Cảng Đà Nẵng là Cảng duy nhất của Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) nhận danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” 7 năm liên tiếp.
Cảng Đà Nẵng là doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi số trong hệ thống Cảng biển Việt Nam
Tăng tác nghiệp ít tiếp xúc
Cảng Đà Nẵng là Cảng biển tiên phong trong công cuộc chuyển đổi số trong hệ thống Cảng biển Việt Nam. Trong đó, phần mềm Cảng điện tử (ePORT) và Cổng container tự động (Auto Gate) đã được nhiều đơn vị trong nước đến tham quan, học tập và áp dụng.
Đây cũng là cổng container thông minh smartgate đầu tiên được áp dụng tại các cảng Việt Nam, nhằm tạo thuận lợi cho lái xe và chủ hàng và hãng tàu.
Toàn cảnh Cảng Đà Nẵng
Phần mềm giúp điều xe container ra vào cảng qua ứng dụng trên điện thoại thông minh áp dụng nhiều giải pháp công nghệ như: Nhận dạng mã container bằng thuật toán ACCR kết hợp với trí tuệ nhân tạo AI; nhận diện biển số xe đầu kéo/romooc; điều khiển đóng mở barrie, đọc chỉ số đầu cân điện tử; dùng robot thực hiện lệnh; gửi thông tin qua app điện thoại của lái xe.
Khách hàng có thể làm thủ tục tại bất cứ đâu có kết nối internet, rút ngắn thời gian giao nhận hàng, tiết kiệm chi phí trong in ấn, lưu trữ hồ sơ, chứng từ tất cả các thông tin điều được số hóa.
Theo ông Trần Lê Tuấn – Tổng giám đốc Cảng Đà Nẵng, việc tiên phong trong chuyển đổi số là một trong những lý do quan trọng dẫn đến việc trong 5 năm trở lại đây, các chỉ tiêu trọng yếu của Cảng Đà Nẵng đều đạt các con số rất đáng tự hào, năm sau đều cao hơn năm trước, thu nhập và đời sống của Người lao động ổn định và tăng trưởng.
Dù trong giai đoạn này, nền kinh tế thế giới cũng như Việt Nam chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực từ nhiều yếu tố. Nhiều doanh nghiệp đã phải đối mặt với tình hình khó khăn, gián đoạn sản xuất và thay đổi hoạt động.
“Công tác chuyển đổi số được áp dụng mạnh mẽ đã góp phần lớn làm tăng hàm lượng tác nghiệp ít tiếp xúc ở Cảng Đà Nẵng lên cao. Đồng thời đảm bảo khách hàng có khả năng tương tác mọi lúc, mọi nơi trên không gian số. Các dự án phần mềm, hạ tầng CNTT và hạ tầng kỹ thuật, phương tiện thiết bị đã được chúng tôi đầu tư đưa vào hoạt động đều hướng đến khách hàng, đưa chất lượng dịch vụ sao cho tốt nhất cho khách hàng.
Những yếu tố này, cộng với chủ trương đặt khách hàng làm trung tâm, đưa công tác chăm sóc khách hàng lên hàng đầu… đã giúp chúng tôi thu hút được gần 40 hãng container, với 18 hãng tàu container mở tuyến tàu trực tiếp đến cảng, trong đó rất nhiều hãng tàu hàng đầu thế giới đều đã có mặt tại cảng như: Wanhai, SITC, Yangming, Maersk Lines, Evergreen, MSC, CMA-CGM, ZIM…”, ông Trần Lê Tuấn cho biết.
7 lần được vinh danh vì người lao động
Cảng Đà Nẵng là doanh nghiệp đứng thứ 8 tại thành phố Đà Nẵng và đứng thứ 750 trong 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Đồng thời, liên tiếp những năm qua, bình quân thu thuế xuất nhập khẩu tại Cảng Tiên Sa qua luôn có sự tăng trưởng và chiếm khoảng trên 80% tổng thu thuế xuất nhập khẩu toàn thành phố Đà Nẵng.
