Trong lộ trình 45 năm (1976 – 2021) xây dựng và phát triển, Cảng Quy Nhơn khẳng định vai trò thương cảng lớn của miền Trung, Tây Nguyên, đóng góp quan trọng vào sự phát triển KT-XH của địa phương. Ông Lê Duy Dương, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Cảng Quy Nhơn đã có cuộc trao đổi với Báo Bình Định về nỗ lực đưa Cảng Quy Nhơn vươn mình ra biển lớn.
*Thưa ông, trong tiến trình phát triển, Cảng Quy Nhơn nỗ lực trở thành thương cảng hiện đại, vươn tầm quốc tế, mong ông chia sẻ về chiến lược đầu tư và phát triển của đơn vị?
– Ngày 29.9.2020, UBND tỉnh Bình Định ban hành Quyết định số 4013/QĐ- UBND phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030, với mục tiêu quy hoạch phát triển mở rộng Cảng Quy Nhơn thành một trong những cảng biển hiện đại mang tầm khu vực, đầu mối khu vực (loại 1) của nhóm cảng biển Nam Trung bộ, đáp ứng nhu cầu phát triển KT-XH của tỉnh Bình Định, khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên. Sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 15 – 16 triệu tấn năm 2025 và đến năm 2030 đạt 25,5 – 28,8 triệu tấn.
Để thực hiện mục tiêu trên, Cảng Quy Nhơn đã xây dựng chiến lược đầu tư đến năm 2030, cụ thể: Giai đoạn 1 (2021 – 2025): Đầu tư mở rộng Cảng Quy Nhơn về phía hạ lưu đầm Thị Nại, các dự án cụ thể như đầu tư xây dựng nâng cấp bến số 1 (tiếp nhận đồng thời 2 tàu 30.000 DWT) dự kiến thi công vào tháng 9.2021; Dự án Mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 (giai đoạn 1) mở rộng Cảng Quy Nhơn thêm 3,8 ha tại khu đất của Công ty CP Dịch vụ công nghiệp Hàng hải trước đây. Giai đoạn 2 (2026 – 2030): Mở rộng Cảng Quy Nhơn về phía thượng lưu đầm Thị Nại, dự án trọng điểm là bến số 6.
Cảng Quy Nhơn – thương cảng lớn, cửa ngõ ra biển của các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên
Không chỉ đầu tư về hạ tầng, Cảng Quy Nhơn mở rộng dịch vụ, cung cấp dịch vụ khai thác vận tải biển, tăng kết nối cho DN. Theo đó, đơn vị đầu tư các tuyến vận tải biển đi thẳng từ Cảng Quy Nhơn đến nhiều nước ở châu Á, đặc biệt khu vực Đông Bắc Á. Tháng 6.2020 Cảng Quy Nhơn đã thực hiện được tuyến vận tải biển trực tiếp đầu tiên – từ Cảng Quy Nhơn đi trực tiếp tới các nước Đông Bắc Á – nhằm khơi thông luồng hàng xuất khẩu từ các tỉnh Tây Nguyên Việt Nam, Nam Lào (qua Cửa khẩu Bờ Y), Đông Bắc Campuchia (qua Cửa khẩu Lệ Thanh) sang khu vực Đông Bắc Á.
Ngày 3.6.2020, tuyến dịch vụ mới của Hãng tàu SITC (CMV) đã chính thức khai thác tại Cảng Quy Nhơn với hành trình có thể kết nối hàng hóa xuất nhập khẩu giữa Cảng Quy Nhơn với các cảng lớn tại Trung Quốc như Thanh Đảo, Đại Liên, Thượng Hải, Ningbo và chuyển tiếp kết nối đến Incheon, Pusan (Hàn Quốc) và Tokyo, Yokohama (Nhật Bản). Với tuyến dịch vụ mới, sản lượng container thông qua Cảng Quy Nhơn tăng trưởng đáng kể. Đồng thời, đây là tiền đề cho sự tăng trưởng hàng container thông qua cảng trong các năm tiếp theo, trên cơ sở thu hút thêm nguồn hàng tinh bột, cà phê, cao su, phân bón và nông sản khác tại khu vực Tây Nguyên xuất nhập khẩu thông qua tuyến dịch vụ này.
Ngoài ra, Cảng Quy Nhơn đang thực hiện xin chủ trương đầu tư cảng cạn (ICD) tại Tuy Phước – Bình Định. Các dự án này sau khi hoàn thành tạo điều kiện vô cùng to lớn thúc đẩy sự phát triển của Cảng Quy Nhơn trong thời gian đến.
Thành công của Cảng Quy Nhơn trong thời gian qua, bên cạnh yếu tố về đầu tư nguồn lực, điểm then chốt là đầu tư về nhân lực, công nghệ phù hợp với yêu cầu phát triển. Ông có thể nói thêm về điều này?
