doanh thu ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng, vượt 14% kế hoạch
Chủ trì Hội nghị tổng kết công tác năm 2022 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2023 của UBQLV, Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Hoàng Anh cho biết, UBQLV và các tập đoàn, tổng công ty đã cố gắng vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng tối đa những cơ hội, hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ công tác năm 2022.
Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh – Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phát biểu khai mạc Hội nghị
Cụ thể, trong lĩnh vực năng lượng, các DN đã tích cực, chủ động, thể hiện vai trò chủ đạo bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường, không để đứt gãy chuỗi cung ứng xăng dầu trước những biến động thị trường xăng dầu thời gian qua. Đồng thời, bảo đảm nhu cầu về điện cho sinh hoạt của nhân dân và sản xuất, kinh doanh; tăng sản lượng khai thác dầu thô, than đá cho nhu cầu của nền kinh tế và góp phần đảm bảo an ninh năng lượng.
Về công nghiệp, sản xuất hóa chất, thép, phân bón, các tập đoàn, tổng công ty thuộc Ủy ban đã tăng cao giá trị sản xuất, cung ứng sản phẩm hàng hóa cho nền kinh tế về hóa chất cơ bản, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, ắc quy, thép,…
Đối với lĩnh vực nông, lâm nghiệp, các DN cũng đã có nhiều tiến bộ trong hoạt động kinh doanh lương thực, trồng, chế biến và sản xuất cao su, cà phê, sản xuất lúa chất lượng cao, góp phần phát triển ngành nông nghiệp, tạo công ăn, việc làm và thu nhập cho người lao động.
Cùng với đó, việc quản lý, khai thác kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải hàng không, đường sắt, hàng hải được các các tập đoàn, tổng công ty nỗ lực thực hiện, từ đó, góp phần bảo đảm nhu cầu về giao thông, vận tải cho đời sống của nhân dân, sản xuất, kinh doanh của DN và phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Trong lĩnh vực viễn thông và công nghệ thông tin, các DN luôn giữ vai trò nòng cốt trong việc bảo đảm nhu cầu thông tin liên lạc và tiên phong trong chuyển đổi số.
“Tổng doanh thu của 19 tập đoàn, tổng công ty ước đạt hơn 1,1 triệu tỷ đồng (bằng 114% kế hoạch và 133% so với năm 2021)”, Phó Chủ tịch UBQLV Nguyễn Ngọc Cảnh báo cáo tại hội nghị.
Đồng chí Nguyễn Ngọc Cảnh – Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp báo cáo tại Hội nghị
Theo đó, 15/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về doanh thu; 17/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về lợi nhuận trước thuế; 16/19 tập đoàn, tổng công ty hoàn thành và vượt kế hoạch về nộp ngân sách Nhà nước.
Đóng góp vai trò quan trọng trong kết quả năm 2022 của Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) trong năm 2022 đã tập trung nguồn lực trong 3 lĩnh vực kinh doanh chính là vận tải biển, khai thác cảng biển và dịch vụ hàng hải và phát triển các hoạt động cốt lõi, đẩy mạnh dịch vụ chuỗi, cung ứng cho khách hàng các gói dịch vụ tổng thể, ưu việt trên cơ sở liên kết và phát huy thế mạnh của các lĩnh vực chính.
Cụ thể, năm 2022, sản lượng vận tải biển của VIMC uớc đạt 20,07 triệu tấn; Sản lượng hàng thông qua cảng: ước đạt 127,8 triệu tấn; Doanh thu ước đạt 14.574,8 tỷ đồng. Lợi nhuận ước đạt 3.108,7 tỷ đồng
Với lợi nhuận 3.108,7 tỷ đồng, tại bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận tốt nhất năm 2022, VIMC đã lọt vào Top 50 doanh nghiệp Việt Nam có lợi nhuận tốt nhất.
VIMC và các doanh nghiệp thành viên cũng được vinh danh tại bảng xếp hạng Top công ty uy tín ngành logistics năm 2022. Theo đó VIMC đứng đầu Top 10 công ty uy tín ngành logistics 2022 nhóm ngành Vận tải hàng hóa, 2 doanh nghiệp thành viên thuộc VIMC là Cảng Hải Phòng và Cảng Quy Nhơn cũng đã lọt vào Top 5 Công ty uy tín ngành Logistics năm 2022 nhóm ngành Khai thác cảng.
Nỗ lực và quyết tâm lớn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023
Theo dự báo, tình hình quốc tế và trong nước năm 2023 tiếp tục có nhiều yếu tố rủi ro, phức tạp, khó lường. Do đó, để hoàn thành nhiệm vụ công tác năm 2023, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty cần nỗ lực, quyết tâm rất lớn để vượt qua khó khăn, thách thức, nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển. “Với kinh nghiệm, sự quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao và kết quả đạt được năm 2022, tôi tin tưởng rằng, năm 2023, Ủy ban và các Tập đoàn, Tổng công ty sẽ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ công tác đề ra” – Chủ tịch Nguyễn Hoàng Anh nhấn mạnh.
Tại hội nghị, lãnh đạo Ủy ban cũng cho biết, năm 2023 Ủy ban sẽ tập trung một số giải pháp, nhiệm vụ theo hướng tăng cường năng lực thông qua các giải pháp đồng bộ, toàn diện.
Thứ nhất, đổi mới phương thức hoạt động để thực hiện ngày càng chuyên nghiệp, hiệu quả hơn vai trò đại diện chủ sở hữu nhà nước tại các tập đoàn, tổng công ty được giao quản lý.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện các giải pháp chỉ đạo, điều hành để hỗ trợ các tập đoàn, tổng công ty trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Qua đó, góp phần giữ vững vai trò của doanh nghiệp Nhà nước là lực lượng nòng cốt của kinh tế nhà nước, đẫn dắt, tạo động lực phát triển đối với nền kinh tế và thực hiện các nhiệm vụ chính trị được Nhà nước giao.
Thứ ba, kịp thời rà soát, tổng hợp, kiến nghị cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tập đoàn, tổng công ty phục hồi, phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư phát triển và khắc phục ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19.
Thứ tư, các tập đoàn, tổng công ty tập trung phát huy hơn nữa vai trò nòng cốt của doanh nghiệp Nhà nước trong phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội và thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xã hội Nhà nước giao. Đẩy mạnh đầu tư, phát triển góp phần xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ về giao thông, năng lượng, hạ tầng số, hạ tầng nông nghiệp, nông thôn,…
Thứ năm, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của doanh nghiệp. Thực hiện quyết liệt, thực chất, có hiệu quả tái cơ cấu doanh nghiệp cổ phần hóa, thoái vốn Nhà nước gắn với đổi mới quản trị theo các chuẩn mực tiên tiến. Đẩy mạnh chuyển đổi số, tham gia vào chiến lược phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn theo điều kiện và lộ trình phù hợp.
Lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, và lãnh đạo các Tập đoàn, Tổng công ty chụp ảnh lưu niệm
Nhân dịp này, Hội nghị đã vinh danh những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong lao động, thi đua.