Người Nhật và người Hàn đang chạy đua rót vốn vào ngành logistics Việt Nam.
Tháng 7 trở nên đặc biệt với ngành logistics Việt Nam khi chứng kiến các thương vụ giữa doanh nghiệp Việt Nam với các đối tác Nhật. Đáng chú ý là ký kết giữa Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) và Suzue; hay Sumitomo thông qua công ty con cùng các đối tác Nhật đầu tư vào Gemadept.
Người Nhật tiếp tục rót vốn
Thực tế, vốn Nhật đổ vào logistics Việt Nam từ khá sớm, đánh dấu bằng sự kiện Vijaco, công ty con của VIMC, cùng 5 đối tác Nhật là Kanematsu, Suzue, Meiko Trans, Kamigumi và Honda Trading bắt tay lập liên doanh (năm 1994). Từ đó đến nay, thị trường tiếp tục ghi nhận những thương vụ vốn Nhật đổ vào lĩnh vực logistics tại Việt Nam. Đó là thương vụ Shibusawa Warehouse Ltd chi 9,2 triệu USD mua cổ phần của Vinafco (năm 2014). Hay Mitsui O.S.K Lines (MOL) đầu tư 1,2 tỉ USD xây Cảng container Quốc tế Hải Phòng (năm 2016). Còn SG Holdings cũng chi ra 9 triệu USD để mua gần 80% cổ phần ở Phát Lộc Express (năm 2016).
Mới đây hơn, đầu tháng 7.2019, MOL đã đến khảo sát Cảng Quốc tế Vĩnh Tân (VTIP) để xem xét đưa các tàu của MOL vận chuyển than nhập khẩu từ Indonesia vào cảng. Ngoài ra, MOL cũng tìm hiểu khả năng làm hàng gỗ dăm của các doanh nghiệp trong khu vực cảng Vĩnh Tân. Ở phía Bắc, MOL đã cùng Viseco, HTM và Golden Link lập liên doanh MVG để triển khai dự án kho bãi MVG Đình Vũ.
Có thể thấy, vài năm trở lại đây, dòng vốn Nhật đã chú ý nhiều hơn đến ngành logistics. Nhiều tập đoàn lớn trong ngành logistics Nhật như MOL cũng đã vào cuộc. Điều này khác với xu hướng tự thâm nhập thị trường trước đây của Nhật. Chẳng hạn, SG Holdings đã tham gia thị trường Việt Nam được 4 năm, trước khi đầu tư vào Phát Lộc Express. Ngoài ra, ngay cả khi bắt tay lập liên doanh, như Vijaco vẫn chỉ tập trung khai thác thị trường phía Bắc.
Bây giờ, xu hướng đầu tư của Nhật đã có sự chuyển đổi. Ông Kitagawa Hironobu, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật (Jetro) tại Hà Nội, đánh giá, các nhà đầu tư Nhật không muốn bỏ qua cơ hội hấp dẫn từ thị trường gần 100 triệu dân ở Việt Nam. Trước mắt, năm 2018, hàng hóa Nhật, sản xuất tại Việt Nam bán ra thị trường trong nước ở mức 27,6% tổng hàng hóa của doanh nghiệp FDI Nhật sản xuất. Cùng đó, như ông Kobayashi Yoichi, Chủ tịch Ủy ban Hợp tác Kinh doanh Nhật – Mekong, JCCI, quan sát, chuyển giao công nghệ từ Nhật sang Việt Nam đang bắt đầu tăng, nhất là trong bối cảnh chiến tranh thương mại Mỹ – Trung leo thang và hiện tượng Trung Quốc +1 tăng lên. Ngoài ra, tác động của Hiệp định EVFTA đối với triển vọng phát triển ngành logistics Việt Nam được thể hiện ở 2 góc độ: cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam và EU trong lĩnh vực dịch vụ vận tải và phục vụ vận tải cam kết trong các lĩnh vực ảnh hưởng tới thị trường dịch vụ logistics.
Nhật cũng đã trở thành nước đầu tư lớn vào Việt Nam, với tổng vốn lên FDI tới 8,6 tỉ USD. Số doanh nghiệp Nhật có mặt ở Việt Nam đạt tới 1.900 công ty. Tuy nhiên, vì vốn của quốc gia này chủ yếu hướng vào các ngành công nghiệp hỗ trợ, du lịch, lao động, nông nghiệp nên doanh nghiệp logistics Việt Nam có thể tận dụng sức mạnh của đối tác Nhật hay không lại là câu chuyện khác.
