Ngày 26/01/2021, Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đã khai mạc tại Trung tâm hội nghị Quốc gia, Hà Nội, với sự tham dự của 1.587 đại biểu.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội Đảng lần thứ XIII.
Trong 08 ngày làm việc, Đại hội XIII sẽ thảo luận và thông qua Báo cáo chính trị – Văn kiện trung tâm, cùng các báo cáo chuyên đề tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng Chiến lược 2021-2030; đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 và phương hướng, nhiệm vụ 2021-2025. Ngoài ra, Đại hội XIII cũng sẽ thảo luận và thông qua các báo cáo: Tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng của Ban chấp hành Trung ương khóa XII; Kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Đại hội XIII sẽ bầu Ban chấp hành Trung ương khóa XIII (nhiệm kỳ 2021-2026) – cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng giữa hai kỳ Đại hội. Ban chấp hành Trung ương khóa mới dự kiến có 200 người, gồm 180 uỷ viên chính thức và 20 uỷ viên dự khuyết.
Đồng chí Lê Anh Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty Hàng hải Việt Nam là đại diện của Đảng bộ Tổng công ty Hàng hải Việt Nam dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, đây là lần thứ 2 liên tiếp đồng chí được tín nhiệm bầu làm đại biểu tham dự Đại hội đại biểu toàn quốc của Đảng.
Sau lễ khai mạc, Đại hội đã nghe Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII, báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương khoá XII. Báo cáo nêu rõ: “…Chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta là đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, phát triển nhanh và bền vững đất nước; bảo đảm gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó phát triển kinh tế-xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.
Động lực và nguồn lực phát triển quan trọng của đất nước là khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và nền văn hóa, con người Việt Nam; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, ứng dụng mạnh mẽ khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất…”
Cụ thế hóa quan điểm phát triển kinh tế biển của Đảng
Với hơn 3.200 km đường bờ biển, nằm ở vị trí giao thông huyết mạch, một trong những tuyến đường hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới, Việt Nam có điều kiện tự nhiên rất lớn để phát triển kinh tế biển. Hội nghị lần thứ tám BCH Trung ương Đảng Khóa XII tháng 10 năm 2018 đã thông qua Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu từng bước đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, dựa vào biển và hướng ra biển. Phấn đấu đến năm 2030 đạt các mục tiêu cơ bản về phát triển bền vững kinh tế, xã hội và môi trường biển, vùng ven biển và hải đảo.
Ban Chấp hành Trung ương cũng đánh giá trong giai đoạn 2010-2020, lĩnh vực kinh tế hàng hải đã có bước phát triển đáng kể, giá trị sản lượng của ngành vận tải biển, dịch vụ cảng biển và đóng tàu đã liên tục gia tăng. Đội tàu biển Việt Nam với tổng trọng tải khoảng 9,3 triệu tấn đang đứng thứ 4 trong khu vực ASEAN và thứ 30 trên thế giới. Tuổi tàu bình quân là 15,5 tuổi, trẻ hơn gần 6 tuổi so với bình quân của thế giới. Sản lượng hàng hóa thông qua hệ thống cảng biển tăng đều theo các năm (năm 2015 đạt 427,3 triệu tấn thì đến năm 2020 đạt gần 690 triệu tấn).
Tại Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021- 2030 của BCH Trung ương cũng đã chỉ rõ nhưng hạn chế trong phát triển hạ tầng giao thông trong đó có hệ thống cảng biển“… Kết cấu hạ tầng giao thông chưa đồng bộ, tính kết nối giữa các loại hình vận tải chưa cao. Đầu tư mới tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đường bộ, chưa quan tâm đúng mức đến đường sắt, đường thuỷ…”, “… Hệ thống phân phối còn bất cập, chưa kết nối hiệu quả, thông suốt từ khâu sản xuất đến tiêu thụ, chi phí logistics cao hơn mức bình quân thế giới…”.
