Kinh nghiệm phát triển và quản lý cảng biển trên thế giới

11/09/19 9:42 AM

Singapore

1

Các cảng biển hiện nay của Singapore đang nằm dưới sự quản lý của Cảng vụ Singapore 

Các cảng biển hiện nay của Singapore đang nằm dưới sự quản lý của Cảng vụ Singapore (PSA). PSA chịu trách nhiệm giám sát quá trình ra, vào của tàu thuyền, xuất nhập hàng hóa kho bãi và điều tiết phương tiện luân chuyển trên mặt đất. Toàn bộ quá trình được giám sát và sắp xếp bởi hệ thống máy tính hiện đại bậc nhất thế giới. Theo tính toán, hàng ngày trung bình PSA phải lưu thông đến 91.000 container – tương đương với 60 tàu ra, vào cảng, trong đó 5% lượng hàng sẽ được tiêu thụ ngay tại Singapore, 95% hàng hóa còn lại sẽ tiếp tục được vận chuyển tới nhiều địa điểm trên toàn thế giới thông qua chuỗi cung ứng.

Từ sau khi tách khỏi Malaysia để trở thành quốc gia độc lập vào năm 1965, Chính phủ Singapore đã sớm nhận ra những mặt hạn chế về tài nguyên thiên nhiên và diện tích lãnh thổ. Để có thể vượt qua những hạn chế về mặt địa lý, Chính phủ Singapore đã sớm đưa ra các chính sách về sự tất yếu của việc đầu tư dịch chuyển nền kinh tế công nghiệp gia công nguyên liệu thô sang nền kinh tế thương mại hàng hải.

Bên cạnh những cơ hội về phát triển kinh tế, việc phát triển cảng biển là điều tất yếu tại Singapore. Phần lớn nhu yếu phẩm hàng ngày được sử dụng tại quốc gia này được đưa vào thông qua các con đường nhập khẩu, trong đó bao gồm thực phẩm, vật liệu xây dựng và thậm chí là thuốc men vốn được vận chuyển thông qua các container có hệ thống bảo quản lạnh.

Nhận ra sự vắng mặt của các cảng biển quy mô lớn tại khu vực Đông Nam Á, Chính phủ Singapore đã nhanh chóng tập trung nền kinh tế vào xây dựng cảng biển. Đến năm 1990, Singapore đã có trong tay hai cảng biển lớn nhất khu vực là PSA International và Jurong, trong đó Cảng PSA International đã vượt qua Cảng Yokohama của Nhật Bản về độ hấp dẫn đối với các nhà cung ứng và khối lượng vận chuyển. Chỉ trong năm 2015, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường hàng hải qua Singapore đã lên tới 32,2 triệu TEU. Tổng số chiều dài của số container vận chuyển hàng năm dài gấp 4 lần đường xích đạo của trái đất.

Trong tương lai, hệ thống cảng biển tại Singapore sẽ được rút gọn và tập trung vào hệ thống siêu cảng Tuas, dự kiến được đưa vào hoạt động vào năm 2021. Cảng Tuas sẽ nâng năng lực xử lý hàng hóa của Singapore từ 50 triệu TEU hiện tại lên đến 65 triệu TEU.

Hà Lan

Cảng Rotterdam

Hà Lan là một trong những quốc gia có mật độ dân số cao và nằm thấp nhất so với mực nước biển. Hà Lan có khoảng 27% diện tích và 60% dân số nằm ở khu vực có độ cao dưới mực nước biển. Với vị trí tiếp giáp biển, điểm nối giữa châu Âu và Vương quốc Anh, Hà Lan đóng vai trò là trung tâm trung chuyển hàng hóa đường hàng hải giữa các nước trong khu vực châu Âu và các châu lục khác. Hiện tại, logistics chiếm tới 4,4% GDP của quốc gia và 12,5% tổng chi tiêu của quốc gia này.

Bên cạnh vị trí thuận lợi cho việc phát triển vận chuyển hàng hóa đường biển, chính sách kinh tế mở, ít can thiệp của Chính phủ Hà Lan cũng góp phần khiến cho các cảng biển của quốc gia dưới mực nước biển này trở thành điểm trung chuyển hàng hóa đầy hấp dẫn. Từ những năm 1980, Chính phủ đã rút lại các can thiệp về kinh tế của Nhà nước đối với nhiều lĩnh vực. Công nghiệp hóa và công nghiệp thực phẩm, lọc dầu và sản xuất thiết bị điện thống lĩnh trong lĩnh vực sản xuất. Từ thế kỷ 16, Hà Lan đã theo nền kinh tế thị trường, tự do hóa nền kinh tế – thương mại, có đội thương thuyền mạnh nhất thế giới. Thế kỷ 17, Hà Lan là trung tâm tài chính lớn nhất thế giới với các tổ chức tín dụng, ngân hàng, thị trường chứng khoán đầu tiên trên thế giới.