Người Hàn chạy đua
Trong khi đó, dòng vốn Hàn Quốc đổ vào Việt Nam tuy đi sau Nhật nhưng lại trở nên hấp dẫn. Bởi theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn Hàn Quốc ở Việt Nam hiện chỉ sau Hồng Kông, chiếm 20,3% vốn FDI đăng ký. Số lượng doanh nghiệp Hàn Quốc hiện diện tại Việt Nam lên tới 7.000 công ty. Các công ty này hoạt động trong nhiều lĩnh vực, gồm cả công nghiệp chế tạo, công nghiệp nặng đến tài chính, tiêu dùng…
Nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc là những tập đoàn nổi tiếng thế giới như Samsung, LG, Kumho, Hyundai, GS, Lotte, CJ… Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam – Hàn Quốc hiện đạt 65,7 tỉ USD và đang hướng tới con số 100 tỉ USD. Quan trọng hơn, Hàn Quốc đã viện trợ cho Việt Nam xây dựng Viện Khoa học Công nghệ Việt Nam – Hàn Quốc (VKIS) cũng như cam kết chuyển giao hơn 100 công nghệ nguồn và hỗ trợ Việt Nam. Đây là những cơ sở khẳng định tầm quan trọng của dòng vốn Hàn Quốc tại Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, hợp tác logistics giữa Việt Nam với Hàn Quốc hứa hẹn mở ra nhiều cơ hội. Thương vụ đáng chú ý là Samsung SDS bắt tay với Công ty Cổ phần Logistics Hàng không (ALS) để lập liên doanh ALSDS, tham gia kinh doanh logistics tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài (Hà Nội). Samsung SDS cũng đã ký kết với Minh Phương Logistics nhằm khai thác tiềm năng thị trường vận tải hàng hoá nội địa bằng đường bộ.
Đáng chú ý, Samsung SDS là công ty con của Samsung. Ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE), nhận xét, chỉ một Samsung đã giải quyết việc làm cho trên 100.000 lao động Việt Nam và gia tăng kim ngạch xuất khẩu cho Việt Nam khoảng 30 tỉ USD. Vì thế, hợp tác với Samsung SDS tạo nhiều thuận lợi cho doanh nghiệp logistics Việt. Một tên tuổi đình đám khác là CJ Logistics cũng đã chi ra hơn 100 triệu USD để mua cổ phần ở Gemadept Logistics Holdings và Gemadept Shipping Holdings (năm 2018). CJ Logistics có lợi thế về mạng lưới khắp các châu lục.
Do đó, hợp tác giữa CJ Logistics và Gemadept kỳ vọng không chỉ tạo ra những xoay chuyển mạnh mẽ cho Gemadept mà cho cả ngành logistics Việt Nam. Riêng ULP, doanh nghiệp logistics hàng đầu tại Hàn Quốc, với mạng lưới khách hàng là các hãng lớn (Samsung, Hyundai, LG, Sony, Canon, Foxconn, Doosan, Korea Power; Hyundai, CJ, HTNS, Lotte, Pantos, KGL, Damco, Schenker, Kerry…) cũng đã ký kết với Công ty Cổ phần Dịch vụ Sân bay (ASG) tham gia cung cấp dịch vụ logistics đối với hàng hóa có yêu cầu đặc biệt.
Cho đến bây giờ, hợp tác giữa doanh nghiệp Việt Nam và các nhà đầu tư Hàn Quốc trong mảng logistics nhìn chung diễn ra suôn sẻ, đạt tăng trưởng mạnh. Điển hình, sau hợp tác lập liên doanh, ALSDS trở thành tổng đại lý cho Incheon Air tại Việt Nam. Công ty còn thiết lập chuỗi cung ứng hàng lạnh tại Bắc Ninh, cung ứng cho gần như toàn bộ các bếp ăn của Samsung tại miền Bắc. Còn Liên doanh CJ Gemadept nhắm tới mục tiêu tăng lợi nhuận gấp đôi chỉ sau 3 năm. Quan trọng hơn, như ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Gemadept, nhấn mạnh: “Tất cả các quyết định của liên doanh CJ Gemadept đều phải được đồng thuận”. Sau ký kết thỏa thuận, Gemadept vẫn giữ quyền điều hành, quản lý ở doanh nghiệp.
Nhịp cầu đầu tư