Chi phí vận chuyển tăng vọt vì tắc luồng Vũng Tàu – Sài Gòn

11/11/19 3:13 PM

Luồng hàng hải Sài Gòn – Vũng Tàu bị tắc sau vụ chìm tàu VIETSUN INTEGRITY trên sông Lòng Tàu khiến nhiều hãng tàu “dở khóc, dở mếu”.

Keyword đầu tiên có dấu

Hiện trường nơi tàu VIETSUN INTEGRITY chìm trên sông Lòng Tàu

Chi phí phát sinh hàng trăm tỉ đồng

Tìm hiểu của PV, kể từ khi xảy ra vụ chìm tàu (hôm 19/10), cùng với việc hạn chế lưu thông luồng Lòng Tàu, tàu có mớn nước cao phải giảm tải, chuyển hướng qua luồng Soài Rạp để cập các cảng ở TP HCM. Hành trình này khiến các hãng tàu phải đi xa hơn, phát sinh thêm một lần phí hoa tiêu, phí trọng tải, phí tàu lai, phí cầu bến…

“Tàu vào TP HCM phải cập ở Cái Mép – Thị Vải (CMTV) để dỡ bớt container hàng nhập khẩu, các hãng tàu cũng phải chịu mức phí xếp dỡ cao hơn. Ngoài ra, thêm chi phí chuyển hàng về các cảng và ICD ở TP HCM và từ các cảng ở TP HCM ra các cảng khu vực CMTV. Hàng loạt chi phí phát sinh mà các hãng tàu phải chịu như: Cảng phí, vận chuyển sà lan, chi phí thuê tàu thêm 1 ngày, nhiên liệu để chạy tàu kịp lịch trình, đảo chuyển tàu tại Cái Mép để dỡ hàng, phí bãi cho hàng xuất, hàng nhập, phải bố trí thêm tàu nhỏ để giải phóng hàng tồn với chi phí rất cao…”, đại diện một hãng tàu cho hay.

Cũng theo các hãng tàu, chi phí phát sinh trực tiếp như: đảo chuyển tàu là do trước khi sự cố xảy ra, hàng xuất đã nhận booking và khách hàng đã lấy rỗng đóng hàng. Do đó, hàng xuất tiếp tục được hạ về Cát Lái, trong khi mớn nước khuyến cáo chưa có thông báo cụ thể. Một lượng lớn hàng xuất phải chuyển tàu và chia làm nhiều tàu nên phát sinh phí đảo chuyển nội bộ (số lượng hàng mỗi hãng tàu phát sinh thêm từ 50 – 200 triệu đồng). Phí tàu lai cũng lên 2 lần tại phao từ 2.000 – 4.000 USD/tàu, phí neo phao, phí buộc/cởi dây… mỗi tàu thiệt hại từ 3.500 – 5.000 USD tùy kích cỡ và thời gian nằm chờ tại phao.

Ngoài ra, các hãng tàu còn chịu thêm các chi phí gián tiếp như chi phí vận hành tàu. Những tàu không có cầu bến hoặc bị neo tại phao chờ thủy triều, kéo dài thời gian lịch trình trên biển, phát sinh chi phí thuyền viên, nhiên liệu, thuê tàu mỗi ngày trung bình từ 10.000 – 20.000USD/ngày. Do trễ lịch tại cảng dỡ hàng, các tàu phải tăng tốc để lấy lại lịch trình, dẫn đến phát sinh phí nhiên liệu trên biển, ước tính từ 3.000 – 5.000USD/ngày. Các tàu về Việt Nam phải giảm bớt lượng hàng từ các cảng xếp hàng ở phía Nam Trung Quốc, cũng như hàng xuất từ Việt Nam đi Hong Kong, Hàn Quốc, chủ yếu là các mặt hàng nặng với số lượng lớn như gỗ, thép, nông sản… Tính theo sản lượng, hàng nhập giảm 30%, hàng xuất giảm 40%, tương ứng với mất cước phí vận chuyển từ 50.000 – 100.000 USD/tuần tùy hãng tàu.

