Cục Hàng hải Việt Nam vừa có ý kiến liên quan tới đề xuất tiếp nhận tàu trọng tải 200.148 DWT vào, rời bến cảng Container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) tại khu vực Cái Mép – Thị Vải của chủ đầu tư là Công ty Liên doanh Dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA.
Tàu trọng tải lớn làm hàng tại Cảng SSIT
Theo cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành hàng hải, Bến cảng SSIT được Cục Hàng hải Việt Nam công bố mở để tiếp nhận tàu có trọng tải đến 160.000DWT vào tháng 6/2021; Bộ GTVT chấp thuận chủ trương cho phép nghiên cứu, lập phương án tiếp nhận tàu có trọng tải đến 200.000DWT vào tháng 11/2017.
Trên cơ sở đó, chủ đầu tư đã phối hợp với đơn vị tư vấn tổ chức đánh giá kiểm định kết cấu bến cảng, được Cục Quản lý đầu tư xây dựng thẩm định và thông báo kết quả đánh giá khả năng tiếp nhận tàu trọng tải 199.273DWT.
Bộ GTVT cũng đã thống nhất chủ trương cho phép tổ chức thử nghiệm tiếp nhận tàu container trọng tải 199.273DWT vào, rời Bến cảng SSIT vào tháng 10/2022; Cục Hàng hải Việt Nam phê duyệt phương án bảo đảm an toàn hàng hải cho tàu container trọng tải trên 166.000DWT đến 199.273DWT vào, rời Bến cảng SSIT vào cuối tháng 11/2022.
Đối với đề nghị tiếp nhận tàu MSC JADE có trọng tải 200.148DWT vào, rời Bến cảng SSIT, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết, hiện nay, tại khu bến cảng container Cái Mép, Bộ GTVT cho phép nghiên cứu và đã tổ chức tiếp nhận thử nghiệm nhiều chuyến tàu có trọng tải đến 214.121 DWT giảm tải ra vào an toàn tại Bến cảng Quốc tế Cái Mép (tại phía thượng lưu của Bến cảng SSIT).
Ngoài ra, Bộ GTVT đã có văn bản số 5667/BGTVT-KHĐT ngày 16/6/2021 ủng hộ chủ trương điều chỉnh quy hoạch Bến cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link tiếp nhận tàu trọng tải đến 250.000DWT và văn bản số 2008/BGTVT-KCHT ngày 2/3/2023 thống nhất chủ trương cho phép tàu OOCL SPAIN có trọng tải đến 232.495DWT ra, vào bến cảng.
Hiện nay tuyến Luồng hàng hải Vũng Tàu – Thị Vải đoạn qua Bến cảng SSIT đã được công bố với cao độ đáy là -14,0m (Hải đồ).
Ngày 18/2/2023, Bộ GTVT đã khởi công Dự án đầu tư xây dựng công trình Nâng cấp tuyến luồng Cái Mép – Thị Vải từ phao số “0” vào khu bến cảng container Cái Mép, trong đó đoạn luồng qua Bến cảng SSIT có quy mô nạo vét đến cao độ -15,5m (Hải đồ), bề rộng luồng 350m, dự kiến hoàn thành thi công trong năm 2024 và đáp ứng cho tàu có trọng tải đến 200.000 DWT/18.000 TEU giảm tải hoặc lớn hơn (đáp ứng điều kiện an toàn hàng hải) khai thác một chiều.
Theo báo cáo của Công ty Liên doanh Dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA, đơn vị chủ đầu tư đã phối hợp với đơn vi tư vấn chuyên ngành thực hiện rà soát, tính toán, đánh giá khả năng đáp ứng của kết cấu hạ tầng bến cảng và so sánh với phương án bảo đảm an toàn hàng hải đã được phê duyệt nêu trên.
Theo đó, tàu MSC JADE có kích thước 398,45x59m nhưng khi vào, rời cảng chỉ chở lượng hàng giảm tải nhỏ hơn trọng tải của tàu 199.273DWT.
Được biết, Khu bến cảng container Cái Mép là khu vực cảng biển của Việt Nam đón các tàu container có trọng tải lớn nhất thế giới hiện nay để đi các tuyến xa (châu Âu, Mỹ) và đã được các hãng tàu nghiên cứu chi tiết các điều kiện an toàn của luồng lạch, cầu bến trước khi quyết định cho tàu vào thử nghiệm.
Nhằm nâng cao tính cạnh tranh của cảng container Việt Nam với các cảng khác trong khu vực và khai thác hiệu quả kết cấu hạ tầng bến cảng, Cục Hàng hải Việt Nam ủng hộ chủ trương với đề xuất nghiên cứu, tiếp nhận thử nghiệm tàu MSC JADE giảm tải ra, vào Bến cảng SSIT.
Để đảm bảo tiếp nhận tàu MSC JADE, chủ đầu tư cần phối hợp với đơn vi tư vấn chuyên ngành và các đơn vị liên quan rà soát, thực hiện phương án đảm bảo an toàn hàng hải, phương án lai dắt, quay trở và phương án theo dõi, quan trắc, xử lý kết cấu bến cảng… nhằm đảm bảo an toàn cho tàu ra, vào neo đậu, làm hàng tại bến cảng.
“Trường hợp được Bộ GTVT chấp thuận, Cục Hàng hải Việt Nam sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các cơ quan, đơn vị liên quan trong quá trình triển khai thực hiện tuân thủ các quy định của pháp luật, quy định tại Nghị định số 58/2017/NĐ-CP ngày 10/5/2017 của Chính phủ “Quy định chi tiết một số điều của Bộ luật hàng hải Việt Nam về quản lý hoạt động hàng hải” nhằm bảo đảm an toàn hàng hải, an ninh hàng hải, phòng chống cháy nổ và phòng ngừa ô nhiễm môi trường”, Cục Hàng hải Việt Nam cho biết.