Cần phát huy lợi thế cảng Cái Lân

26/04/21 10:00 AM

Năm 2020, mặc dù chịu tác động rất lớn của dịch Covid-19, nhưng tổng kim ngạch XNK trên địa bàn Quảng Ninh vẫn đạt 9,75 tỷ USD, thu NSNN đạt 12.300 tỷ đồng (vượt hơn 11% so với chỉ tiêu Bộ Tài chính giao). Trong đó, hàng hóa XNK qua các cảng biển đạt gần 65 triệu tấn, trị giá 6,9 tỷ USD (tăng 15% về lượng và 6% về trị giá so với năm 2019). Dù đã đạt được kết quả khả quan, nhưng theo đánh giá từ các doanh nghiệp XNK, con số này có thể tăng gấp nhiều lần nếu như có một tuyến đường biển quốc tế mở lại tại cảng Cái Lân (TP Hạ Long).

Trong 6 khu vực hàng hải của tỉnh (Vạn Gia, Hải Hà, Cô Tô, Cẩm Phả, Hòn Gai và Quảng Yên), hoạt động XNK cơ bản mới khai thác được ở 3 khu vực là Hòn Gai, Cẩm Phả và Vạn Gia. Trong đó, cảng Hòn Gai và Cẩm Phả tập trung khai thác hàng rời, còn cảng Vạn Gia chủ yếu khai thác hàng hóa tạm nhập tái xuất, kho ngoại quan với nước bạn Trung Quốc. Các cảng còn lại vẫn đang trong quá trình đầu tư.

Bên cạnh đó, hàng hóa XNK qua đường biển của tỉnh chủ yếu là hàng rời, hàng lỏng, còn lượng hàng container XNK chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Nguyên nhân chính là do tuyến tàu ACS qua cảng Cái Lân đã tạm ngừng hoạt động từ tháng 7/2020 sau hơn 3 năm hoạt động. Vì vậy, các doanh nghiệp trong tỉnh có hoạt động XNK hàng hóa bằng container đường biển đều phải thực hiện qua các cảng tại Hải Phòng, từ đó phát sinh thêm nhiều chi phí vận tải, hạ tầng và dịch vụ khác, dẫn đến tăng giá thành, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Trong khi đó, theo quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, cảng Cái Lân (TP Hạ Long) là cảng loại I, thấp hơn 1 cấp so với cảng Lạch Huyện (Hải Phòng). Tuy nhiên, cảng Cái Lân hoàn toàn có thể khai thác thị trường ngách, đón các tàu container nhỏ, chuyên chở hàng hóa phục vụ cho các doanh nghiệp Quảng Ninh và những địa phương lân cận khi tỉnh có lợi thế rất lớn về hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, tiếp giáp với Trung Quốc.

Ông Park Hyo Gyun, Giám đốc Công ty TNHH Bumjin Electronics Vina (KCN Đông Mai, TX Quảng Yên), cho biết: Dự kiến năm 2021, nhà máy sẽ sản xuất 1 triệu sản phẩm, doanh thu khoảng 350 triệu USD. Hiện công ty đang sử dụng dịch vụ logistics do khách hàng chỉ định, nhưng dự kiến đến năm 2022, khi nhà máy đi vào sản xuất ổn định, công ty sẽ sản xuất sản phẩm mang thương hiệu riêng và chắc chắn sẽ xuất khẩu hàng hóa qua các cảng biển của Quảng Ninh. Tuy nhiên, để việc XNK hàng hóa thuận lợi, tỉnh cần nhanh chóng mở lại tuyến tàu container quốc tế làm hàng tại cảng Cái Lân.

Cùng chung quan điểm này, bà Aijing, Giám đốc phụ trách logistics của Tập đoàn Foxconn, chia sẻ: Hiện lượng hàng XNK của Tập đoàn tại Việt Nam là khoảng 3.000 TEU/tháng và dự kiến sẽ tăng 200% trong năm 2022. Chúng tôi thấy Quảng Ninh có tiềm năng, lợi thế rất lớn về thuế vận chuyển, hạ tầng giao thông, cũng như hiệu suất làm việc của ngành Hải quan, vì thế Tập đoàn rất mong muốn tỉnh sớm có tuyến tàu quốc tế để được XNK hàng hóa qua cảng Cái Lân.

Phân tích về điểm nghẽn trong XNK của tỉnh qua các cảng biển, đại diện hãng tàu biển Culines cho rằng, Quảng Ninh cần có các cơ chế chính sách ưu đãi, hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp, đại lý hãng tàu qua cảng. Đơn cử như ở Lạch Huyện, khi mới đưa tàu vào khai thác, các hãng tàu đã được giảm 50% phí nâng hạ. Hay như ở Thanh Hóa, để hỗ trợ các hãng tàu biển mở chuyến container quốc tế qua cảng Nghi Sơn với mức hỗ trợ 200 triệu đồng/chuyến trong thời gian 12 tháng kể từ ngày có chuyến tàu container đầu tiên trả hàng hoặc bốc hàng tại cảng. Đồng thời, công tác duy tu bảo dưỡng, nạo vét luồng hàng hải đạt độ sâu thiết kế, mở rộng vùng quay trở để các tàu hàng trên 5 vạn tấn trước khi vào cảng Cái Lân không phải sang tải, hạ tải tại các điểm neo cũng cần được triển khai thực hiện sớm.

Qua thống kê của Cục Hải quan tỉnh từ 3 nguồn dữ liệu là tờ khai đăng ký tại các chi cục, dữ liệu tờ khai của các doanh nghiệp có mã số thuế đầu 57 đăng ký tại các địa phương khác, dữ liệu XNK tuyến ACS qua cảng CICT và so sánh đối chiếu với số liệu của các doanh nghiệp cung cấp, thì lượng hàng hóa XNK hàng container đường biển năm 2020 có thể thu hút về cảng Cái Lân (nếu có tuyến tàu quốc tế phù hợp) là khoảng 24.000 container hàng xuất khẩu và 45.000 container hàng nhập khẩu. Con số này còn có thể tăng hơn rất nhiều trong năm 2021 và những năm tới, khi tiềm năng lấp đầy các KCN, KKT của tỉnh đang ngày càng cao. Vì vậy, tỉnh và các đơn vị liên quan cần sớm có những cơ chế, chính sách để tạo động lực, thu hút các hãng tàu biển container quốc tế về làm hàng tại cảng Cái Lân. Có như vậy mới phát huy được tiềm năng, thế mạnh của tỉnh và mang lại nguồn thu ngân sách bền vững trong hoạt động XNK.

Báo Quảng Ninh