Ký tuyên bố Neptune giúp giải quyết cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên trên biển

4/02/21 8:29 AM

Tuyên bố Neptune xác định 4 hành động chính để tạo điều kiện thay đổi thuyền viên và giữ cho chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động trong thời kỳ đại dịch.

Ngày 25/01/2021, hơn 300 doanh nghiệp và tổ chức từ khắp nơi trên thế giới đã bày tỏ sự ủng hộ nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên toàn cầu thông qua việc ký Tuyên bố Neptune về sức khỏe của người đi biển và thay đổi thuyền viên (truy cập tại liên kết: https://www.globalmaritimeforum.org/content/2020/12/The-Neptune-Declaration-on-Seafarer-Wellbeing-and-Crew-Change.pdf)

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, hàng trăm nghìn thuyền viên từ khắp nơi trên thế giới đã bị mắc kẹt quá thời hạn hợp đồng làm việc trên các con tàu và không thể hồi hương. Cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên đã leo thang thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo chưa từng có, khi những người đi biển phải gánh chịu hậu quả của thời gian quá dài trên biển, chẳng hạn như sự mệt mỏi và suy giảm toàn diện về thể chất cũng như tinh thần. Thực trạng này cũng làm tăng rủi ro xảy ra các sự cố hàng hải và thảm họa môi trường, đồng thời gây ra mối đe dọa đối với tính toàn vẹn của chuỗi cung ứng hàng hải hiện đang vận chuyển 90% thương mại toàn cầu.

“Chúng ta đang chứng kiến một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên biển”, ông Jeremy Nixon, Giám đốc điều hành của ONE – hãng vận tải biển có trụ sở tại Nhật Bản nói,  “Trong suốt đại dịch virus corona, những người đi biển đã giữ cho thế giới được cung cấp thực phẩm, năng lượng và các hàng hóa quan trọng khác. Nhưng họ không biết khi nào sẽ được về nhà với gia đình của mình. Họ đã trở thành con tin của hoàn cảnh và không thể rời tàu. Tuy nhiên, chúng ta có thể chấm dứt cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên mà không có bất kỳ rủi ro nào đối với sức khỏe cộng đồng nói chung .”

Bất chấp những nỗ lực đáng kể của các tổ chức quốc tế, công đoàn, doanh nghiệp và một số chính phủ nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng thay đổi thuyền viên, tình hình vẫn tiếp tục tồi tệ hơn khi các chính phủ đưa ra nhiều lệnh cấm đi lại hơn để đối phó với các chủng vi rus Covid-19 mới. Theo Diễn đàn Hàng hải toàn cầu – tổ chức có vai trò trong việc phát triển Tuyên bố Neptune, có một số vấn đề chính khiến tình hình nguy cấp chưa được giải quyết, đó là: các nhà chức trách quốc gia trên thế giới tiếp tục coi việc thay đổi thuyền viên và việc đi lại quốc tế là một rủi ro Covid-19; các giao thức bảo vệ sức khỏe chất lượng cao không được những người khai thác tàu thực hiện một cách nhất quán; sự gián đoạn trong di chuyển bằng đường hàng không quốc tế đã làm giảm số lượng chuyến bay giữa các trung tâm thay đổi thuyền viên truyền thống và các quốc gia cung cấp thuyền viên chủ chốt.

Hơn 300 doanh nghiệp và tổ chức hàng đầu từ khắp các ngành kinh doanh hàng hải, dầu mỏ và hàng hóa thể hiện trách nhiệm chung của họ trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng Covid-19 toàn cầu bằng cách ký Tuyên bố Neptune về sức khỏe của người đi biển và thay đổi thuyền viên (the Neptune Declaration on Seafarer Wellbeing and Crew Change).

Tuyên bố Neptune xác định 4 hành động chính để tạo điều kiện thay đổi thuyền viên và giữ cho chuỗi cung ứng toàn cầu hoạt động trong thời kỳ đại dịch, đó là:

(1) Công nhận thuyền viên là người lao động chủ chốt và ưu tiên việc tiếp cận của họ với vắc-xin Covid-19;

(2) Thiết lập và thực hiện các giao thức sức khỏe tiêu chuẩn vàng dựa trên thực hành tốt nhất hiện có;

(3) Tăng cường hợp tác giữa người khai thác tàu và người thuê tàu để tạo điều kiện thuận lợi cho việc thay đổi thuyền viên;

(4) Đảm bảo kết nối hàng không giữa các đầu mối hàng hải chính cho việc đi lại của thuyền viên

Tuyên bố Neptune đã được phát triển bởi một nhóm chuyên trách gồm các bên liên quan từ khắp chuỗi giá trị hàng hải bao gồm: A. M. Nomikos, Cargill, Dorian LPG, GasLog, Diễn đàn Hàng hải toàn cầu, Văn phòng Vận tải biển quốc tế, Hội đồng Người sử dụng lao động hàng hải quốc tế, Liên đoàn Công nhân vận tải quốc tế, ONE, Philippine Transmarine Carriers, Sustainable Shipping Initiative, Synergy Group, V. Group, và Diễn đàn Kinh tế thế giới.

“Những người đi biển đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chạy đua toàn cầu nhằm ngăn chặn đại dịch virus corona bằng cách cung cấp nguồn cung y tế thiết yếu cho nhân loại, đặc biệt đối với những nền kinh tế đang phát triển. Chúng rất quan trọng đối với sức khỏe của hàng triệu người. Chúng tôi kêu gọi các đồng nghiệp, các tổ chức thuộc chính phủ và các bên liên quan khác tham gia cùng chúng tôi trong nỗ lực đảm bảo rằng quyền lợi và sức khỏe của những người lao động tuyến đầu trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tôn trọng”, ông Graham Westgarth – Chủ tịch V. Group cho biết.​

Nguyễn Vũ/VR