– Mấy năm gần đây, Cảng Quy Nhơn vào giai đoạn nước rút của quá trình hiện đại hóa, ứng dụng công nghệ cao trên toàn bộ hệ thống cung cấp dịch vụ. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mở ra nhiều cơ hội trong việc nâng cao trình độ công nghệ, nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi sản phẩm, dần tạo ra sự thay đổi lớn về hình thái kinh doanh dịch vụ.
Chúng tôi là DN sớm áp dụng số hóa phương thức giao dịch; các thủ tục đăng ký và giao nhận truyền thống được thay bằng các phương án tác nghiệp trực tuyến, phương án “không tiếp xúc” đã được Cảng Quy Nhơn áp dụng triệt để. Chính nhờ sớm chuyển đổi nên cả trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 diễn biến cực kỳ phức tạp chúng tôi vẫn thích ứng tốt, biến tình thế khó khăn thành cơ hội lớn cho việc thúc đẩy số hóa, nâng cao nhận thức cho cán bộ, nhân viên Cảng Quy Nhơn nói riêng, cũng như khách hàng, đối tác của đơn vị.
Chúng tôi ý thức rõ, nếu không bắt kịp nhịp độ phát triển của toàn quốc và khu vực, đơn vị sẽ phải đối mặt với những thách thức, tác động tiêu cực như: Sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh; hiệu quả lao động truyền thống không đảm bảo hiệu suất, thiếu hụt nguồn nhân lực trình độ cao, nhất là trong thời điểm dịch bệnh còn ảnh hưởng lớn và chưa có điểm dừng, nếu không chuyển mình kịp thời thì hậu quả rất nghiêm trọng, ảnh hưởng tới tình hình hoạt động kinh doanh của cảng cũng như chuỗi cung ứng toàn khu vực.
Từ nhận thức đó, căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, tầm nhìn chiến lược là trung tâm cảng – logistics của khu vực, Cảng Quy Nhơn đã xây dựng định hướng và chương trình tăng cường năng lực tiếp cận chuyển đổi số. Theo đó, tập trung việc nâng cao nhận thức của các cấp, các bộ phận về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin đồng bộ toàn hệ thống là cực kỳ quan trọng và cần thiết.
Lô hàng thiết bị điện gió siêu trường, siêu trọng cập Cảng Quy Nhơn
Thị trường hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua Cảng Quy Nhơn có điểm khác biệt so với hai khu vực lớn như TP Hồ Chí Minh và Hải Phòng, lượng hàng xuất khẩu chiếm đa số, hàng giá trị cao chiếm tỷ trọng rất nhỏ. Từ những khó khăn của thị trường, nhận thấy tầm quan trọng của dịch vụ forwarding (dịch vụ giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu) trong chuỗi dịch vụ logistics, chúng tôi đầu tư phát triển nguồn nhân lực, xây dựng kế hoạch triển khai dịch vụ forwarding nhằm mục đích hỗ trợ các DN xuất nhập khẩu tiếp cận gần hơn với hãng tàu, tiết giảm tối đa chi phí logistics phát sinh trong khâu lưu thông hàng hóa. Đơn vị chuẩn bị sẵn sàng các nguồn lực chuyên gia từ nước ngoài cũng như trong nước để đáp ứng tiêu chuẩn công nghệ, chủ động nguồn lực cho phát triển trong những năm đến.
Cùng với nỗ lực phát triển của DN, ở góc độ địa phương, chính quyền các cấp tỉnh Bình Định quan tâm, tạo điều kiện hỗ trợ Cảng Quy Nhơn trong tiến trình phát triển như thế nào? Để đạt được mục tiêu đề ra trong giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030, ông có đề xuất, kiến nghị gì với tỉnh?
– Cảng Quy Nhơn chân thành cảm ơn các cấp chính quyền tỉnh Bình Định đã ủng hộ, quan tâm giúp đỡ đơn vị trong thời gian vừa qua. Các cấp chính quyền tỉnh Bình Định đã tạo rất nhiều điều kiện thuận lợi cho Cảng Quy Nhơn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, giải phóng tàu nhanh, vận chuyển các thiết bị hàng hóa siêu trường, siêu trọng (hàng điện gió), công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và luôn có những chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời giúp đỡ Cảng Quy Nhơn.
Trên cơ sở những kết quả đã đạt được, để hiện thực hóa mục tiêu cho giai đoạn tới, chúng tôi kiến nghị UBND tỉnh Bình Định và các cấp chính quyền tỉnh tạo điều kiện giúp đỡ Cảng Quy Nhơn trong công tác thực hiện đầu tư mở rộng Cảng Quy Nhơn đến năm 2030 theo quy hoạch được phê duyệt, hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh mà Đảng và Nhà nước đã giao, đáp ứng mong đợi của nhân dân tỉnh Bình Định và đạt kỳ vọng của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam.