Dịch COVID-19 đã có tác động ở tất cả các lĩnh vực từ sản xuất, thương mại, giao thông, du lịch, cho đến y tế, giáo dục,… Logistics là tất cả các hoạt động trung gian, bao gồm bao bì, đóng gói, kho bãi, lưu trữ, luân chuyển hàng hóa, làm thủ tục thông quan… để chuyển sản phẩm, hàng hóa từ nhà cung cấp đến tay người tiêu dùng một cách tối ưu nhất, nên chắc chắn thuộc nhóm bị tác động đầu tiên.
Bức tranh không khả quan
Nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR), Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội vừa công bố Báo cáo đánh giá tác động của COVID-19 đến nền kinh tế và các khuyến nghị chính sách ứng phó, thông qua khảo sát 510 doanh nghiệp và đưa ra ba kịch bản diễn biến. Dự báo quý II năm nay, dù ở kịch bản nào, cũng tăng trưởng âm. Nếu dịch trong nước được khống chế hoàn toàn giữa tháng 5 và các hoạt động kinh tế dần trở lại bình thường thì tăng trưởng GDP quý II vẫn âm 3,3%. Ở hai kịch bản còn lại, tác động xấu nhất của COVID-19 với nền kinh tế sẽ xuất hiện trong quý II, III, thì tăng trưởng GDP quý II sẽ âm 4,9% – 5,1%.
Theo nhóm nghiên cứu nói trên thì lĩnh vực vận tải – kho bãi, cùng với dịch vụ lưu trú – ăn uống, nghệ thuật – giải trí, chịu ảnh hưởng lớn nhất với tốc độ tăng trưởng ước giảm 20% – 50%, thậm chí 25% – 70%. Với kịch bản dịch kết thúc vào cuối tháng 6/2020, giá trị xuất khẩu của Việt Nam ước giảm 25% trong quý II và thu hẹp đà giảm về 15% trong các quý sau của năm 2020. Tương tự, giá trị thương mại nội địa cũng sụt giảm 30%. Lĩnh vực du lịch, khách sạn sẽ chịu ảnh hưởng lớn khi dự kiến giảm 30% – 40% về lượng khách, doanh thu cũng ước giảm 40%, số lượng việc làm giảm 30% – 40%. Lĩnh vực thương mại, dịch vụ sẽ chứng kiến sự thay đổi khi dịch vụ y tế, dịch vụ thiết yếu tăng trưởng 25% – 40%, còn dịch vụ phụ trợ giảm 20% – 40%. Những dự báo đó dẫn đến hệ quả ngành dịch vụ vận tải, logistics suy giảm 20% – 30%.
Trong thực tế, từ cuối tháng 02/2020, các doanh nghiệp vận tải đã bắt đầu chịu thiệt hại từ việc suy giảm các đơn hàng. Tình trạng hàng hóa tiêu thụ khó khăn, bị lưu trữ trong kho một thời gian dài chắc chắn sẽ gây ra tổn thất cho ngành vận chuyển và logistics. Theo một báo cáo của Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam vào đầu tháng 4/2020, các doanh nghiệp thành viên Hiệp hội thuộc nhóm ngành sản xuất, chế biến và thương mại xuất khẩu nông sản đang tồn kho 48.200 tấn hàng và 10.000 tấn phân bón. Lượng tồn lớn nhất là cà phê, tiêu, điều với 43.000 tấn, trị giá tổn thất 50 tỷ đồng. Gỗ nguyên liệu và thương phẩm là ngành thiệt hại năng nhất khi bị hoãn hợp đồng tồn kho hơn 260 tỷ đồng.
Mới đây, Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cũng đã tiến hành khảo sát, lấy ý kiến của các doanh nghiệp về những khó khăn, thiệt hại mà doanh nghiệp đang gặp phải. Theo báo cáo của VLA, có khoảng 15% doanh nghiệp bị giảm 50% doanh thu so với năm 2019 và hơn 50% doanh nghiệp giảm số lượng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế từ 10% – 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Logistics gặp khó
Trong Báo cáo Đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đối với phát triển kinh tế – xã hội Việt Nam của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, có nội dung đánh giá tác động của dịch bệnh tới lĩnh vực vận tải. Theo kịch bản tăng trưởng, trong trường hợp dịch COVID-19 kết thúc trong quý II thì giá trị tăng thêm ngành vận tải, kho bãi chỉ 5,1% trong quý I và 6% trong quý II. Vận tải hàng không chắc chắn đã bị ảnh hưởng nặng nề do những tác động của dịch COVID-19 gây ra. Các hãng hàng không hiện nay đều hủy các tuyến bay tới Trung Quốc, Hàn Quốc, Hồng Kông, hạn chế tối đa các chuyến bay từ vùng dịch. Chỉ tính riêng Trung Quốc, lệnh ngừng bay toàn bộ các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc từ chiều ngày 01/02 đã dẫn đến trung bình mỗi ngày có khoảng trên 80 chuyến bay qua lại bị hủy chuyến. Các dịch vụ hỗ trợ vận tải ngành hàng không như dịch vụ quản lý bay, dịch vụ cảng hàng không cũng bị ảnh hưởng theo. Ngoài ra, giá cước vận chuyển hàng hóa tăng cao hơn so với bình thường.
