Cơ sở nào hoàn thiện các quy định pháp luật về logictics?

18/03/22 10:26 AM

Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics của Việt Nam đi vào thực thi được đánh giá là cơ sở tốt cho các nhà nghiên cứu cũng như các nhà đầu tư nước ngoài trước khi quyết định đầu tư tại Việt Nam.

Kể từ đầu tháng 3 năm nay, Thông tư số 12/2021/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về “Quy định Hệ thống chỉ tiêu thống kê logistics của Việt Nam” đã chính thức có hiệu lực thi hành. Lần đầu tiên, Việt Nam có một văn bản dưới luật hướng dẫn đầy đủ về việc thống kê logistics. Qua đó, góp phần làm minh bạch và hỗ trợ công tác hoạch định, nghiên cứu, đầu tư phát triển; cũng như, quản lý các hoạt động logistics có liên quan.

Thông tư này đề cập tới 63 chỉ tiêu logistics thống kê của Việt Nam; trong đó, có một số chỉ tiêu sẽ được thống kê hàng năm. Theo đánh giá của giới chuyên môn, đây là hệ thống thống kê tương đối toàn diện, sẽ là cơ sở rất tốt cho các nhà nghiên cứu trong ngành cũng như các nhà đầu tư nước ngoài trước khi quyết định đầu tư tại Việt Nam. Tuy nhiên, vẫn còn có một số chỉ tiêu chưa thực sự chính xác dẫn đến có thể thống kê sẽ không chạm tới được liên quan tới. Cụ thể như quy định về mã ngành logistics trong hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, mã ngành đào tạo logistics và quản lý chỗi cung ứng và hoạt động thống kê logistics…

Đặc biệt đáng chú ý là Thông tư quy định chi tiết về Chỉ số hiệu quả logistics (LPI) cũng như cách tính, gồm LPI quốc tế (6 chỉ tiêu) và LPI trong nước (4 chỉ tiêu). LPI là chỉ số quan trọng trọng đánh giá tình trạng hoạt động và hiệu quả hoạt động của ngành dịch vụ logistics mà hiện nay Việt Nam chưa tự xây dựng được. Chỉ số hiệu quả Logistics được công bố hàng năm. Nguồn số liệu có được thông qua Điều tra thống kê và Chế độ báo cáo thống kê. Thông tư quy định rõ cơ quan chịu trách nhiệm thu thập, tổng hợp và cơ quan chủ trì là Tổng cục Thống kê, phối hợp với Bộ Công Thương…

Theo ông Nguyễn Tương, Cố vấn cấp cao của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), ngành dịch vụ logistics đang ngày càng đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế – đời sống xã hội và nhận được sự quan tâm, ưu tiên phát triển của Đảng, Nhà nước và dư luận xã hội. Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã nêu rõ: “cần nâng cao hiệu quả dịch vụ logistics”. Trong những năm gần đây, một số trường đại học có ngành đào tạo logistics đã thu hút một số lượng lớn sinh viên với điểm trúng tuyển cao nhất trong các kỳ tuyển sinh của trường. Đây là tín hiệu đáng mừng để Việt Nam có được nguồn nhân lực chất lượng trong thời gian tới nhằm phát triển ngành dịch vụ logistics.

Để hoàn thiện hệ thống cơ sở pháp luật liên quan tới logistics mà cụ thể là khắc phục những thiếu sót ở Thông tư 12, ông Nguyễn Tương đề xuất các bộ, cơ quan liên quan xem xét sắp xếp có bộ phận theo dõi hoạt động logistics và thống kê logistics hợp lý, để thống nhất với các quy định về logistics theo pháp luật hiện hành của Việt Nam, văn bản cao nhất là Luật Thương mại Việt Nam 2005 và Nghị định 163/2017 cũng như phù hợp với tiến trình hội nhập quốc tế về logistics của Việt Nam. Đồng thời, thống nhất mã ngành nghề từ khi doanh nghiệp đăng ký kinh doanh đến khi làm thống kê sẽ thuận tiện cho các bên rất nhiều.

Các mã ngành đào tạo nên có sự liên thông và thống nhất từ bậc trung cấp, cao đẳng đến đại học, để đảm bảo thuận tiện cho người học có thể học liên thông, và các đơn vị đào tạo xây dựng chương trình thuận tiện hơn. Việc thống kê về đào tạo logistics cũng như một số chỉ tiêu logistics khác cũng cần được làm rõ và thống nhất tốt hơn, nên có các bước làm thí điểm để tránh gây lãng phí cho tổng thể.

Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics và doanh nghiệp sản xuất, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ cũng cần nghiên cứu kỹ thông tư này để phục vụ cho công tác phát triển doanh nghiệp; đồng thời, tích cực tham gia điều tra hàng năm khi được yêu cầu, cung cấp chính xác các số liệu của điều tra, thống kê, nhất là điều tra liên quan đến Chỉ số hiệu quả logistics./.

Bnews/TTXVN