Cảng Đà Nẵng là cảng duy nhất trong các doanh nghiệp thuộc VIMC đến thời điểm này nhận danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” 7 năm liên tiếp.
Tuy vậy, theo ông Trần Lê Tuấn, điều làm ông vui và tự hào hơn cả chính là việc được ghi nhận, đánh giá cao về công tác chăm lo cho người lao động của mình. Với việc Cảng Đà Nẵng là cảng duy nhất trong các doanh nghiệp thuộc Tổng Công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC) đến thời điểm này nhận danh hiệu “Doanh nghiệp tiêu biểu vì người lao động” 7 năm liên tiếp do Tổng LĐLĐ Việt Nam tổ chức.
“Con người là nền tảng của sự phát triển! Đó chính là quan điểm nhất quán của chúng tôi. Và để tô bồi cho qua điểm này, những năm qua, tất cả mọi chương trình hoạt động của Cảng Đà Nẵng đều xoay quanh chủ đề làm sao để đời sống, môi trường và điều kiện làm việc của người lao động ngày mỗi tốt hơn nữa để họ yên tâm gắn bó lâu dài với chúng tôi”, ông Trần Lê Tuấn nói.
Có thể nói, Cảng Đà Nẵng là nơi mà công tác chăm lo cho người lao động chăm lo rất tốt với nhiều chính sách mơ ước. Ví dụ, ngoài việc 100% người lao động tại đơn vị đều được tham gia BHYT với số tiền trích nộp hằng năm là 3,5 tỷ đồng và gần như chưa bao giờ chậm đóng.
Bắt đầu từ năm 2017, Cảng Đà Nẵng đã triển khai mua bảo hiểm sức khỏe chất lượng cao cho toàn thể CBCNV trong Cảng với mức chi hỗ trợ cao nhất lên đến 4 triệu đồng/ngày, nhằm chăm sóc tốt nhất sức khỏe cho người lao động. Tổng mức chi mua bảo hiểm sức khỏe mà Cảng Đà Nẵng chi ra trung bình 1 năm khoảng 1,4 tỉ đồng.
Không những vậy, kể từ năm 2021, người lao động tại Cảng Đà Nẵng có thể căn cứ theo Hợp đồng mua bảo hiểm của Cảng Đà Nẵng với đơn vị cung cấp dịch vụ (Bảo Việt) để có thể đăng ký mua Bảo hiểm sức khỏe cho chính người thân của mình với nhiều quyền lợi, ưu đãi hấp dẫn.
Đặc biệt năm 2022, với sự tham mưu của Công đoàn, Cảng Đà Nẵng tổ chức lấy ý kiến toàn thể người lao động, bổ sung vào Thỏa ước lao động tập thể thêm nội dung phúc lợi mua Bảo hiểm nhân thọ cho toàn thể người lao động.
“Chúng tôi mạnh dạn triển khai Bảo hiểm nhân thọ cho người lao động nhằm thu hút, duy trì, phát triển đội ngũ nhân sự có trình độ chuyên môn, đảm bảo nguồn nhân lực của công ty phát triển bền vững, gắn bó lâu dài, yên tâm phát triển sự nghiệp.
Đồng thời giúp cho người lao động nâng cao đời sống, có thêm khoản tài chính cho những kế hoạch tương lai của bản thân và gia đình, đảm bảo cuộc sống thư thái, độc lập về tài chính, bảo vệ trước những rủi ro trong cuộc sống trong quá trình làm việc”, ông Trần Lê Tuấn giải thích.
Với chủ trương và mục đích rất nhân văn này, đến nay, có hơn 600 người lao động đủ điều kiện (thâm niên, quá trình công tác) được Cảng Đà Nẵng đăng ký mua bảo hiểm nhân thọ với thời hạn 10 năm.
Các năm sau, Cảng Đà Nẵng sẽ dần bổ sung thêm những người lao động đã đủ điều kiện để có thể được hưởng chính sách bảo hiểm nhân thọ. Tổng giá trị cho Hợp đồng Bảo hiểm nhân thọ 1 năm của Cảng Đà Nẵng khoảng 15 tỉ đồng.
Báo Lao động