Tiếp tục khẳng định vai trò của kinh tế biển đối với sự phát triển của đất nước, tại dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng có nêu rõ “… Thực hiện tốt Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển, kết hợp chặt chẽ với bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền biển, đảo, tài nguyên, môi trường biển; phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, thích ứng với biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống nhân dân vùng biển, đảo. Tổ chức tốt việc xây dựng và quản lý thống nhất quy hoạch không gian biển quốc gia, hoàn thiện cơ chế quản lý tổng hợp và chuyên ngành về biển, đảo. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật trên biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đẩy mạnh phát triển và nâng cao hiệu quả các ngành kinh tế biển…”, “…Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đột phá chiến lược về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại. Tập trung ưu tiên đầu tư, sớm đưa vào sử dụng các công trình, cụm công trình, dự án hạ tầng trọng điểm về giao thông đường bộ, đường sắt, đường biển, đường không kết nối các vùng, khu vực …”
Trong chiến lược phát triển triển được nêu tại Báo cáo tổng kết thực hiện chiến lược phát triển kinh tế – xã hội 10 năm 2011-2020, xây dựng chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm 2021- 2030, Ban Chấp hành Trung ương đã xác định mục tiêu và nhiệm vụ “… Đến năm 2030, phấn đấu cả nước có khoảng 5.000 km đường bộ cao tốc, trong đó đến năm 2025 hoàn thành đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông. Xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và mở rộng Cảng hàng không quốc tế Nội Bài. Đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống cảng biển. Triển khai xây dựng một số đoạn đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam. Kết nối đồng bộ hệ thống giao thông với các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng hàng không, cảng biển…”
Cụ thể đối với lĩnh vực cảng biển và logistics đó là “…Tiếp tục xây dựng khu vực Hải Phòng – Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển, là cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ gắn với cảng quốc tế Lạch Huyện….”, “với vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung,… Phát huy hiệu quả các hành lang kinh tế Đông – Tây, phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá …”, “… Tập trung phát triển cảng biển container Cái Mép – Thị Vải thực sự trở thành cảng trung chuyển quốc tế…”.
Nhận thức sâu sắc những quan điểm chỉ đạo của Đảng, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực hàng hải của Việt Nam sẽ tiếp tục cụ thể hóa bằng những chiến lược phát triển của mình.
Cuối năm 2020, Cảng Container Quốc tế Cái Mép (CMIT) của Tổng công ty đã tiếp nhận thành công tàu container lớn nhất thế giới Margrethe Maersk trọng tải 20.000 teus tương đương 214.121 tấn, khẳng định sự đúng đắn về chức năng, nhiệm vụ của cụm cảng nước sâu Cái Mép, cảng cửa ngõ và là trung tâm trung chuyển quốc tế mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã đề ra. Tiếp tục chiến lược xây dựng và khai thác hiệu quả các cảng nước sâu, cảng trung chuyển quốc tế, Tổng công ty sẽ đầu tư xây dựng 02 bến tại Lạch Huyện (bến số 3,4) có thể tiếp nhận tàu có sức chở đến 8.000 Teus.
Về phát triển đội tàu vận tải biển, Tổng công ty tiếp tục củng cố và phát triển đội tàu container đồng thời với trẻ hóa, hiện đại hóa tàu hàng khô bằng các phương thức thuê/thuê mua tàu. Phát triển dịch vụ logistics trọn gói chất lượng cao trên cơ sở tích hợp thế mạnh trong 3 lĩnh vực là khai thác cảng biển, vận tải biển và dịch vụ hàng hải.
Tiếp tục phát huy vai trò lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức đảng; kiện toàn bộ máy tổ chức và quản trị doanh nghiệp dưới mô hình công ty cổ phần theo hướng phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế; nâng cao hiệu quả kinh doanh, phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và đầu tư phát triển, đảm bảo hoạt động ổn định và tăng trưởng; bảo toàn, phát triển vốn và các nguồn lực Nhà nước giao; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ và năng suất lao động và hiệu quả kinh doanh; chú trọng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, hình thành đội ngũ cán bộ có năng lực, trình độ cao; trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo, phát huy mọi nguồn lực nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong kinh doanh, đảm bảo bắt kịp được xu thế phát triển ngành hàng hải của khu vực và thế giới.
Mục tiêu đến năm 2025: là đơn vị hàng đầu trong cung cấp dịch vụ chuỗi logistics trọn gói tại Việt Nam trên cơ sở khai thác tối ưu và tạo lập những lợi thế cạnh tranh hiện hữu và tiềm tàng. Phấn đấu đến năm 2030, giữ vị trí số 1 của ngành hàng hải Việt Nam, có thương hiệu và năng lực cạnh tranh cao trong khu vực Châu Á và có phạm vi hoạt động toàn cầu.
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Lê Anh Sơn, thuộc đoàn đại biểu Khối doanh nghiệp Trung ương tham dự Đại hội Đảng lần thứ XIII.