Tính đến thời điểm hiện nay, 51% tổng số các trung tâm phân phối tại châu Âu đều thuộc về quốc gia này, cao hơn rất nhiều so với các quốc gia cùng khu vực như Đức (11%) và Bỉ (18%). Ngoài ra, trong số hơn 9.000 trung tâm phân phối của Hà Lan, có đến 2.000 trung tâm được đặt tại các quốc gia thuộc khu vực châu Âu. Hà Lan xếp thứ hai thế giới về Chỉ số toàn cầu về hiệu suất logistics của World Bank (dựa trên mức độ hiệu quả của các điều luật hải quan, chất lượng của phương tiện vận tải, cơ sở hạ tầng hiện đại, có áp dụng công nghệ cho các dịch vụ logistics và khả năng thanh toán nhanh chóng). Ngoài ra, đội tàu vận tải của Hà Lan gồm có 7.000 chiếc, sở hữu quy mô lớn nhất và hiện đại nhất châu Âu. 79% các container vận chuyển hàng hóa trong khối EU đều đi qua lãnh thổ Hà Lan.

Để đạt được những thành công như vậy, dựa trên nguyên tắc mang lại hiệu quả cao nhất cho quốc gia, Chính phủ Hà Lan đã vận dụng chính sách cung cấp toàn bộ cơ sở vật chất và hạ tầng cho các đơn vị tư nhân có nhu cầu sử dụng khai thác cảng biển. Đáp tại, các tập đoàn tư nhân hoàn toàn được toàn quyền khai thác dựa trên luật định quốc tế.

Về hệ thống cơ sở vật chất cảng biển, Hà Lan hiện cũng đang sở hữu Cảng Rotterdam – cảng tổng hợp lớn nhất thế giới, chiếm tới 36% tổng lượng hàng hóa lưu thông bằng đường hàng hải vào châu Âu. Trong năm 2009, Cảng Rotterdam là cảng container lớn thứ 10 của thế giới với lượng container lưu thông lên tới 10,8 triệu lượt, lượng hàng hóa lưu thông cũng đạt tới mức 430 triệu tấn trong năm 2010, đưa tổng doanh thu hàng năm của cảng lên tới 525 triệu Euro. Từ cảng biển Rotterdam, hàng hóa có thể đến với các trung tâm công nghiệp – kinh tế lớn ở Tây Âu trong vòng 24 tiếng. Với vị trí đặc thù nằm trên diện tích 105km2, Cảng Rotterdam hiện trải dài trên 40km, được coi là trung tâm ELC của châu Âu (European Logistics Centre – Trung tâm cung cấp chuỗi cung ứng châu Âu).

Ngoài ra, Rotterdam cũng là điểm kết nối với các trung tâm công nghiệp lớn của toàn châu Âu như các khu công nghiệp luyện kim, hóa dầu, chế tạo thiết bị công nghệ cao… thông qua các hệ thống giao thông đường sắt, đường bộ, đường thủy xuyên suốt toàn khu vực châu Âu. Việc tiếp giáp với các quốc gia có nền công nghiệp phát triển như Đức, Pháp, Bỉ… khiến cảng tổng hợp Rotterdam là địa điểm đầy hấp dẫn cho các tập đoàn lớn chọn làm trung tâm trung chuyển hàng hóa và nguyên liệu sản xuất.

Chính quyền quản lý Cảng Rotterdam luôn dành mặt bằng ưu đãi và tạo ra nhiều công đoạn giá trị gia tăng logistics để thu hút các chủ hàng ngoại, các đơn vị kinh doanh logistics trong nước (như cung cấp thiết bị hiện đại, phương tiện, lao động tay nghề cao để sơ chế, lắp ráp, làm nhãn mác mới, đóng gói, phân loại, tái xuất…), đặc biệt ở các Distripark (Trung tâm Phân phối hàng hóa) có nhiều doanh nghiệp chuyên về kho, bãi, phân phối hàng hóa khắp châu Âu và thế giới.

Tạp chí GTVT