Với cầu cảng chính dài 7 km, Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được TPHCM đánh giá khi xây dựng sẽ đóng vai trò như “đê chắn sóng” bảo vệ đảo Thạnh An, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ và khu vực phía trong dưới tác động của xâm thực biển.
Phối cảnh Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Cảng Cần Giờ cần lấy 86 ha đất rừng nhưng sẽ trồng 258 ha thay thế
Mới đây, UBND TPHCM đã có lần thứ 2 trình Thủ tướng Chính phủ đề án nghiên cứu xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, sau lần đầu hồi tháng 8.2023.
Trước đó, sau khi TPHCM trình đề án, tháng 9.2023, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà yêu cầu TPHCM đánh giá ảnh hưởng giữa phát triển Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ, hạ tầng phục vụ bến cảng tới Khu Dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Theo đề án lần này, vị trí Cảng trung chuyển Quốc tế Cần Giờ tại khu vực cù lao Con Chó, ở cửa sông Cái Mép (huyện Cần Giờ, TPHCM).
Đây là khu vực thuộc Rừng phòng hộ Cần Giờ, diện tích tự nhiên khoảng hơn 86 ha, thuộc vùng đệm của Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Quy mô Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ khoảng 571 ha, cầu cảng chính dài 7km, có thể tiếp nhận tàu container trọng tải lớn nhất hiện nay 250.000 DWT (24.000 Teu) do Tập đoàn MSC – hãng tàu container đứng tốp đầu thế giới đề xuất.
Vị trí đề xuất xây Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ
Đề án đã đánh giá sơ bộ tác động môi trường khi hình thành cảng tại khu vực, trong đó nhận dạng, dự báo các tác động môi trường chính như: môi trường nước, không khí, tiếng ồn; phát sinh chất thải, tác động có rủi ro sự cố hàng hải; tác động đến hệ sinh thái rừng ngập mặn, thủy hải sản hiện hữu…
Khi triển khai xây dựng cảng Cần Giờ có các giải pháp giảm thiểu tác động môi trường như: nghiên cứu phát triển cảng đồng bộ, hiện đại, các thiết bị sử dụng tại cảng như sử dụng điện, nhằm hạn chế cao nhất chất thải các loại ra môi trường để giảm thiểu, ngăn ngừa tác động đến môi trường, trồng rừng thay thế,…
Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ đã giới thiệu vị trí dự kiến trồng rừng thay thế với tổng diện tích 258 ha (gấp ba lần diện tích rừng bị thay thế theo quy định.
Bên cạnh đó, tư vấn lập đề án đã thu thập số liệu, tính toán, sử dụng mô hình toán mô phỏng chế độ thủy động lực học để nghiên cứu, đánh giá tác động xói lở đường bờ, bồi lắng lòng sông và khu vực lân cận, trong đó có Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Kết quả mô phỏng theo các kịch bản mặt bằng quy hoạch cho thấy, khu vực xã đảo Thạnh An, Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ, khu vực lân cận đều không bị tác động bởi hiện tượng xói lở đường bờ do tác động của việc xây dựng Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai. Ngược lại, cảng này đóng vai trò như “đê chắn sóng” bảo vệ các khu vực này dưới tác động của xâm thực biển.
UBND TPHCM cho biết, việc đánh giá kỹ tác động môi trường sẽ được thực hiện trong bước lập chủ trương đầu tư dự án (báo cáo tiền khả thi), dự án đầu tư (lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi) đảm bảo hạn chế tối đa ảnh hưởng đến Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Không đánh đổi mọi giá để làm cảng Cần Giờ
Trước đó, tại hội nghị lấy ý kiến đề án nghiên cứu xây Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ hồi tháng 10.2023, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi khẳng định, TPHCM không đánh đổi bằng mọi giá mà cân nhắc, so sánh giữa lợi ích kinh tế với bảo vệ môi trường để phát triển theo hướng bền vững.
Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ
Do vậy, TPHCM nghiên cứu dự án không tiếp cận riêng theo hướng quá muốn làm cảng rồi bỏ qua môi trường. Và ngược lại, không vì lo ảnh hưởng Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ mà không dám làm gì, rồi bỏ lỡ cơ hội phát triển.
Dự kiến Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ được phân kỳ đầu tư 2 giai đoạn. Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng, khai thác cảng giai đoạn 1 trước năm 2030 (đầu tư 2/7 khu bến chính). Giai đoạn 2 (sau năm 2030-2045) sẽ tiếp tục đầu tư hoàn thành toàn bộ các khu bến chính còn lại.
Trước đó, từ khi đặt vấn đề nghiên cứu phát triển cảng Cần Giờ, kết nối đường bộ tới nơi này đã được TPHCM cân nhắc vì sẽ tác động Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ.
Quan điểm của TPHCM là giai đoạn đầu chủ yếu khai thác cảng thông qua đường thủy. Các công trình đường bộ lớn sẽ được nghiên cứu thêm và chỉ thực hiện sau năm 2030.
Báo Lao động