Vận tải đường bộ và đường sắt cũng bị sụt giảm do ảnh hưởng lượng khách. Từ tháng 4/2020, thực hiện Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ về giãn cách xã hội, tuyến đường sắt Hà Nội – TP. HCM chỉ còn một đôi tàu khách SE3/SE4 hoạt động, ngành đường sắt chuyển sang vận chuyển bằng các đoàn tàu hàng và hình thức đặt hàng online. Trong lúc lượng hàng giảm dẫn đến nhu cầu về vận tải đường bộ giảm khoảng 30%, các tuyến vận chuyển đường bộ qua biên giới đều khó để kiếm được nhà cung cấp vận chuyển. Cửa khẩu Trung Quốc vốn đã thường xuyên bị quá tải, nay do ảnh hưởng dịch nên phát sinh lưu xe, dịch vụ thông quan bị cản trở, thủ tục xuất nhập khẩu phức tạp và mất thời gian hơn.
Tình hình hoạt động hàng hải tại khu vực cảng biển cũng không khả quan hơn. Quý I/2020, sản lượng hàng thông qua cảng của nhóm cảng chi phối ước đạt hơn 16,6 triệu tấn, bằng 96% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, so với cùng kỳ 2019, một số cảng trọng yếu có sản lượng sụt giảm mạnh như Hải Phòng chỉ đạt 75%, Sài Gòn đạt 85%. Sản lượng vận tải biển của Vinalines cũng sụt giảm nghiêm trọng khi chỉ đạt gần 4,7 triệu tấn, bằng 84% so với cùng kỳ năm 2019. Hàng container nội địa Bắc – Nam của Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam (Vosco) giảm mạnh với mức giảm từ 20% – 30% chiều từ Hải Phòng vào Sài Gòn. Trong quý II/2020, hoạt động dịch vụ của hàng hải bị tác động mạnh khi những mặt hàng chủ lực là may mặc, giày da, đồ gỗ hiện đang đóng góp khoảng 60% – 70% sản lượng xuất khẩu chuyên chở tuyến xa sẽ bị sụt giảm mạnh từ 30% – 50% do giảm nhu cầu tại châu Âu và Mỹ. Hàng gom từ các cảng khác về Cái Mép – Thị Vải để xuất khẩu đi thị trường Mỹ và châu Âu đang giảm khoảng 30% – 40%, khiến một loạt các tàu feeder (tàu gom hàng) đang trong cảnh “đói hàng”. Các hãng tàu như ONE, HMM và một số hãng tàu khác trên các tuyến chủ yếu từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản đều giảm tàu nối tất cả các tuyến.
Chỉ có con đường vượt khó
Một trong những mô hình cầm cự qua mùa dịch đáng quan tâm là việc ngành đường sắt tăng cường các dịch vụ vận chuyển hàng hóa trong mùa dịch thay cho hành khách. Ngoài đẩy mạnh vận chuyển hành lý, hàng bưu kiện, chuyển phát nhanh từ đặt hàng online theo tàu khách, còn có nhiều chuyến tàu hàng riêng, rút ngắn thời gian chạy tàu, vận chuyển và trả hàng hóa nhanh do không phải dừng, tránh tàu như trước. Mặt khác, các nguyên vật liệu đầu vào như apatit đến sản phẩm đầu ra như phân bón, hóa chất của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đều ký hợp đồng vận chuyển bằng đường sắt. Ngoài ra, tàu container lạnh liên vận quốc tế vận chuyển thanh long chạy đều đặn hàng tuần, thẳng từ ga Đồng Đăng sang ga Bằng Tường (Trung Quốc), khai thác từ tháng 02/2020 với lượng hàng ổn định, là sản phẩm vận tải logistics trọn gói, mở ra hướng xuất khẩu chính ngạch hàng trái cây và nông sản đông lạnh bằng đường sắt sang Trung Quốc và từ đó đi Trung Á, châu Âu.
Thật ra, trong các loại hình dịch vụ logistics, bất động sản công nghiệp như kho bãi, kho lạnh vẫn là điểm sáng, có những tăng trưởng bất chấp dịch bệnh. Các thị trường ngách trong lĩnh vực bất động sản công nghiệp được cho là sẽ hưởng lợi trong dài hạn từ các tác động của dịch bệnh, khi tình hình gia tăng tiêu dùng và hình thức phân phối bán lẻ đa kênh của thực phẩm tươi sống sẽ đẩy mạnh nhu cầu của các khách thuê đối với hệ thống kho lạnh trong những năm tới. Tuy nhiên, trong bối cảnh bùng phát dịch bệnh làm gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến và đẩy nhanh hình thức bán lẻ đa kênh, việc bổ sung nguồn cung nhà kho ở trong và xung quanh các khu vực đô thị lớn là rất cần thiết nhằm đáp ứng sự gia tăng đột biến về giao hàng chặng cuối.
Các khó khăn của doanh nghiệp logistics, đặc biệt là các doanh nghiệp tư nhân nhỏ, đã được ghi nhận. Các đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn mùa dịch đã được các hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp kiến nghị lên các cấp chính quyền. Vấn đề còn lại là sự kiên trì, linh hoạt đối phó của từng doanh nghiệp. Đối với các doanh nghiệp bản lĩnh, khó khăn cũng là “cơ hội” chuyển mình, tái cấu trúc và tận dụng lợi thế của công nghệ số để tạo nên thay đổi lớn về sản lượng, năng suất.