Theo lãnh đạo Hiệp hội Logistics Việt Nam, để đối phó với việc chi phí nhiên liệu tăng, các doanh nghiệp vận tải phải thực hiện nhiều giải pháp để tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên các giải pháp này đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến các hợp đồng dịch vụ của các doanh nghiệp.
Các chuyên gia chia sẻ nhận định tại Tọa đàm
Những biến động không ngừng của giá xăng dầu thời gian qua đã tác động trực tiếp tới thu nhập, chi tiêu và đời sống của người dân cũng như doanh nghiệp do giá thành sản xuất và phân phối sản phẩm hàng hóa và dịch vụ tăng cao, làm tăng CPI.
Tại thị trường Việt Nam, theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu tăng 10% thì sẽ khiến lạm phát tăng 0,36 điểm phần trăm và tăng trưởng kinh tế giảm 0,5 điểm phần trăm. Trong khi đó, giá xăng dầu trong nước phụ thuộc rất lớn vào giá xăng dầu thế giới vì nguồn cung xăng dầu trong nước không đáp ứng đủ nhu cầu của nền kinh tế.
Theo các chuyên gia, dù giá xăng dầu thế giới có xu hướng giảm trong thời gian gần đây và đã giảm khoảng 30% so với mức đỉnh hồi tháng 3, nhưng vẫn duy trì ở mức cao và áp lực tăng giá với xăng dầu vẫn hiện hữu, nhất là khi nguồn cung đang dần bị thu hẹp và châu Âu sắp đối mặt với mùa đông khắc nghiệt, cần tăng dự trữ xăng dầu, khí đốt.
Trong kịch bản tiêu cực giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng
Tại tọa đàm “Biến động giá dầu và kịch bản ứng phó cho ổn định và phát triển” sáng 8/9, ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, dự báo giá dầu thời gian tới vẫn duy trì ở mức cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường.
Trên cơ sở đánh giá xu hướng cung-cầu và triển vọng tăng trưởng toàn cầu, một số tổ chức quốc tế cho rằng giá dầu sẽ đạt dao động bình quân 100-115 USD/thùng năm 2022, cao hơn khoảng 40-60% so với năm 2021, và giảm về mức 92 USD/thùng năm 2023 và 80 USD/thùng vào năm 2024.
Thậm chí, theo đánh giá của Ngân hàng Mỹ (BoA) và Morgan Stanley, trong kịch bản tiêu cực, giá dầu có thể lên mức 150 USD/thùng nếu xuất khẩu dầu của Nga giảm mạnh.
Theo ông Lê Tuấn Anh, xăng dầu hiện là mặt hàng chiến lược, là “máu” của nền kinh tế, chiếm tỷ trọng chiếm từ 40%-45% trong cơ cấu giá thành vận tải, chiếm 3,52% trong tổng chi phí sản xuất của toàn bộ nền kinh tế và chiếm 1,5% trong tổng chi cho tiêu dùng cuối cùng của hộ gia đình
Khi giá xăng dầu tăng làm cho giá hàng hoá và dịch vụ tăng theo. Bình quân 8 tháng đầu năm, giá xăng dầu trong nước tăng 45,33% so với cùng kỳ năm trước, tác động làm CPI chung tăng 1,63 điểm phần trăm.
“Theo tính toán, nếu giá dầu thô thế giới bình quân năm 2022 ở mức 100-125 USD/thùng, thì xăng dầu trong nước tăng bình quân từ 40-75%, khi đó chỉ riêng yếu tố xăng dầu tác động làm lạm phát của nền kinh tế tăng từ 1,44-2,7%”, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp cho biết.
Ông Lê Tuấn Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư
Trong bối cảnh giá xăng dầu vẫn biến động không ngừng, ông Lê Tuấn Anh cho rằng cần có những kịch bản ứng phó, để nền kinh tế giữ vững mức tăng trưởng ổn định, bền vững.
Theo đó, thời gian qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chính sách, giải pháp điều hành ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ doanh nghiệp và đã thu được một số kết quả tốt.
Tuy nhiên, để có thể thích ứng với chi phí xăng, dầu tăng, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Công nghiệp cho rằng, ngoài việc điều chỉnh giá bán một số sản phẩm cho phù hợp, doanh nghiệp cũng nên triển khai thực hiện đồng thời một số giải pháp như tận dụng, tiết kiệm nguyên vật liệu ở mức tối đa nhằm có thể giảm bớt một phần chi phí, tăng cường quản lý, giám sát quá trình sản xuất kinh doanh chặt chẽ hơn, hạn chế thất thoát.
Đồng thời, đàm phán với đơn vị vận chuyển (xe thuê ngoài) để không tăng cước vận chuyển quá cao; tìm kiếm thêm các nhà cung cấp nguyên vật liệu khác để có chất liệu tốt, giá thành biến động ít nhất; đầu tư cải tiến dây chuyền để cải thiện môi trường làm việc và tăng năng suất để hạn chế chi phí đội giá thành sản phẩm.
