Trước khi lên bờ và làm công tác quản lý tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, ông Bùi Mạnh Cường – Thuyền trưởng hạng I, nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý tàu biển và Ban Pháp chế & Quản trị rủi ro Tổng công ty, từng là một thuyền trưởng nhiều năm gắn bó với biển khơi.
Ông Bùi Mạnh Cường – Thuyền trưởng hạng I,
nguyên Phó Trưởng Ban Quản lý tàu biển và Ban Pháp chế & Quản trị rủi ro Tổng công ty
Nhớ về những ký ức Tết cổ truyền trên con tàu mình từng là thuyền trưởng, ông Bùi Mạnh Cường cho rằng, đó là những cái Tết hết sức đặc biệt với sỹ quan, thuyền viên.
“Tết cổ truyền dân tộc có một ý nghĩa thiêng liêng mà ngàn đời nay người Việt Nam vẫn giữ gìn và phát huy. Đối với một thuyền trưởng đương nhiên phải chuẩn bị một chuyến đi rất đầy đủ, trong đó có cả việc tổ chức cho anh em trên tàu vui đón Tết” – ông Bùi Mạnh Cường chia sẻ.
Mặc dù tàu đang hành trình trên biển, làm việc 24/24h nhưng trước khi đến Tết Nguyên đán, thuyền trưởng và Ban chỉ huy tàu phải tính toán và lên phương án bố trí cho thuyền viên nghỉ ngơi, đón giao thừa mà không ảnh hưởng đến hoạt động khai thác con tàu và kế hoạch khai thác của Công ty, Tổng công ty.
Ông Bùi Văn Cường say sưa nhớ về ký ức Tết trên những con tàu hành trình trên biển.
“Đón Tết với người ở đất liền là điều vốn dĩ bình thường nhưng với những thuyền viên quanh năm sống trên biển thì có ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, quan trọng. Do đó, người thuyền trưởng những lúc này như người chủ gia đình, phải quán xuyến công việc làm sao để mang Tết và không khí xuân về cho thuyền viên trên tàu” – ông Bùi Mạnh Cường kể.
Nếu tàu xuất phát từ Việt Nam vào dịp trước Tết Nguyên đán thì công tác chuẩn bị nhu yếu phẩm rất thuận lợi. Những nhu yếu phẩm như lá dong, gạo nếp, lạt buộc, cành đào… đều được Ban chỉ huy tàu giao nhiệm vụ cho bộ phận liên quan chuẩn bị đầy đủ. Các thuyền viên cũng chủ động chuẩn bị để đón Tết vui tươi trên tàu. Trên tàu còn có kho thực phẩm bảo quản tất cả những nhu yếu phẩm đó.
Nhưng việc chuẩn bị nhu yếu phẩm đón Tết trên tàu sẽ gặp khó khăn hơn khi tàu xuất phát từ một cảng không phải ở Việt Nam. Nếu tàu đến vùng gặp khó khăn về cung cấp thực phẩm vào đúng dịp Tết Nguyên đán thì thuyền trưởng phải dự liệu được. Khi ấy, vấn đề chuẩn bị vật tư, nhu yếu phẩm rất khó khăn. Có những lần, tàu phải tìm một loại lá khác thay thế lá dong để gói bánh chưng.
Những con tàu của Việt Nam ngày càng được trang bị hiện đại hơn
“Qua nhiều năm làm thuyền viên cấp thấp trên tàu treo cờ Việt Nam cho đến tàu cấp cao treo cờ nước ngoài cùng với cuộc sống trên biển rất khắc nghiệt đã tạo cho tôi thói quen chuẩn bị kỹ lưỡng cho mỗi hành trình” – ông Bùi Mạnh Cường nhớ lại.
Trong nhiều lần chuẩn bị đón Tết cùng anh em trên tàu, ông nhớ nhất là lần cập Cảng Cape Town (Nam Phi). Bởi với thuyền viên, việc chăm lo đời sống không chỉ về nhu yếu phẩm, vật chất mà còn phải quan tâm đến yếu tố tinh thần. Vào thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, ai cũng mong được nghe tiếng người thân, dù chỉ là qua điện thoại.
Vào thời điểm đó, việc liên lạc từ Cape Town về Việt Nam rất khó khăn, trong khi ngày Tết cận kề. Trên tàu có trang bị đàm thoại quốc tế vệ tinh có thể liên lạc khắp toàn thế giới. Tuy nhiên, chi phí liên lạc nếu không vào thời gian nghỉ thì rất đắt đỏ. Do vậy, Ban chỉ huy tàu đã giao cho sỹ quan TVD khai thác tối đa tính năng giảm giá của hệ thống này. Từ đó xin ký kiến thuyền trưởng để đăng ký cho thuyền viên gọi về nhà.
Những cuộc điện thoại ngắn ngủi đó với thuyền viên vào dịp Tết đến, Xuân về là vô cùng quý giá. Khi đi làm cho tàu nước ngoài ở một nơi rất xa xôi, có thể là từ bên kia quả đất, mà có thể gọi được về nhà, nói chuyện với người thân sẽ làm cho người đi biển vững lòng, không còn cảm thấy trống vắng.
“Ngày nay, các tàu đều được trang bị phương tiện hiện đại. Nhưng đối với tàu Việt Nam, thời kỳ đó việc liên lạc còn rất khó khăn. Muốn gọi được về nhà, thuyền viên chỉ có thể lên bờ và sử dụng mạng liên lạc trên đất liền” – ông Cường nói.
Hiện nay, Công ước Lao động Hàng hải (MLC 2006) mà Việt Nam là thành viên quy định trách nhiệm của chủ tàu phải trang bị phương tiện đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho thuyền viên trên tàu. Về thời gian đi biển tối đa theo quy định của Công ước là 10 tháng. Đồng thời chủ tàu phải đảm bảo nhu cầu về thực phẩm, thông tin liên lạc… Do vậy, đời sống của thuyền viên ngày càng được nâng lên.
Cuộc sống khó khăn chủ yếu về đời sống tinh thần do xa đất liền, xa gia đình, thiếu thốn tình cảm. Sự xa xôi, cách trở giữa thuyền viên với đất liền không còn như xưa nhờ sự kết nối qua internet, mạng xã hội. Từ đó khiến người đi biển vơi nỗi cô đơn.
Đội ngũ thuyền viên luôn được các cấp lãnh đạo Tổng công ty quan tâm động viên, hỗ trợ để yên tâm công tác
Dịch bệnh Covid-19 khiến việc tổ chức đón Tết cho thuyền viên gặp khó khăn hơn do biện pháp cách ly mà các nước áp dụng. Việc thay thế thuyền viên mất nhiều thời gian, công sức và chi phí khiến nhiều thuyền viên không thể về nhà đón Tết bên gia đình.
“Tuy nhiên, dịch bệnh đã bùng phát hơn 1 năm. Và chắc chắn với tinh thần, nghị lực của người lao động hàng hải, thuyền viên sẽ có sự thích ứng với môi trường mới và có thể tổ chức đón Tết trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn nhưng vẫn vui tươi” – ông Bùi Mạnh Cường nói.