Các dịch vụ logistics (vận tải, hỗ trợ vận tải) là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý trong Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) theo hướng mở cửa mạnh hơn đáng kể so với Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Vì thế các doanh nghiệp (DN) cung cấp và sử dụng dịch vụ logistics cần hiểu và nắm vững về các cam kết trong EVFTA, tận dụng các cơ hội và vượt qua thách thức là nội dung chính của hội thảo “Ngành logistics Việt Nam trước cơ hội và thách thức từ Hiệp định EVFTA” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Viện FNF tổ chức, ngày 24/10.
Nhiều cơ hội mang lại từ EVFTA
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO và hội nhập của VCCI – cho biết, các dịch vụ logistics như vận tải, hỗ trợ vận tải, dịch vụ vận tải thủy nội địa, vận tải đường bộ, đường sắt, hàng không… là những dịch vụ có các cam kết đáng chú ý trong EVFTA theo hướng mở cửa mạnh hơn so với WTO. Dự báo, EVFTA sẽ giúp gia tăng nhu cầu sử dụng dịch vụ logistics và có tác động đáng kể đến triển vọng thị trường và ngành logistics Việt Nam.
Có thể thấy, tác động của EVFTA đối với triển vọng phát triển ngành logistics được thể hiện ở hai góc độ. Góc độ thứ nhất là từ cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực dịch vụ vận tải và phục vụ vận tải. Góc độ thứ hai là cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics. Cụ thể, các cam kết trong lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics bao gồm: nguồn cầu dịch vụ, chất lượng dịch vụ và việc thực hiện dịch vụ. Ví dụ như cam kết loại bỏ thuế quan để gia tăng hoạt động xuất nhập khẩu, mở cửa thị trường mua sắm công đối với các gói thầu cơ sở hạ tầng hoặc kiểm soát biên giới với sản phẩm sở hữu trí tuệ…
Bên cạnh đó khi Việt Nam thực hiện các cam kết về thể chế nhằm tạo thuận lợi thương mại, rút ngắn thời gian làm thủ tục xuất nhập khẩu hàng hóa, tăng cường chất lượng cơ sở hạ tầng, chi phí kinh doanh sẽ giảm. Đồng thời, EVFTA cũng khiến giá mua các phương tiện vận tải, các loại máy móc, thiết bị, công nghệ phục vụ hoạt động logistics nhập khẩu từ EU giảm do cam kết loại bỏ thuế quan của Việt Nam. Cuối cùng là cơ hội tiếp cận thị trường dịch vụ logistics các nước thành viên EU (đặc biệt là dịch vụ vận tải biển và dịch vụ hàng không quốc tế).
DN phải nắm vững các cam kết và nâng cao năng lực cạnh tranh
Ông Trần Ngọc Liêm – Phó Giám đốc VCCI chi nhánh TP. Hồ Chí Minh cho biết – sự chênh lệch giữa trình độ phát triển giữa các DN logistics của EU và Việt Nam sẽ tạo ra một sự cạnh tranh khốc liệt. Các nhà cung cấp dịch vụ EU vốn rất mạnh trong lĩnh vực logistics, với các công ty đa quốc gia, các đội tàu lớn hiện đại, chiếm thị phần đáng kể trên thị trường logistics thế giới. Hơn nữa, thị trường dịch vụ logistics tại các nước EU vốn đầy hứa hẹn nhưng lại đòi hỏi cao về chất lượng dịch vụ và các ràng buộc pháp lý gián tiếp (về nhập cảnh, về quốc tịch của người lao động…) nên việc đáp ứng tiêu chuẩn thị trường không hề đơn giản. Song từ phía các DN logistics Việt Nam cũng đón nhận nhiều cơ hội thuận lợi mang lại từ việc thực thi cam kết EVFTA như nguồn vốn đầu tư, cơ hội hợp tác, công nghệ mới giúp DN Việt nâng cao năng lực cạnh tranh, thu hẹp chi phí logistic trong tổng chi phí sản xuất.
Để có thể tận dụng được các cơ hội cũng như hạn chế tối thiểu các thách thức từ EVFTA, bà Nguyễn Thị Lan Phương – Vụ chính sách Thương mại đa biên – Bộ Công Thương – cho hay, các DN cần phải hiểu đúng, hiểu rõ trong các nội dung cam kết của EVFTA để có sự chuẩn bị tiếp cận với thị trường, để hiểu được sân chơi chung. Bên cạnh đó, các DN cần phải nâng cao năng lực cạnh tranh của mình về nguồn nhân lực, áp dụng công nghệ thông tin, nâng cao kỹ năng quản lý trong lĩnh vực này để đem đến hiệu quả cao hơn, từ đó, giúp cho DN thu được những giá trị gia tăng cao hơn trong chuỗi cung ứng hàng hóa.
Theo Báo cáo Chỉ số năng lực logistics (LPI) năm 2018 của Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, Việt Nam xếp hạng 39/160 quốc gia tham gia điều tra. Kết quả này đã tăng 25 bậc so với xếp hạng 64 năm 2016. Việt Nam có thứ hạng đứng đầu trong các thị trường mới nổi. Hạng mục có mức tăng cao nhất là năng lực chất lượng dịch vụ (xếp hạng 33, tăng 29 bậc), và khả năng theo dõi, truy xuất hàng hoá (xếp hạng 34, tăng 41 bậc). Kết quả đó cho thấy việc cải thiện năng lực của DN logistics đang có những bước tiến đáng ghi nhận.
Báo Công Thương