Tại Hội chợ Quốc tế Thương mại, du lịch và đầu tư Hành lang Kinh tế Đông Tây – Đà Nẵng 2022 (EWEC 2022) diễn ra ngày 4-8 tại Đà Nẵng, các bên liên quan đã nêu những thách thức cần vượt qua để phát triển sau gần 25 năm hình thành tuyến nối từ Myanmar đến Thái Lan, Lào và Việt Nam này.
Ông Trần Lê Tuấn – Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng nhận hoa và kỷ niệm chương từ Ban Tổ chức dành cho Nhà tài trợ Hội chợ Quốc tế EWEC 2022
Đà Nẵng được xác định là trung tâm logistics của miền Trung – Tây Nguyên, là cửa ngõ quan trọng của khu vực Đông Nam Á thông qua Hành lang kinh tế Đông – Tây. Thành phố quyết tâm sớm trở thành trung tâm logistics lớn của cả nước. Tuy nhiên còn nhiều rào cản hạn chế. Tại Diễn đàn Cảng Đà Nẵng đã có kiến nghị thành phố Đà Nẵng tập trung hỗ trợ để có thể cho ra đời các Trung tâm logistics quy mô lớn, có vị trí chiến lược, để cạnh tranh với các trung tâm của hai đầu đất nước và quốc tế.
Đại diện Công ty CP Cảng Đà Nẵng cho biết con số hàng hóa thông qua EWEC còn khiêm tốn so với tiềm năng của, từ vấn đề pháp lý, hạ tầng phục vụ phát triển logistics
Trở ngại vì thiếu tính đồng bộ
Theo ông Lê Quảng Đức, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng, con số hàng hóa thông qua EWEC còn khiêm tốn so với tiềm năng của, từ vấn đề pháp lý, hạ tầng phục vụ phát triển logistics.
Theo đó, lượng hành hóa qua EWEC chưa nhiều như kỳ vọng. “Một trong những nguyên nhân chính là chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh nhằm thu hút đối với hàng hóa lưu thông trên tuyến này cũng như khuôn khổ pháp lý riêng, rõ ràng. Phương tiện vận tải lưu thông trên tuyến này còn gặp những trở ngại nhất là vấn đề tay lái nghịch vẫn chưa được giải quyết, nên hàng hóa từ Thái Lan gặp khó khăn khi vào Việt Nam”, ông Lê Quảng Đức chia sẻ.
Bên cạnh đó, việc đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển logistics được quan tâm thời gian qua. Đáng chú ý, dự án cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Túy Loan – La Sơn và La Sơn – Cam lộ. “Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, chưa đồng bộ. Đường đến cửa khẩu của Việt Nam và phía Lào đều nhỏ hẹp. Ngoài ra vẫn còn thiếu khu kho bãi tập trung quy mô lớn, có vị trí chiến lược, đồng bộ với hệ thống cảng, đường quốc lộ, đường sắt nhằm phục vụ lượng hàng quá cảnh trên tuyến có sản lượng lớn”, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Cảng Đà Nẵng nhấn mạnh.
Ông Lê Quảng Đức-Phó Tổng Giám đốc Cảng Đà Nẵng tham dự tọa đàm tại Diễn đàn
Ông Lê Quảng Đức cũng cho biết, còn nhiều hạn chế cả về quy mô hoạt động, vốn, nguồn nhân lực… Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics ở Đà Nẵng hầu hết là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, hạn chế nguồn vốn và nguồn nhân lực, thiếu kinh nghiệm, chỉ mới cung cấp các dịch vụ cơ bản hoặc từng dịch vụ đơn lẻ, thường đóng vai trò là nhà thầu phụ hay đại lý cho các công ty logistics ở hai đầu đất nước hoặc nước ngoài.
Đặt biệt, chi phí vận tải đường bộ còn ở mức cao do trình độ quản lý, quy mô doanh nghiệp nhỏ, chi phí dọc đường nhiều và hệ thống đường bộ với nhiều trạm thu phí cầu đường (chiếm bình quân 10 -15% chi phí vận tải) dẫn đến chi phí vận chuyển cao nên rất khó thu hút nguồn hàng từ Lào và Đông Bắc Thái Lan. Thời gian thông quan hàng hóa qua cửa khẩu Việt – Lào còn chậm, khoảng 6 tiếng (đối với các lô hàng khoảng 10 xe).
