Chuyển đổi số trong công tác đào tạo nhân lực hàng hải đang là vấn đề đặt ra trong bối cảnh nhân lực Việt Nam tham gia ngày càng nhiều vào thị trường lao động hàng hải quốc tế.
Sinh viên được hướng dẫn thao tác hải đồ trên tàu MT HONG HU
Cục Hàng hải Việt Nam đang tiếp tục đánh giá hiện trạng đào tạo nghề hàng hải tại các nước có nền công nghiệp hàng hải phát triển trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng. Đồng thời tham khảo kinh nghiệm triển khai ứng dụng công nghệ số hóa trong việc đào tạo nguồn nhân lực hàng hải tại các trường, trung tâm hàng hải lớn trên thế giới.
Theo ông Hoàng Hồng Giang – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam: “Trong bối cảnh chuyển đổi số được áp dụng rộng rãi trên phạm vi toàn cầu, cùng với sự bùng phát của đại dịch Covid-19 đã đặt ra thách thức lớn cho ngành Giáo dục nói chung và công tác đào tạo ngành Hàng hải nói riêng”.
Để tạo thuận lợi cho thuyền viên, hoa tiêu hàng hải học tập từ xa, học tập trực tuyến trong thời gian làm việc dưới tàu, giảm thiểu thời gian đi lại, Cục Hàng hải Việt Nam và các trường Đại học, Cao đẳng đào tạo nguồn nhân lực hàng hải đang nỗ lực thay đổi chương trình giảng dạy, nhất là công tác huấn luyện thuyền viên, hoa tiêu hàng hải”.
Tại Trường Cao đẳng Hàng hải I, Nhà trường đã huấn luyện sinh viên ngành Điều khiển tàu biển theo chương trình đáp ứng được tiêu chuẩn thuyền viên khối Thị trường chung châu Âu (EU). Chương trình được chuyển giao từ Cộng hòa Liên bang Đức, các sinh viên được huấn luyện trên tàu M/T HONG HU đang nằm cầu cảng tại Nhà máy đóng tàu Phà Rừng.
Nếu áp dụng chuyển đổi số trong đào tạo thì dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, hoạt động đào tạo nghề trọng điểm cấp độ quốc tế trình độ cao đẳng sẽ không bị gián đoạn, đảm bảo tiến độ nguồn cung cho thị trường lao động.
Chương trình đào tạo giúp thủy thủ vừa có khả năng điều khiển tàu, vừa có khả năng khai thác máy tàu và biết làm công việc gia công cơ khí, đáp ứng tiêu chuẩn thuyền viên khối EU cho tất cả các hạng tàu.
Sinh viên được hướng dẫn trong buồng điều khiển máy của tàu.
Sinh viên theo học ngành Điều khiển tàu biển, ngoài thời gian học tại phòng thực hành, phòng mô phỏng hiện đại, sinh viên sẽ được huấn luyện thực tế trên các tàu biển có trọng tải lớn của các doanh nghiệp vận tải biển lớn trong nước và quốc tế.
Chuyển đổi số là xu thế đào tạo mới của giáo dục nghề nghiệp tại Việt Nam trên con đường tiến tới hội nhập quốc tế. Trong đó, nhà trường kết hợp cùng doanh nghiệp thực hiện mục tiêu đào tạo kép, tạo điều kiện cho sinh viên tiếp cận sớm với công việc thực tế, thiết bị công nghệ hiện đại, nâng cao ý thức an toàn lao động. Kỹ năng nghề nghiệp được đào tạo cộng với yêu cầu chuẩn đầu ra tiếng Anh B1 chuẩn châu Âu sẽ giúp sinh viên đủ điều kiện làm việc trên các con tàu lớn cùng thuyền viên đa quốc tịch với mức lương hấp dẫn.
Chương trình đào tạo chuẩn quốc tế tại Trường Cao đẳng Hàng hải I hiện nay sẽ tạo cơ sở cho các sinh viên được huấn luyện học lên sỹ quan hàng hải. Khi tốt nghiệp, nguồn lao động tiềm năng này sẽ không chỉ bù đắp được sự thiếu hụt sỹ quan hàng hải hiện nay của các doanh nghiệp vận tải biển trong nước mà sẽ góp phần nâng cao được sự uy tín của lực lượng lao động hàng hải Việt Nam trên thị trường thuyền viên thế giới.
Cục Hàng hải Việt Nam tổ chức lấy ý kiến các doanh nghiệp vận tải biển, cơ sở đào tạo hàng hải và chuyên gia trong, ngoài nước về đẩy nhanh chuyển đổi số trong đào tạo nhân lực hàng hải như thuyền viên, hoa tiêu hàng hải
Khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong công tác đào tạo nguồn nhân lực hàng hải, TS. Phạm Vũ Quốc Bình – Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội) cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp đối với thuyền viên phải được thực hiện trên cả hai phương diện. Đó là quản lý hệ thống giáo dục nghề nghiệp, chuyển hoạt động đào tạo trong môi trường số và thay đổi nội dung chương trình đào tạo để cung cấp được kỹ năng số cần thiết theo ngành nghề cho học sinh, sinh viên và người lao động để có thể làm việc trong môi trường số.
Các chuyên gia cho ý kiến về chuyển đổi số trong đào tạo thuyền viên
Muốn vậy, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp về cơ sở hạ tầng, thể chế, quản lý, phương pháp, nội dung giảng dạy, năng lực của đội ngũ giảng viên và người làm công tác chuyển đổi số. Việc đẩy nhanh chuyển đổi số trong đào tạo thuyền viên sẽ giúp người lao động, học viên gia tăng cơ hội tiếp cận với trình độ tiêu chuẩn quốc tế.