Cảng Đà Nẵng giải bài toán kết nối giao thông sau cảng

29/11/18 7:00 AM

Đà Nẵng là đầu mối vận tải biển của các tỉnh miền Trung. Hầu hết hàng hóa xuất nhập khẩu dạng container của các tỉnh miền Trung đều được đưa về Cảng Đà Nẵng. Theo số liệu thống kê, tốc độ tăng trưởng tổng lượng hàng của Cảng Đà Nẵng đạt 16,2%/năm (22,6%/năm với hàng container). Năm 2018, sản lượng hàng qua Cảng Đà Nẵng dự kiến đạt 8,4 triệu tấn, cao nhất từ trước đến nay. Dự kiến đến năm 2020, lượng hàng hóa thông qua Cảng Đà Nẵng sẽ đạt và vượt 10 triệu tấn. Lượng hàng này sẽ vượt qua năng lực của khu bến Tiên Sa, Sơn Trà (Thọ Quang) và đặc biệt là vượt qua khả năng đáp ứng của hạ tầng giao thông kết nối cảng đi qua nội đô Đà Nẵng, gây ùn tắc, tiềm ẩn mất toàn giao thông, môi trường, tác động tiêu cực đến môi trường du lịch và đời sống nhân dân trên địa bàn Thành phố.


Cảng Tiên Sa

Đà Nẵng là “thành phố đáng sống”, thành phố Xanh của Việt Nam, hướng đến thành phố Xanh toàn cầu trong tương lai không xa. Cùng với cam kết mạnh mẽ từ Chính phủ, thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua đã đưa ra nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài nhằm khắc phục những bất cập giữa tăng trưởng, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường.

Cảng Liên Chiểu cần được sớm xây dựng

Tháng 9 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, việc triển khai xây dựng Cảng Liên Chiểu là vấn đề cấp bách, cần cần sớm được xây dựng một cách hiện đại, tổng thể để kết nối giao thông cho cả khu vực.


Phối cảnh Cảng Liên Chiểu

Theo thiết kế đang được xem xét, Dự án Cảng Liên Chiểu có quy mô 220 ha với tổng vốn đầu tư dự kiến 32.860 tỷ đồng, chia làm 3 giai đoạn, được quy hoạch với chức năng là cảng cửa ngõ quốc tế. Giai đoạn 1 (đến năm 2022) có tổng mức đầu tư hơn 7.370 tỷ đồng. Sau khi hoàn thành, Cảng Liên Chiểu sẽ đảm nhận vai trò khu bến chính của cửa ngõ quốc tế tại miền Trung, với khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 100.000 tấn, tàu vận chuyển container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 teu. Như vậy, sớm nhất là đến năm 2020, Cảng Liên Chiểu sẽ đi vào hoạt động.

Bài toán kết nối giao thông sau cảng

Với vai trò là cảng lớn nhất miền Trung, cùng với việc đẩy mạnh phát triển kinh doanh, Cảng Đà Nẵng định hướng chiến lược “Cảng Xanh” theo hai trụ cột chính: Khai thác cảng và dịch vụ logistics ngoài cảng, mục tiêu trở thành 1 trong 5 cảng hàng đầu tại Việt Nam từ sau năm 2020.

Khi Cảng Liên Chiểu chưa được xây dựng, để giảm xung đột giao thông, cảnh quan môi trường, cảnh quan đô thị làm ảnh hưởng đến du lịch, Cảng Đà Nẵng đã nghiên cứu phương án rút hàng, vận chuyển từ cảng Tiên Sa bằng đường thủy cho Liên Chiểu. Từ đó đề xuất phương án bố trí khu bến sà lan trong quy hoạch Cảng Liên Chiểu. Khi Cảng Liên Chiểu đi vào hoạt động khu bến sà lan sẽ đóng vai trò như một bến thủy nội địa. Ông Nguyễn Hữu Sia – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Cảng Đà Nẵng cho biết “Với mức đầu tư khoảng 300 tỷ đồng, bến thủy nội địa này sử dụng sà lan trung chuyển conteiner qua Liên Chiểu và sẽ mang lại hiệu quả thiết thực và khả thi nhất”.

Trước mắt, nhằm giảm tải cho trục đường nội thị Yết Kiêu – Ngô Quyền – Ngũ Hành Sơn, từ đầu tháng 10/2018, Cảng Tiên Sa đã nâng tỷ lệ giao hàng ban đêm lên khoảng 20 đến 25% thay vì 10% như trước đây. Thực hiện chủ trương này, các doanh nghiệp đã phối hợp tốt, góp phần giải quyết xung đột giữa dịch vụ du lịch và logistics trong lúc chưa xây dựng Cảng Liên Chiểu.

Năm phân khu chức năng của cảng Liên Chiểu:
*Khu bến tổng hợp được quy hoạch tiếp nhận tàu trọng tải đến 50.000 DWT; 
*Khu bến container được quy hoạch để tiếp nhận cỡ tàu 80.000 đến 100.000 DWT (sức chở 5.000- 8.000 TEU); 
*Khu cảng hàng lỏng (xăng dầu và các sản phẩm hoá dầu như LPG, nhựa đường…) đón được tàu trọng tải đến 10.000 DWT; 
*Khu bến thủy nội địa đáp ứng cho tàu từ 1.000 đến 5.000 DWT chạy theo tuyến đường thủy nội địa ven biển;
*Khu dịch vụ logicstic và dịch vụ hậu cần sau cảng.