Bên cạnh đó, theo ông Tuấn Anh, Chính phủ cần có giải pháp tổng thể, nâng cao năng lực dự trữ xăng, dầu, đồng thời nâng cao năng lực khai thác lọc hóa dầu trong nước để đảm bảo nguồn cung cấp dài hạn cho nền kinh tế, giảm bớt việc lệ thuộc vào sức tăng của giá xăng, dầu thế giới, để ổn định và phát triển nền kinh tế trong nước.
“Cơ quan điều hành cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu, cân nhắc giảm thuế giá trị gia tăng với mặt hàng xăng dầu đến hết năm 2022 và thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước”, ông Lê Tuấn Anh đề xuất.
Ứng phó của doanh nghiệp
Giá xăng dầu tăng cao gây ảnh hưởng nặng tới hoạt động của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp trong ngành vận tải, logistics.
Ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam phát biểu tại buổi tọa đàm
Theo ông Lê Quang Trung, Phó chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, đối với hoạt động vận tải nói chung và vận tải biển nói riêng, chi phí nhiên liệu chiếm tỷ trọng từ 30 – 40% chi phí khai thác tàu. Do đó, giá nhiên liệu liên tục tăng cao sẽ làm tăng chi phí và ảnh hưởng rất lớn đến kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp này, đặc biệt trong bối cảnh các doanh nghiệp vừa vực dậy sau đại dịch COVID-19.
Ông Lê Quang Trung cho biết, để đối phó với việc chi phí nhiên liệu tăng, các doanh nghiệp vận tải buộc phải xem xét lại tốc độ khai thác tàu hợp lý để tiết kiệm nhiên liệu, kiểm soát chặt chẽ hơn định mức tiêu thụ nhiên liệu, tính toán phương án tuyến khai thác hợp lý, mở các tuyến vận tải mới chạy trực tiếp, áp dụng nâng cao hàm lượng công nghệ trong cơ cấu dịch vụ… để có thể giảm thiểu chi phí khai thác.
“Tuy nhiên các biện pháp điều chỉnh, ví dụ như điều chỉnh giảm tốc độ tàu sẽ ảnh hưởng lớn đến toàn bộ quy trình khai thác, khả năng đàm phán lựa chọn các hợp đồng có giá cước cao, cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến các hợp đồng dịch vụ cam kết dài hạn”, ông Trung chia sẻ.
Lãnh đạo Hiệp hội Logisitics Việt Nam cho biết, các doanh nghiệp rất cần có sự hỗ trợ từ các cơ quan chức năng trong việc bình ổn giá nhiên liệu trong nước, giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường.
Ông đề nghị Chính phủ tiếp tục các biện pháp giảm thuế và ổn định giá xăng dầu ít nhất là hết quý 2/2023 nhằm giúp doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vận tải logistics khôi phục và ổn định sản xuất, giảm chi phí logistics, vì các chi phí vận tải chiếm khoảng 60% chi phí logistics.
Ở vai trò là trung gian giữa bên mua và bên bán, ông Nguyễn Đức Dũng, Phó tổng giám đốc Sở giao dịch Hàng hóa Việt Nam đưa ra một số lời khuyên cho doanh nghiệp để bình ổn sản xuất trong bối cảnh giá dầu bấp bênh.
Theo ông Nguyễn Đức Dũng, trên thế giới, các doanh nghiệp xăng dầu thường dùng các công cụ bảo hiểm giá, thông qua các hợp đồng tương lai, hợp đồng quyền chọn để chốt giá nhập khẩu, xuất khẩu theo chu kỳ vài tháng, thậm chí vài năm. Điều này khiến giá đầu vào và đầu ra được ổn định, và khi giá biến động, họ có nhiều “room” để điều tiết thị trường hơn.
“Tôi kỳ vọng chúng ta sớm đồng bộ chính sách của các bộ ban ngành, để doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu có thể tự tin sử dụng những công cụ bảo hiểm giá một cách hiệu quả. Hiện vẫn còn nhiều vướng mắc về mặt cơ chế để có thể thực hiện một cách hiệu quả công cụ bảo hiểm giá này”, ông Dũng nói.
Nhìn rộng ra về các giải pháp để hạn chế tác động của sự tăng giá xăng dầu với người dân, doanh nghiệp, TS. Lương Văn Khôi, Phó giám đốc Trung tâm thông tin và dự báo kinh tế xã hội quốc gia, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, cần tính toán các dư địa để tiếp tục giảm thuế, phí trong giá bán lẻ xăng dầu hiện nay. Đặc biệt, cần cân nhắc giảm thuế VAT với mặt hàng xăng dầu tới hết năm 2022 và/hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế nhập khẩu với xăng dầu như kinh nghiệm của các nước.
Cùng với đó, cần tăng cường kiểm soát giá cả thị trường, yêu cầu doanh nghiệp công khai, minh bạch về giá cả, có các chế tài xử lý nghiêm việc giá các mặt hàng tiêu dùng tăng theo giá xăng dầu không hợp lý. Cần có giải pháp tổng thể đảm bảo nguồn cung xăng dầu (cả trong nước và nhập khẩu), điều tiết hệ thống phân phối, tránh đứt đoạn nguồn cung ảnh hưởng tới đời sống người dân và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, theo ông Khôi cần kết hợp đồng bộ chính sách tiền tệ, tài khóa và chính sách kiểm soát giá để giảm thiểu tác động đến lạm phát khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế.