Chuyển đổi số cho lĩnh vực logistics: Bài toán “Tối ưu tài nguyên, kết nối cung cầu”

16/12/20 9:36 AM

Ngành Logistics vốn được coi là xương sống của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Cấp cao CNTT-TT Việt Nam – Ngày chuyển đổi số Việt Nam – DXDay Vietnam 2020, do VINASA, Cục Tin học hóa (Bộ Thông tin và Truyền thông) và Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại Du lịch thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức, chiều ngày 15/12, diễn ra hội nghị “Chuyển đổi số cho lĩnh vực logistics”.

Ngành Logistics vốn được coi là xương sống của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ. Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025 đã khẳng định, Logistics là ngành dịch vụ quan trọng cơ cấu tổng thể nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số tại đơn vị mình, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) chia sẻ về hệ thống chuyển đổi số trong hoạt động liên quan tới hàng rời tại các cảng của VIMC. Cụ thể, từ đầu năm, hệ thống CICT Portal đã được đưa vào sử dụng để khách hàng tại Cảng Cái Lân (CICT) có thể truy vấn thông tin về hàng hóa mọi lúc, mọi nơi. Khách hàng đăng ký lấy hàng online mà không cần đến cảng trực tiếp. Sản phẩm hiện đã tương thích cả trên máy tính và điện thoại.

Từ góc nhìn của Cơ quan Quản lý Nhà nước, ông Trần Thanh Hải – Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ngày 3/6/2020 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; nêu rõ 8 lĩnh vực ưu tiên chuyển đổi số; trong đó, có logistics. Dịch COVID-19 bùng nổ đã tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các ngành kinh tế; trong đó, có ngành logistics. Ngay lúc này, chuyển đổi số là thực sự cấp thiết để các doanh nghiệp trong ngành vượt qua khó khăn và tăng tốc phát triển.

Cũng theo ông Trần Thanh Hải, trong năm 2020, những từ khóa hot nhất là chuyển đổi số và COVID -19, đều có liên quan đến logistics. Giãn cách xã hội khiến con người phải ở trong nhà, nhưng hàng hóa thì ngược lại, được vận chuyển đi khắp nơi nhờ các dịch vụ logistics trên toàn cầu. Dịch COVID-19 cũng là cú hích để mọi lĩnh vực của đời sống được số hóa, thúc đẩy chuyển đổi số…

Một số hoạt động chuyển đổi số của ngành logistics: sàn giao dịch, vận tải kho bãi, dữ liệu thông minh, phi giấy tờ; tối ưu hoá quy trình logistics giao hàng chặng cuối, logistics đô thị giao hàng tự động, tự động hoá quy trình sử dụng IoT, AI, công nghệ truy xuất, nhận diện; giao dịch giữa nhà nước và doanh nghiệp thông qua các dịch vụ công trực tuyến.

Tuy nhiên theo ông Trần Thanh Hải, số hoá là bước đầu nhưng không phải là tất cả của chuyển đổi số. Chuyển đổi số là bước đầu, nhưng không phải là tất cả của sự sáng tạo. Song chuyển đổi số cần triển khai đồng bộ, và mục tiêu cuối cùng của chuyển đổi số là đem lại hiệu quả, giảm chi phí…

“Với vị trí trung tâm của chuỗi cung ứng, chuyển đổi số trong logistics sẽ có tác dụng “kích hoạt” việc chuyển đổi số của nhiều thành phần khác”, ông Hải nhận định.

Theo các chuyên gia, tương lai của logistics thông minh không nằm ở những cải tiến đơn lẻ mà đòi hỏi những chiến lược và kế hoạch tổng thể, với sự tham gia của công nghệ và điện toán đám mây. Sự chuyển đổi này giúp doanh nghiệp và dịch vụ logistics hướng tới phục vụ khách hàng tốt hơn, kiểm soát luồng thông tin và tối ưu tự động hóa theo module, theo thứ tự của khách hàng.

Các quy trình đổi mới của mạng lưới logistics toàn cầu hứa hẹn sẽ tạo ra giá trị được chia sẻ trong thời gian thực với các bên liên quan. Cùng đó, việc tích hợp công nghệ từ đầu đến cuối quy trình là điều kiện tiên quyết để thế giới có một mạng lưới logistics thông minh.

Thông qua việc sử dụng các công nghệ mới, sự xuất hiện của các tác nhân cũng như mô hình kinh doanh mới, logistics thông minh đang phát triển thành các quy trình tự kiểm soát linh hoạt, giá thành thấp, phi tập trung, ghi nhận và “truy vết” thông tin trong thời gian thực.

Mục tiêu của logistics thông minh là hướng tới sự hợp tác minh bạch, sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ phận trong tổ chức cũng như các đối tác nhằm đáp ứng mong đợi của khách hàng.

Đề cập đến chủ đề chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics, ông Nguyễn Tương – Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho biết: Hầu hết các vấn đề “ngáng trở” chuyển động của ngành logistics là những căn bệnh cũ, đã được nhắc đến nhiều, như: hiệu quả hoạt động còn nhiều hạn chế, thiếu tính kết nối trong hệ thống; chất lượng dịch vụ không cao trong khi chi phí logistics “cao hơn mức trung bình thế giới”.

Cụ thể, chi phí logistics của Việt Nam chiếm khoảng 20,9% giá trị hàng hoá, cao gấp đôi so với các nền kinh tế phát triển; trong đó, chi phí vận tải chiếm tới 60%; Hạn chế tài chính đầu tư ban đầu vì khoảng 97% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Khó khăn trong lựa chọn công nghệ phù hợp; tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào bảo mật an toàn thông tin.

Ứng dụng công nghệ cao trong các dịch vụ cung cấp chưa đáp ứng yêu cầu. Khoảng 40% là giải pháp cơ bản và chưa có nhiều doanh nghiệp ứng dụng các phần mềm có tính tích hợp cao… Hiện, thị trường có khoảng 4.000 đơn vị cung cấp dịch vụ logistics quốc tế và nội địa (LSP); trong đó, hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs).

Cùng với đặc thù riêng của thị trường Việt Nam, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực này đang gặp khá nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể, đó là sự hạn chế tài chính đầu tư ban đầu (vì khoảng 97% doanh nghiệp vừa và nhỏ), khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của mỗi doanh nghiệp, một rào cản khác là các phần mềm tiêu chuẩn quốc tế chưa ứng dụng được nhiều tại Việt Nam.

Cùng đó là tâm lý chưa thực sự tin tưởng vào công nghệ và thói quen “ngại thay đổi” của doanh nghiệp”. Ông Tương nhận định, để khắc phục những rào cản này, ngoài quyết tâm và tập trung nguồn lực đầu tư của doanh nghiệp, cần có sự hợp tác giữa doanh nghiệp chủ hàng và các đơn vị cung cấp dịch vụ logistics.

Đồng thời, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước trong việc cải cách thủ tục hành chính liên quan, hỗ trợ nguồn vốn trong điều kiện có thể, nhất là với các doa nghiệp đi đầu trong chuyển đổi số.

Bnews/TTXVN