Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 khiến hàng hóa lưu thông khó khăn thì cơ hội lại đến với vận tải biển khi năm 2021 chứng kiến doanh nghiệp trong lĩnh vực này lãi hàng nghìn tỷ đồng. Năm 2022, vận tải biển tiếp tục được kỳ vọng sẽ “đại thắng”.
Doanh nghiệp lãi “khủng”
Theo ông Nguyễn Đình Việt – Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam (HHVN), năm 2021, tổng sản lượng vận tải do đội tàu biển Việt Nam vận chuyển tăng trưởng ước đạt 156,5 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020; tổng khối lượng hàng hóa thông qua cảng biển Việt Nam năm 2021 ước đạt 703 triệu tấn, tăng 2% so với năm 2020, trong đó khối lượng hàng container ước đạt 23,9 triệu TEUs, tăng 6% so với năm 2020.
Về vận tải biển quốc tế, hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu đi hầu hết các thị trường trên thế giới như châu Mỹ, châu Âu, châu Á, trong đó một số tuyến vận tải xa, điển hình như tuyến Việt Nam đi châu Mỹ với 18 tuyến/tuần; Việt Nam đi châu Âu 2 tuyến/tuần; Việt Nam đi châu Á, châu Phi, Australia…
Cũng theo lãnh đạo Cục HHVN, năm 2021, khối lượng hàng hóa xuất nhập khẩu vận tải quốc tế của đội tàu biển Việt Nam vận tải tăng 54% (khoảng 4,67 triệu tấn) so với năm 2020. Đây là mức tăng trưởng hiếm có, chủ yếu vận tải các tuyến như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Nam Á và một số tuyến châu Âu.
Hiện các cảng biển Việt Nam tại Hải Phòng, TP Hồ Chí Minh, Bà Rịa-Vũng Tàu đã lọt vào danh sách 50 cảng biển thông qua lượng hàng container lớn nhất trên thế giới. “Nước ta có lợi thế về địa chính trị, nằm trên đường hàng hải quan trọng của thế giới”, ông Việt nói.
Cơ sở hạ tầng cảng biển nước ta cũng được đầu tư tương đối đồng bộ, cả về hệ thống cầu bến, phao neo, trang thiết bị bốc dỡ hàng hóa và được phân bố trải rộng theo vùng miền, đáp ứng được yêu cầu vận chuyển hàng hóa.
Nhờ những thuận lợi về thị trường, giá cước vận chuyển tăng, cơ sở hạ tầng thuận lợi mà năm 2021 nhiều DN vận tải biển, cảng biển lợi nhuận “khủng”. Theo ông Nguyễn Cảnh Tĩnh – Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), năm 2021, đơn vị này ghi nhận một năm kinh doanh “đại thắng” khi doanh thu toàn Tổng Công ty ước đạt hơn 19.600 tỷ đồng; lợi nhuận đạt 3.750 tỷ đồng, bằng 554% kế hoạch năm.
Theo lãnh đạo VIMC, khối vận tải biển của đơn vị này có sự bứt phá khi chiếm tới 26% cơ cấu lợi nhuận toàn Tổng Công ty. Lần đầu tiên sau nhiều năm thua lỗ kéo dài, toàn khối vận tải biển VIMC lãi tới 1.078 tỷ đồng trong năm 2021. Một số đơn vị khác của VIMC đạt kết quả kinh doanh tốt như Công ty VIMC Shipping lợi nhuận gần 497 tỷ đồng, Công ty Vosco lợi nhuận hơn 185 tỷ đồng, Công ty Vinaship lãi 164,8 tỷ đồng. Với khối cảng biển, lợi nhuận trước thuế năm 2021 khối này của VIMC ước đạt 2.234,9 tỷ đồng, trong đó một số cảng có kết quả nổi bật như Cảng Sài Gòn 775,6 tỷ đồng; Cảng Quy Nhơn 410 tỷ đồng.
Năm 2022 sẽ tiếp tục “đại thắng”?
Theo đánh giá của Công ty TNHH Chứng khoán Vietcombank (VCBS), năm 2022, nhóm DN vận tải biển sẽ thiết lập nền lợi nhuận mới trong giai đoạn tới. Giá cước thuận lợi đã đem đến cho các DN vận tải container nguồn lực tài chính dồi dào.
Về dài hạn, VCBS cho rằng, dư địa tăng trưởng của các DN vận tải container Việt Nam vẫn còn khá nhiều. Nhất là khi DN vận tải biển Việt Nam sở hữu lợi thế vượt trội và hưởng lợi từ nhu cầu lớn của hoạt động vận tải container nội thủy kết nối các điểm tập kết hàng hóa, cảng nội địa và cảng nước sâu. Hoạt động vận tải đường thủy đã thể hiện rõ nhiều ưu điểm so với vận tải đường bộ trong giai đoạn dịch bệnh. Ngoài ra, nhu cầu vận chuyển vẫn mạnh mẽ, tăng trưởng sản lượng cảng có thể cải thiện; đề xuất tăng giá dịch vụ cảng biển nếu được thông qua sẽ là những yếu tố được kỳ vọng hỗ trợ tích cực cho ngành vận tải biển trong năm 2022.
Báo Pháp luật