Công ty cổ phần Cảng Cần Thơ đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng

7/08/19 9:00 AM

Đứng trước nhu cầu phát triển của thị trường, Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ, đơn vị thành viên của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) đã chủ động đầu tư hệ thống kho, bãi để nâng cao năng lực hạ tầng, phục vụ kết nối các chuỗi logistics của vùng thông qua hệ thống bến cảng trực thuộc VIMC tại ĐBSCL. Vừa qua, cảng Cần Thơ đã đưa một kho hàng tổng hợp với quy mô hơn 3.000 m2 tại Chi nhánh Hoàng Diệu vào hoạt động nhằm bổ sung năng lực để Cảng Cần Thơ trở thành trung tâm phân phối hàng hóa, nhất là mặt hàng phân bón tại chi nhánh Hoàng Diệu.

Trong thời gian tới, VIMC định hướng tiếp tục phát triển các kho hàng hóa tại Chi nhánh Cảng Cái Cui để chuẩn bị kết nối với Trung tâm Logistics hạng II của vùng ĐBSCL với quy mô 242,2ha nằm ngay sau bến cảng Cái Cui. Đây là định hướng quan trọng để phát triển hạ tầng logistics của VIMC tại khu vực ĐBSCL.

Kho hàng tổng hợp vừa được Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ  đưa vào khai thác

Việc phát triển cơ sở hạ tầng kho tại các bến cảng trực thuộc cảng Cần Thơ cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác cảng và doanh nghiệp logistics trực thuộc VIMC phát triển thêm các chuỗi dịch vụ logistics tại vùng ĐBSCL. Hiện tại VIMADECO, một đơn vị thành viên VIMC cũng đang hợp tác với cảng Cần Thơ khai thác chuỗi logistics hàng phân bón tại vùng ĐBSCL thông qua bến Cảng Hoàng Diệu.

Được biết trong 06 tháng đầu năm 2019, sản lượng hàng hóa thông qua các bến cảng trực thuộc Công ty Cổ phần Cảng Cần Thơ đạt hơn 1,13 triệu tấn, đạt 54,54% kế hoạch năm 2019, tăng 29,37% so với cùng kỳ năm 2018.

ĐBSCL là vùng sản xuất nông nghiệp lớn nhất nước cũng là vùng tiêu dùng với lớn của cả nước với hơn 19 triệu dân; vùng được thiên nhiên ưu đãi với hệ thống sông ngòi dày đặc, chằng chịt, đan xen. Trong nhiều năm qua, Chính phủ Bộ giao thông vận tải đã quan tâm đầu tư hệ thống đường bộ quốc gia, liên tỉnh, liên huyện phủ khắp đồng bằng, cải tạo, nâng cấp hệ thống đường thủy nội địa quốc gia; đầu tư xây dựng hệ thống các cảng biển, cảng sông của vùng. Qua đó, đã tạo ra môi trường thuận lợi để phát triển dịch vụ logistics của vùng.