Phương châm “Hai cửa khẩu, một điểm dừng” đã tạm thời dừng với lý do là kiểm soát Covid-19 cũng góp phần vào việc thời gian thông quan mất nhiều ở đây. Thời gian đến làm thủ tục tại cửa khẩu mất tới 6 tiếng, đây là khoảng thời gian quá lớn.
Vai trò “bà đỡ” của địa phương
Lãnh đạo cùng CBCNV Cảng Đà Nẵng tại Gian hàng Hội chợ Quốc tế EWEC 2022
Từ thực tế này, Cảng Đà Nẵng đề xuất, phát triển đồng bộ cơ sở hạ tầng giao thông trong tổng thể bảo đảm cho hoạt động logistics có thể khai thác nguồn hàng có hiệu quả theo hướng tiếp cận vĩ mô, đa phương tiện, lồng ghép, đồng bộ. Phát triển cơ sở hạ tầng giao thông để kết nối, phục vụ các Trung tâm logistics, các khu công nghiệp với cảng biển.
“Các Bộ ngành liên quan tham mưu Chính phủ không lập thêm các tram BOT và xem xét, giảm số lượng và giá các trạm BOT hiện có trên EWEC”, ông Lê Quảng Đức đề xuất. Đồng thời nhấn mạnh cần cải tiến giảm thiểu các thủ tục thông quan hàng hóa vừ ứng dụng mạnh công nghệ 4.0 vào kê khai thủ tục hải quan tại các cửa khẩu và có các hiệp định về thông quan hải quan giữa các quốc gia trên tuyến EWEC.
Đối với Đà Nẵng, Phó Tổng giám đốc Cty Cảng Đà Nẵng nhận định ưu đãi với các doanh nghiệp logistics chưa rõ nét. Do đó, thành phố cần thể hiện vai trò “bà đỡ” để thúc đẩy sự phát triển logistics trở thành 1 trong 5 đột phá phát triển của thành phố.
Theo đó, tập trung hỗ trợ để có thể cho ra đời các Trung tâm logistics quy mô lớn, có vị trí chiến lược, để cạnh tranh với các trung tâm của hai đầu đất nước và quốc tế.
“Có chính sách hỗ trợ giá thuê đất và các chính sách tài chính ưu đãi nhằm khuyến khích, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong lĩnh vực logistic hoạt động hiệu quả trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau dịch bệnh Covid – 19. Đặc biệt vấn đề này là quan trọng đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực logistic tại Đà Nẵng nhằm cụ thể hóa một trong năm trụ cột phát triển theo định hướng của thành phố”, ông Lê Quảng Đức đề xuất.
Đồng thời đề nghị đẩy mạnh vai trò để các Hiệp hội trong lĩnh vực logistics, vận tải để thực đóng vai trò chủ động thực sự, cùng tỉnh, thành hoạch định phát triển hoạt động logistics.
Đẩy nhanh việc hình thành cảng Liên Chiểu, dần thay thế Cảng Tiên Sa, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của lượng hàng hóa thông qua, góp phần đáp ứng chất lượng dịch vụ logistics trên EWEC. “Cảng Đà Nẵng mong muốn được chỉ định là đơn vị đầu tư và khai thác 2 bến khởi động Cảng Liên Chiểu dựa trên bề dày lịch sử, sự hiểu biết về thị trường và đặc biệt là mối quan hệ khăng khít với khách hàng, kinh nghiệm khai thác cảng và tiến trình số hóa thành công trong công tác quản lý, khai thác cảng của Cảng Đà Nẵng”, Phó Tổng giám đốc Cty Cảng Đà Nẵng đề xuất.
Theo quy hoạch, đến năm 2030 tầm nhìn 2045, tổng diện tích quy hoạch ngành logistics của Đà Nẵng là 229 ha với 5 trung tâm logistics được bố trí tại các đầu mối giao thông khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trong đó, các trung tâm logistics tập trung của Đà Nẵng bao gồm: Cảng Liên Chiểu (69 ha), Trung tâm logistics đường bộ Hòa Nhơn (54 ha), Trung tâm logistics đường sắt Hòa Liên (10 ha), Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng (8 ha) và trung tâm logistics tại Khu công nghệ cao (20 ha) và nhiều trung tâm logictics nhỏ lẻ và kho bãi để hỗ trợ các trung tâm logistics tập trung.