Dự kiến trong tháng 8 này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ hoàn thiện dự thảo một báo cáo nghiên cứu nhiệm vụ hoàn thiện chính sách, đẩy mạnh thu hút đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng logistics trình Thủ tướng Chính phủ. Đáng chú ý, theo Dự thảo Báo cáo, đầu tư vào hạ tầng logistics của Việt Nam hiện chưa hấp dẫn nhà đầu tư do còn vướng rào cản.
Thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích
Theo số liệu thống kê, chi phí sử dụng dịch vụ logistics ước tính tương đương khoảng 20% GDP, nhưng mức độ đóng góp giá trị kinh tế của dịch vụ logistics mới chiếm khoảng 2 – 3% GDP.
Bộ Công Thương vừa công bố, hiện cả nước có 4.000 doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực logistics, trong đó 80% là DN trong nước nhưng chỉ chiếm 20% thị phần và 20% là DN có vốn đầu tư nước ngoài, chiếm 80% thị phần. Chỉ số năng lực quốc gia về logistics còn kém cạnh tranh so với các nước trong khu vực.
Theo ông Nguyễn Tương từ Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam, kết cấu hạ tầng phục vụ cho ngành logistics còn khó khăn, hạn chế. Đầu tư vào hệ thống hạ tầng hỗ trợ dịch vụ logistics chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là trong lĩnh vực đường sắt, cảng thủy nội địa đầu mối cũng như phương tiện thủy nội địa. Trong kinh doanh dịch vụ logistics, đường bộ đóng vai trò là trục chính kết nối vận tải giữa các vùng, miền, các trung tâm kinh tế, các cảng hàng không… nhưng lại là mảng có nhiều bất cập, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả dịch vụ logistics. Về hạ tầng hàng hải, cảng nước sâu cho tàu container có sức chở lớn để giảm giá thành vận chuyển cự li xa còn chưa đạt yêu cầu về xuất nhập khẩu. Cảng nước sâu Cái Mép – Thị Vải thiếu kết nối giao thông, luồng lạch bị hạn chế, trang thiết bị chưa đủ để tăng năng suất cao hơn và đặc biệt là các dịch vụ hỗ trợ đi kèm chưa được phát triển phù hợp với yêu cầu của cảng biển cửa ngõ quốc gia…
Nguyên nhân của thực trạng này được nhóm nghiên cứu Báo cáo chỉ ra là do còn thiếu cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các DN chủ cảng, chủ tàu, chủ hàng và các DN cung cấp dịch vụ hàng hải nói chung, nhất là tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long mạnh dạn đầu tư phát triển để tăng cường khả năng kết nối trong vận tải đường thủy nội địa.
“Hiện Nghị định số 63/2018/NĐ-CP chưa giải quyết triệt để, tận gốc những vướng mắc, chưa thể tạo ra sự đột phá trong thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP) vào những dự án hạ tầng có quy mô lớn, đặc biệt là đẩy mạnh huy động vốn nước ngoài”, Dự thảo Báo cáo chỉ ra và cho biết: “Lĩnh vực thu hút đầu tư dưới hình thức PPP đã được nêu tại Điều 4 của Nghị định số 63/2018/NĐ-CP, tuy nhiên lại không đề cập đến hạ tầng logistics”.
Nguyên nhân khác là các nhà đầu tư nước ngoài có ý định tham gia đầu tư dự án đều đưa ra yêu cầu Chính phủ bảo lãnh doanh thu, bảo lãnh tỷ giá, bảo lãnh chuyển đổi ngoại tệ, bảo lãnh về rủi ro dự án… Trong khi đó, trong khuôn khổ pháp luật hiện nay, Việt Nam không thể đáp ứng được các điều kiện này.
Thu hút đầu tư bằng cách nào?
Với mục tiêu thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics, xây dựng các trung tâm logistics cấp khu vực và quốc tế, đưa Việt Nam trở thành một cầu nối logistics của khu vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất các nhóm giải pháp thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào hạ tầng logistics.
Trước hết là sớm hoàn thiện khung pháp lý về đầu tư theo hình thức PPP để tạo hành lang pháp lý thúc đẩy đầu tư cho phát triển logistics đối với các dự án kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án cảng biển container, trung tâm logistics loại I.
Đối với các dự án cảng biển container có tiềm năng thường cần vốn lớn, cơ quan quản lý cần chịu trách nhiệm hỗ trợ và đảm bảo lợi ích lâu dài, môi trường cạnh tranh lành mạnh cho nhà đầu tư. Còn các dự án giao thông như: luồng lạch, cầu đường kết nối các cảng biển… cần được Nhà nước đầu tư theo cơ chế thu hồi vốn phù hợp.
Đối với việc phát triển các trung tâm logistics hàng không gắn liền với các cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Nhà nước cần đưa ra các quy định cụ thể về hình thức đầu tư (BOT, BT…) nhằm khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN tham gia đầu tư phát triển các trung tâm logistics theo quy hoạch.
Bên cạnh đó, Nhà nước ưu tiên đầu tư nâng cấp các trung tâm logistics hiện có, phù hợp với quy hoạch và hoạt động có hiệu quả thời gian qua. Ngoài ra, chúng ta cần tiếp tục tranh thủ sự ủng hộ của các tổ chức quốc tế, các đối tác lớn như: Hàn Quốc, Nhật Bản… trong phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Báo Đấu thầu