Theo quy hoạch của Chính phủ và Bộ Giao thông Vận tải, cảng biển Hải Phòng thuộc nhóm cảng 1A, trong đó một số cảng sẽ đảm nhận vai trò cảng trung chuyển quốc tế. Thực tế cho thấy, nhiều đơn vị cảng đang có bước phát triển đột phá và là các cảng trọng điểm trên địa bàn thành phố Hải Phòng về đón hàng qua cảng. Với những thành công này, cảng biển Hải Phòng trở thành cảng trung chuyển quốc tế trong tương lai không xa…
Giữ vững vai trò cảng trọng điểm
Tính đến hết tháng 8/2021, trong tổng lượng hàng qua các cảng, bến thủy khu vực Hải Phòng, lượng hàng thông qua cảng biển Hải Phòng, tiếp tục tăng cao so với cùng kỳ năm 2020 (đạt 15%), trong đó tăng nhiều nhất là hàng container. Bước sang tháng 9/2021, lượng hàng qua cảng tiếp tục tăng trưởng, nhưng không cao hơn so với các tháng trước đó. Theo Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, nguyên nhân là do tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến chuỗi sản xuất và cung ứng hàng hóa. Bên cạnh đó, do lịch tàu thường xuyên thay đổi và điều kiện thời tiết bất lợi cũng gây khó khăn cho các cảng. Tuy vậy, so với cùng năm 2020, lượng hàng qua cảng biển vẫn tăng trưởng mạnh và đặc biệt là tàu lớn về cảng biển Hải Phòng ngày một nhiều.
Tàu AS RAFAELA trên tuyến dịch vụ SHX được khai thác chung giữa hãng tàu Cosco và CU Lines lần đầu cập Cảng Tân Vũ vào ngày 3/9/2021.
Giữ vai trò chủ lực của khối cảng biển phía Bắc, cảng biển Hải Phòng đang tạo ra những lợi thế lớn, đón đầu xu hướng đổi mới trong ngành vận tải biển thế giới. Hàng loạt tuyến dịch vụ được các cảng phối hợp với các hãng tàu tổ chức thành chuỗi vận chuyển khép kín từ Hải Phòng đi châu Âu, châu Mỹ, Ấn Độ và các tuyến nội địa châu Á. Trong đó, Cảng Hải Phòng và Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng là những đơn vị đi đầu trong việc mở rộng các tuyến dịch vụ. Những tên tuổi lớn về vận tải biển của thế giới lựa chọn Hải Phòng để hợp tác khai thác như: Maersk Line, Cosco, OOCL, NYK, Wanhai… Vừa qua, Công ty CP Cảng Hải Phòng tổ chức lễ đón 3 tàu của hãng Maersk Line vào chi nhánh Tân Vũ làm hàng nhân dịp 30 năm hãng tàu này khai thác tại thị trường Việt Nam. Trước đó, Cảng Hải Phòng cũng chào đón tàu container AS RAFAELA lần đầu trên tuyến dịch vụ SHX cập cảng chi nhánh Tân Vũ. Có thể thấy, qua cảng biển Hải Phòng, nhiều chuyến tàu hàng lớn kết nối, đưa hàng hóa sản xuất trong nước ra nước ngoài; tạo ra giá trị gia tăng và tăng tính cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam.
Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng Nguyễn Tường Anh cho biết, Cảng Hải Phòng luôn xác định giữ vững vai trò cảng biển trọng điểm trên địa bàn thành phố Hải Phòng để từ đó ưu tiên đầu tư phát triển sản xuất-kinh doanh. Cùng với đó, Cảng tích cực xây dựng và mở rộng những tuyến dịch vụ hàng hải mới để đón tàu, đón hàng. Theo đại diện Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng, việc mở rộng các tuyến dịch vụ mới là ưu tiên hàng đầu trong phát triển sản xuất kinh doanh của đơn vị. Hiện các tuyến dịch vụ hàng hải hoạt động ổn định. Đại diện Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng cho biết, với lưu lượng trung bình đón khoảng 1.400-1.450 tàu biển vào Hải Phòng cho thấy, cảng biển Hải Phòng đang là sự lựa chọn ưu tiên của các doanh nghiệp vận tải trong nước và nước ngoài.
Dần hình thành cảng trung chuyển quốc tế
Giữ ổn định vai trò cảng trọng điểm là bước đi cần thiết để xây dựng và hình thành nên các cảng trung chuyển quốc tế. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, một số cảng tại Hải Phòng đang từng bước trở thành cảng trung chuyển quốc tế, nhưng chỉ ở mức độ thấp và không ổn định. Phần lớn hàng trung chuyển quốc tế là hàng tạm nhập, tái xuất bằng container qua cảng biển Hải Phòng. Loại hàng này tuy nhiều, nhưng không ổn định theo từng năm. Theo các doanh nghiệp cảng tại Hải Phòng, các cảng phải có “chân hàng” ổn định mới phát triển bền vững, vì hàng trung chuyển là hàng xuất phát từ nước ngoài, chỉ trung chuyển qua khu vực, sau đó tiếp tục chuyển đi nước thứ 3…
Dự án bến số 3 và số 4 Cảng Hải Phòng tại Lạch Huyện
Để xây dựng nên những cảng (hoặc cụm cảng) thành cảng trung chuyển quốc tế chuyên biệt, những cảng biển đó phải hội tụ đủ tiêu chí để xây dựng, trong đó, cụm cảng thuộc Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng là thế mạnh để phát huy chủ trương này. Hiện tại, với 2 bến khởi động được đưa vào sử dụng từ năm 2018, Cảng container quốc tế Tân Cảng Hải Phòng đang giữ vai trò hàng đầu về tiếp nhận tàu và hàng container từ các tàu lớn (có cả tàu mẹ). Cảng này cũng có những tuyến dịch vụ đi bờ Tây, bờ Đông nước Mỹ. Quý 4 năm nay, tại khu vực Cảng cửa ngõ quốc tế Hải Phòng ở Lạch Huyện sẽ triển khai thêm bến số 3, số 4 do Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng làm chủ đầu tư, tiếp theo là bến số 5, số 6 của Tập đoàn Hateco. Để 4 bến mới sau khi xây dựng xong được đưa vào khai thác hiệu quả, Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt xây dựng thêm tuyến đường từ bến số 3 đến hết bến số 6 để phục vụ vận chuyển hàng hóa sau cảng.
Xây dựng cảng trung chuyển quốc tế, ngoài việc tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng cảng biển, như: mở rộng, nâng cấp luồng hàng hải…, cần kêu gọi và khuyến khích các doanh nghiệp có năng lực, kinh nghiệm để đầu tư, khai thác dịch vụ logistics theo quy hoạch phát triển logistics của thành phố. Cùng đó, quy hoạch hệ thống các cảng cạn, kho bãi, ICD vệ tinh để thực hiện việc gom hàng, thông quan và xử lý hàng hóa, tạo thuận lợi, thu hút doanh nghiệp đưa hàng qua cảng. Những cảng lớn sẽ hỗ trợ các cảng nhỏ để xây dựng thành các cụm cảng, trong đó có cảng trung chuyển quốc tế./.