Bộ Giao thông vận tải đang dự thảo Nghị định quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Bộ Giao thông vận tải cho biết, diễn biến từ nền kinh tế toàn cầu những năm qua đã có tác động sâu sắc và rõ rệt đến thị trường vận tải biển nói chung và ngành công nghiệp tàu thủy nói riêng, hiện ngành công nghiệp tàu thủy vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu, ảnh hưởng của thời gian dài đầu tư dàn trải, mất cân đối giữa sửa chữa và đóng mới, giữa các gam tàu, chủng loại tàu và nhu cầu đóng mới tàu rất ít. Theo nhận định thì ngành công nghiệp tàu thuỷ sẽ tiếp tục gặp khó khăn trong 3 đến 5 năm tới. Các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất kinh doanh vì thiếu việc làm, việc kinh doanh thua lỗ, lãng phí tài sản, cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị, công nghệ đã được đầu tư; có doanh nghiệp lâm vào tình trạng phá sản, chờ giải thể. Đứng trước những thách thức nêu trên, ngày 23/6/2014 Quốc hội đã thông qua Luật Bảo vệ môi trường, trong đó cho phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ, mở ra hướng đi và tháo gỡ khó khăn cho ngành công nghiệp tàu thủy của Việt Nam trong đó có các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy.
Trên cơ sở Luật bảo vệ môi trường năm 2014, ngày 26/11/2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 114/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2015) nhằm quy định cụ thể đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ và quản lý hoạt động phá dỡ tàu biển tại Việt Nam.
Trong quá trình thực thi Nghị định số 114/2014/NĐ-CP, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành một số văn bản quy phạm pháp luật có điều khoản sửa đổi, trùng lặp, xung đột hoặc bãi bỏ một số quy định về đối tượng, điều kiện được phép nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng, như: (1) Luật số 35/2018/QH14 năm 2018: bãi bỏ quy định về quy hoạch cơ sở phá dỡ tàu biển và quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về cơ sở phá dỡ tàu biển tại Điều 46 và khoản 1 Điều 48 của Bộ luật hàng hải Việt Nam; (2) Nghị định số 147/2018/NĐ-CP: sửa đổi quy định về doanh nghiệp phá dỡ tàu biển và quy định về điều kiện đưa cơ sở phá dỡ tàu biển vào hoạt động tại khoản 1 Điều 7 và Điều 12 của Nghị định số 114/2014/NĐ-CP; (3) Nghị định số 19/2015/NĐ-CP: quy định chi tiết tại Chương V các điều kiện, yêu cầu về bảo vệ môi trường đối với hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng; (4) Nghị định số 18/2015/NĐ-CP: quy định chi tiết thủ tục, thời điểm xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành; (5) Nghị định 40/2019/NĐ-CP ngày 13/5/2019 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật bảo vệ môi trường, trong đó có sửa đổi quy định về bảo vệ môi trường đối với cơ sở phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Ngoài ra, thủ tục cấp, cấp lại và thu hồi Giấy phép nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ hiện được quy định trong Thông tư số 37/2015/TT-BGTVT ngày 28/7/2015 của Bộ Giao thông vận tải là chưa phù hợp với Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.
Do đó, việc tổ chức thực hiện Nghị định số 114/2014/NĐ-CP gặp nhiều khó khăn, bất cập và đến nay chưa có cơ sở phá dỡ tàu biển nào được công bố, cho phép thực hiện phá dỡ theo quy định của Nghị định.
Bộ Giao thông vận tải đã dự thảo Nghị định quy định về nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng nhằm thay thế Nghị định số 114/2014/NĐ-CP và Điều 4 Nghị định số 147/2018/NĐ-CP, tạo cơ sở pháp lý thống nhất để Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng, nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao và hỗ trợ doanh nghiệp trong hoạt động nhập khẩu, phá dỡ tàu biển đã qua sử dụng.
Dự thảo gồm 5 chương, 23 điều. Bên cạnh những quy định chung, dự thảo đề xuất quy định về điều kiện nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; thủ tục nhập khẩu tàu biển đã qua sử dụng để phá dỡ; quản lý hoạt động của cơ sở phá dỡ tàu biển; phương án phá dỡ tàu biển…
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.
Báo Chính phủ