Hỗ trợ giá xếp dỡ đến khi luồng hoạt động bình thường

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Trịnh Thế Cường, Trưởng phòng Vận tải và Dịch vụ hàng hải (Cục Hàng hải VN) thừa nhận, đúng là sau sự cố chìm tàu, các tàu vận tải có mớn nước lớn đã buộc phải vào các cảng ở Vũng Tàu mới có thể hành hải tiếp đến khu vực cảng TP HCM, làm phát sinh chi phí. “Trước thực trạng đó, Cục Hàng hải VN đã có văn bản đề nghị các DN cung cấp dịch vụ tại cảng biển khu vực TP HCM, Vũng Tàu cân nhắc áp dụng mức giá dịch vụ bốc dỡ container, hoa tiêu, lai dắt tàu biển, giá dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo bằng mức giá tối thiểu theo quy định tại Thông tư 54/2018 của Bộ GTVT cho các tàu chuyển tải tại khu vực bến cảng Cái Mép – Thị Vải và Hiệp Phước (đã ký hoặc chưa ký hợp đồng)”, ông Cường nói và cho biết, chủ trương đó được các DN dịch vụ hàng hải đồng tình thực hiện. Riêng các cảng thuộc cụm cảng CMTV (CMIT, SSIT, TCIT, TCTT) đến nay đã hỗ trợ hơn 20 chuyến tàu giảm tải với mức giá xếp dỡ 52USD/cont20’ (mức giá tối thiểu).

Cũng theo ông Cường, việc hỗ trợ này dự kiến sẽ thực hiện đến khi luồng hàng hải trên sông Lòng Tàu hoạt động trở lại bình thường.

Chia sẻ thêm, đại diện Cảng quốc tế Cái Mép (CMIT) cho biết, sau 3 tuần luồng sông Lòng Tàu chưa được khơi thông, các tàu container đã chủ động cắt giảm hàng ngay tại cảng xuất phát để đi thẳng đến cảng Cát Lái và tránh tình trạng mất 2 lần chi phí phao neo, xếp dỡ, thuê tàu… nên lượng tàu vào giảm tải tại CMTV đã ít dần đi.

Trong khi đó theo đại diện Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, việc hỗ trợ này chỉ diễn ra trong thời gian nhất định chứ không thể kéo dài nhiều tháng vì nguồn kinh phí có hạn. Trong khi đó, một số doanh nghiệp cảng liên quan đến luồng hàng hải này cho hay, họ không thể giảm giá phí xuống sâu hơn nữa bởi mức giá phí hiện nay đang áp dụng đã là mức tối thiểu nhất.

Để hoạt động xuất nhập khẩu của khu vực phía Nam sớm trở lại bình thường, góp phẩn ổn định chỉ số phát triển kinh tế những tháng cuối năm nay, nhiều đơn vị cảng biển đã đề nghị cơ quan hữu quan nhanh chóng có giải pháp, phương án, tập trung nguồn lực trục vớt tàu chìm, khơi thông luồng sông Lòng Tàu trong thời gian sớm nhất.Liên quan đến việc trục vớt tàu chìm, đại diện Cảng vụ Hàng hải TP HCM cho biết, đơn vị này đã phê duyệt phương án trục vớt tàu chìm của chủ tàu. “Theo đó, nhà thầu thi công sẽ dọn container trên mặt boong, nếu có thể bơm nước vào trong làm nổi tàu, sẽ kéo tàu vào bờ để giải phóng luồng. Nếu giải pháp đó không khả thi, sẽ tiếp tục cắt tôn mạn tàu để lấy container trong hầm hàng cho tàu nổi”, đại diện đơn vị này nói và cho biết, việc trục vớt đã bắt đầu được tiến hành và dự kiến hoàn thành sau 28 ngày. Công ty TNHH Dịch vụ hàng hải Thái Bình Dương được chọn là đơn vị thi công.

Báo Giao thông