Kỳ vọng nguồn nhân lực logistics chất lượng trong tương lai

20/11/20 9:21 AM

Nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ là tiền đề cho sự phát triển của các doanh nghiệp logistics trong bối cảnh hội nhập, góp phần thúc đẩy khu vực dịch vụ logistics Việt Nam vượt qua những khó khăn hiện tại, vững bước phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế, khẳng định vị trí Việt Nam trong khu vực và quốc tế.

Nhu cầu nhân lực logistics Việt Nam có thể lên đến 2,2 triệu người vào năm 2030

Việt Nam cần hơn 2 triệu lao động logistics

Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển của các ngành nghề, ngành dịch vụ logistics Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc và tiềm năng tăng trưởng to lớn.

Theo Chỉ số năng lực logistics (LPI) 2018 được Ngân hàng Thế giới công bố, Việt Nam xếp hạng 39/160 nước tham gia khảo sát, tăng 25 bậc so với xếp hạng năm 2016 (64/160). Đây là kết quả của những chính sách, chiến lược đúng đắn và kịp thời của Nhà nước cùng với sự nỗ lực không ngừng của các doanh nghiệp, các cơ sở đào tạo ngành dịch vụ logistics Việt Nam.

Theo Báo cáo logistics Việt Nam 2018 của Bộ Công Thương, nếu tính cả nhu cầu nhân lực logistics thuộc các cấp độ trong doanh nghiệp logistics và nhân lực logistics từ các doanh nghiệp sản xuất thì nhu cầu nhân lực logistics có thể lên đến 2,2 triệu người vào năm 2030. Trong khi đó, khả năng đáp ứng nhu cầu nhân lực logistics hiện tại chỉ đạt 10%.

Chính phủ và Nhà nước đã quan tâm đến công tác đào tạo nguồn nhân lực logistics, điều này thể hiện qua một loạt các chính sách được đưa ra. Trong đó, nổi bật là Quyết định 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đã đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, trong đó có nhiệm vụ “đào tạo, nâng cao nhận thức và chất lượng nguồn nhân lực” chú trọng vào đẩy mạnh đào tạo logistics ở bậc đại học, nâng cao số lượng và chất lượng giảng viên về logistics và kết nối các tổ chức đào tạo, doanh nghiệp logistics Việt Nam với các tổ chức đào tạo nước ngoài. Và Thông tư 24/2017/ TT-BGDĐT ngày 10/10/2017 đã ban hành danh mục giáo dục, đào tạo cấp IV trình độ đại học, trong đó có mã ngành đào tạo logistics.

Ngành logistics “nóng” hơn bao giờ hết

Logistics hiện đang là 1 trong 12 nhóm ngành được cộng đồng kinh tế ASEAN ưu tiên hỗ trợ phát triển, nhằm tăng cường kết nối, xây dựng năng lực cạnh tranh chung. Điều này đặt ra tính cấp thiết trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Năm 2020 sẽ có thêm nhiều ngành học mới để thí sinh lựa chọn. Ảnh: Hải Nguyễn

Mùa tuyển sinh năm nay – 2020 đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong đào tạo nhân lực logistics bậc đại học

Bên cạnh Y khoa, Công nghệ thông tin, Ngôn ngữ Anh, Hàn,… ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng nhiều năm gần đây có sức hút với sinh viên. Điểm chuẩn ngành này luôn thuộc nhóm cao ở các đại học top đầu.

Mùa tuyển sinh năm nay – 2020 đánh dấu bước phát triển vượt bậc trong đào tạo nhân lực logistics bậc đại học, khi hàng loạt trường tuyển sinh ngành/chuyên ngành logistics với số điểm vô cùng cao.

Trường Đại học Kinh tế Quốc dân tuyển sinh ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng với điểm chuẩn 28 điểm. Tức là, mỗi thí sinh phải đạt trung bình trên 9 điểm mỗi môn mới trúng tuyển ngành này. Đây cũng là ngành có điểm chuẩn cao nhất của trường.

Xếp thứ hai là Đại học Kinh tế TP. HCM, ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tuyển sinh cũng có điểm chuẩn cao nhất trường với 27,25 điểm. Xếp thứ ba là Đại học Bách khoa (Đại học Quốc gia TP HCM) với 27,25 điểm.

Theo PGS.TS. Hồ Thị Thu Hòa – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cho biết, khi lựa chọn ngành học này, sinh viên cần thật sự nghiêm túc ngay từ lúc ngồi trên giảng đường. Đó là điều cần thiết giúp sinh viên bảo đảm hiệu quả cho việc học và công việc trong tương lai. Ngoài ra, không ngừng trau dồi khả năng ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh là yếu tố sinh viên cần đảm bảo trong suốt quá trình học tập. Nếu nắm vững tiếng Anh sẽ là lợi thế rất lớn trong quá trình học tập cũng như hỗ trợ rất lớn cho công việc sau này. Có ngoại ngữ, sinh viên sẽ tích lũy các kiến thức chuyên môn từ nước ngoài, có cơ hội được làm việc với một vị trí xứng đáng tại các công ty nước ngoài và thăng tiến trong sự nghiệp.Tại nhiều trường đại học, nhà trường cũng đã và đang triển khai đồng thời tất cả các hệ đào tạo từ chương trình đào tạo đại trà đến chất lượng cao, tiên tiến hoặc liên kết quốc tế giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đây được xem là động thái tích cực của các trường nhằm đáp ứng được phần nào nhu cầu cấp thiết của thị trường về nhân lực logistics, giải quyết dần bài toán thiếu nhân lực logistics mà ngành đang phải đối diện.

Để có thể cung ứng nguồn nhân lực ngành logistics đạt chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, các trường đào tạo cần đổi mới chương trình đào tạo ngành logistics và quản lý chuỗi cung ứng theo hướng trang bị cho sinh viên đầy đủ các kỹ năng thao tác nghiệp vụ chuyên môn, từ cơ bản đến nâng cao trong dịch vụ logistics và quản lý chuỗi cung ứng; đồng thời tăng cường kết nối, hợp tác với doanh nghiệp để có những điều chỉnh phù hợp trong nội dung đào tạo; tạo điều kiện để sinh viên – nhà tuyển dụng gặp gỡ, trao đổi, tạo thuận lợi cho việc tuyển dụng của doanh nghiệp.

Ngày nay, người kinh doanh dịch vụ logistics có thể cung cấp dịch vụ trọn gói từ kho gửi hàng đến kho nhận hàng qua một hệ thống đồng bộ từ cung ứng nguyên vật liệu, phục vụ sản xuất kinh doanh tới lưu kho – lưu bãi cho tới vận tải – giao nhận hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu. Chính vì vậy, trong quá trình đào tạo chuyên ngành dịch vụ logistics và chuỗi cung ứng, sinh viên cần được trang bị những kiến thức, kỹ năng liên quan đến các nội dung này.

Tình trạng nguồn lao động vừa thiếu, vừa yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của thị trường lao động cũng như xu hướng phát triển công nghệ đang gây trở ngại rất lớn cho sự phát triển của logistics Việt Nam. Việc logistics được chú trọng và đưa vào đào tạo bài bản tại nhiều trường đại học như hiện nay, tin rằng, trong tương lai, thị trường nhân lực trong ngành sẽ đáp ứng được nhu cầu của ngành dịch vụ có quy mô hơn 22 tỷ USD, chiếm hơn 20% GDP của cả nước và tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 20% – 25%.

VLR