Cách nào để tàu biển tránh bị lưu giữ do “mắc lỗi” nhiên liệu?

29/08/19 9:17 AM

Thông tin tại Hội thảo về các quy định mới về vận tải biển và đóng tàu, do Cục Đăng kiểm VN và Hiệp hội Đăng kiểm châu Á tổ chức ngày 28/8 tại TP. Hạ Long cho biết, công ước quốc tế về ngăn ngừa ô nhiễm do tàu biển quy định từ ngày 1/1/2020, tàu biển khi hoạt động tại các vùng biển trên thế giới phải sử dụng dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,5%.

Quy định về hàm lượng lưu huỳnh trong nhiên liệu có hiệu lực từ 1/1/2020 khiến đội tàu biển Việt Nam gặp nhiều khó khăn và rất dễ mắc lỗi…

Còn từ 1/1/2025, tàu biển hoạt động trong các khu vực biển Baltic, Biển Bắc, vùng biển Bắc châu Mỹ và Caribbe thuộc Mỹ phải sử dụng dầu nhiên liệu với hàm lượng lưu huỳnh không quá 0,1%.

Cục Đăng kiểm VN cho biết, giai đoạn đầu thực hiện, do không có dầu nhiên liệu đáp ứng tiêu chuẩn, hoặc dầu không phù hợp, trên tàu vẫn còn dầu nhiên liệu không đảm bảo tiêu chuẩn… nên tàu biển rất dễ mắc lỗi và bị lưu giữ

Để giải quyết các tình huống trên, thuyền trưởng và các công ty vận tải biển cần lưu ý thực hiện theo hướng dẫn của Ủy ban Bảo vệ môi trường biển (MEPC) của Tổ chức Hàng hải quốc tế (IMO).

Đối với tàu biển Việt Nam, trường hợp tàu không thể có được dầu theo tiêu chuẩn, cần có các bản ghi lại hành động về việc dù cố gắng nhưng không mua được dầu phù hợp (các thư tín, thông báo giữa công ty, tàu và người cung cấp nhiên liệu…). Chủ tàu hoặc thuyền trưởng cần gửi báo cáo cho Cục Đăng kiểm VN để thông báo tới IMO để giúp tàu có thể tránh được các rắc rối liên quan đến việc kiểm tra của chính quyền cảng biển.

Đối với trường hợp thuyền trưởng phát hiện ra dầu nhiên liệu đã nhận lên tàu không đạt tiêu chuần hàm lượng lưu huỳnh cũng cần gửi thông báo cho các bên liên quan.

Còn trường hợp khi tàu cập cảng, trên tàu vẫn còn dầu không đáp ứng tiêu chuẩn, trên cơ sở báo cáo về nhiên liệu đã được gửi cho Cục Đăng kiểm VN, chủ tàu được lựa chọn giải pháp phù hợp như: chuyển dầu sang tàu biển khác để chở đi; chuyển lên phương tiện thích hợp trên bờ hoặc sà lan; các biện pháp về vận hành tàu, như: sửa đổi lịch trình đi biển hoặc lịch trình nhận dầu nhiên liệu của tàu, hoặc giữ lại dầu nhiên liệu không tuân thủ trên tàu.

Được biết, Hiệp hội Đăng kiểm châu Á chính thức thành lập tháng 2/2010, hiện có 7 thành viên là đăng kiểm các nước Indonesia, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Việt Nam và Malaysia. Đại diện Cục Đăng kiểm VN hiện giữ chức Chủ tịch nhóm Quản lý kỹ thuật của Hiệp hội.

Từ năm 2012, Hiệp hội tổ chức hội thảo kỹ thuật thường niên về công nghiệp vận tải và đóng tàu tại khu vực châu Á và công bố các báo cáo, đưa ra các thống kê về lưu giữ và khiếm khuyết của đội tàu, góp phần giúp các chủ tàu giảm thiểu các khiếm khuyết có thể bị chính quyền cảng các nước lưu giữ tàu.

Báo Giao thông