Dù Tết Nguyên Đán đã kết thúc từ vài tuần trước, trên con đường cao tốc hướng tới Cảng Container Quốc tế Yantian (YICT), Thẩm Quyến, Trung Quốc, có thể dễ dàng thấy hàng dài xe tải trống đỗ dọc bên đường…
Container rỗng chất đống tại nhiều cảng biển tại Trung Quốc
“Đây chỉ là một phần nhỏ trong rất nhiều xe tải trống nằm không. Số còn lại phải đỗ ở Đông Quan”, một tài xế họ Huang cho biết, đề cập tới một thành phố khác ở tỉnh Quảng Đông, cách Yantian khoảng một giờ lái xe. Yantian là một trong những cảng container lớn nhất dành cho hoạt động ngoại thương tại Trung Quốc.
Huang là một trong những tài xế may mắn khi vừa bốc dỡ một container xuống cảng gần đây. Ông cho biết cảng có hơn 15.000 tài xế xe tải đăng ký hoạt động, nhưng hiện chỉ khoảng 2.000 người có việc làm.
MỘT NĂM KHÓ KHĂN TRƯỚC MẮT
“Tôi có cảm giác thị thị trường xuất khẩu năm nay sẽ có một năm tồi tệ nhất từ trước đến nay”, ông nói. “Tôi mới nghe được rằng nhiều ông chủ nhà máy cho biết họ không thể xuất khẩu hàng điện tử vì khách hàng nước ngoài không đặt hàng và nhiều nhà máy đã chuyển sang khu vực Đông Nam Á”.
Theo các nhà phân tích, trong khi Trung Quốc vẫn đang cố gắng thúc đẩy cỗ máy tăng trưởng kinh tế sau gần 3 năm thực hiện các biện pháp phòng chống dịch hà khác, lĩnh vực xuất khẩu – một trong những động lực kinh tế chính trong đại dịch – đang đối mặt nhiều khó khăn do nhu cầu toàn cầu suy yếu và căng thằng địa chính trị leo thang.
Với nhiều tài xế xe tải, tình trạng trì trệ tại cảng Yantian hoàn toàn trái ngược với hai năm trước. Năm 2021, không dễ để tìm được một container vì lượng hàng hóa cần vận chuyển quá nhiều. Khi đó thậm chí còn xảy ra cuộc khủng hoảng thiếu container rỗng. Nhưng giờ đây, hàng loạt container rỗng đang bám đầy bụi và được đặt ở mọi không gian trống xung quanh cảng.
Hàng dài xe tải trống nằm không trên đường cao tốc hướng tới Cảng Container Quốc tế Yantian (YICT)
“Những năm trước, ở đây không có container rỗng nào hết”, một tài xế xe tải tên Xu chia sẻ, chỉ vào khu vực bên ngoài cổng thu phí tự động của cảng Yantian, nơi container rỗng đang được chất đống cao tới bảy chiếc. “Nhưng từ nửa cuối năm ngoái, container rỗng bắt đầu được chất đống ở đây và bây giờ thậm chí không thể chồng cao hơn nữa vì cần cẩu chỉ có thể xếp được 7 tầng”.
Tháng 11 năm ngoái, ban quản lý cảng Yantian phát đi thông cáo chính thức trong đó cho biết lượng container rỗng chất tại cảng này đã đạt mức cao nhất kể từ tháng 2/2020 và dự báo sẽ sớm đạt mức cao nhất kể từ khi cảng này bắt đầu hoạt động 29 năm trước.
Do container rống nằm không, các bãi container – nơi kiếm tiền nhờ hoạt động bốc dỡ hàng – cũng rơi vào cảnh khó khăn.
“Chúng tôi chẳng có việc gì để làm”, quản lý một bãi container gần cảng Yantian cho biết. “Một số bãi thậm chí đã đóng cửa”.
NHU CẦU SUY YẾU, TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ GIẢM TỐC
Theo ông Christian Roeloffs – giám đốc điều hành, đồng sáng lập nền tảng hậu cần Container xChange, xu hướng container là một thước đo quan trọng về sự phát triển kinh tế và thương mại toàn cầu và tình hình hiện tại cho thấy thị trường đang rất ảm đạm.
“Giá giảm và lượng container rỗng tăng lên ở một số nơi trên thế giới là dấu hiệu cho thấy nhu cầu suy yếu và tăng trưởng kinh tế chậm lại”, ông Roeloffs phân tích. “Giá thuê và mua container tại các cảng lớn ở châu Á như Ninh Ba, Thượng Hải và Singapore đã giảm mạnh trong năm qua. Điều này cho thấy tình hình hiện tại sẽ còn kéo dài trong tương lai gần”.
Theo một báo cáo mới công bố của công ty tư vấn nghiên cứu hàng hải Drewry, giá một container 40 foot trong tháng 12/2022 đã giảm 45% so với với cùng kỳ năm 2021. Báo cáo này dự báo giá sẽ tiếp tục giảm trong vòng 6-9 tháng đầu của năm 2023 rồi mới tăng trở lại.
Về giá cước vận tải biển, Chỉ số Freightos Baltic cho thấy cước vận chuyển một container 40 foot từ châu Á sang bờ Tây nước Mỹ tuần qua là 1.295 USD, giảm 92% so với cùng thời điểm năm ngoái. Trong khi đó, cước vận chuyển từ châu Á sang bờ Đông nước Mỹ đã giảm 86% so với một năm trước. Giá cước cho tuyến châu Á đi Bắc Âu cũng đã giảm 80%.
Ông Judah Levine, giám đốc bộ phận nghiên cứu của Freightos, cho biết, vài tuần qua, cước vận chuyển xuyên Thái Bình Dương hiện thấp hơn nhiều so với cùng thời điểm năm 2019 và không có sự tăng giá bùng nổ sau Tết Nguyên đán như những năm trước.
Báo cáo mới nhất từ Hiệp hội Bán lẻ Quốc gia Mỹ ước tính khối lượng hàng hóa nhập khẩu qua đường biển của Mỹ tháng 2 sẽ giảm 12% so với tháng 1 và giảm 26% so với cùng kỳ năm trước.
“Hàng tồn kho vẫn còn nhiều, trong khi chi tiêu mua sắm của người tiêu dùng giảm xuống do lạm phát và cũng có dấu hiệu có thấy làn sóng trở lại chi tiêu cho dịch vụ nhiều hơn. Đây là những nguyên nhân chính dẫn tới sự suy giảm hàng hóa nhập khẩu”, ông Levine nhận định.
Tháng 12 năm ngoái, Trung Quốc ghi nhận mức sụt giảm xuất khẩu lớn nhất (9,9%) kể từ khi phong tỏa thành phố Vũ Hán tại tỉnh Hồ Bắc vì Covid-19 vào đầu năm 2020. Đây cũng là tháng suy giảm thứ ba liên tiếp. Các nhà phân tích dự báo xu hướng này sẽ còn kéo dài trong những tháng tới.
“Lĩnh vực xuất khẩu của Trung Quốc có thể tiếp tục đối mặt với những ‘cơn gió ngược mạnh’ do nhu cầu toàn cầu suy yếu”, các nhà kinh tế của Nomura nhận định trong một báo cáo công bố tuần trước.