“Logistics xanh” là xu hướng tất yếu và là tiêu chí quan trọng mà doanh nghiệp logistics hướng đến. Tiềm năng phát triển hoạt động logistics gắn với thương mại điện tử là rất lớn. Vì vậy, đây là cơ hội phát triển mới cho doanh nghiệp Việt Nam.
Các đại biểu tham dự Phiên thảo luận “Chiến lược đầu tư bền vững và xu hướng M&A trong ngành Logistics và Thương mại điện tử”
Tại hội thảo “Ứng dụng công nghệ để phát triển ngành logistics và thương mại điện tử (TMĐT) hiện đại bền vững”, diễn ra ngày 16/5, Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam(VIMC) kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Logistics Việt Nam (VLA), cho biết logistics xanh hay logistics phát triển bền vững là khái niệm mới nhưng đã được nhắc đến rất nhiều trong các cuộc hội thảo, các nghiên cứu.
Logistics xanh không chỉ là xu hướng của thế giới, mà còn là nhiệm vụ mà chúng ta cần phải thực hiện trong thời gian tới. Bởi, tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050.
Như vậy, các vấn đề về logistics xanh sẽ bao gồm xanh hoá trong các chương trình, quy trình của logistics. Đơn cử, xanh hoá trong chu trình vận tải, kho bãi, công nghệ, thương mại và thương mại điện tử, quản trị và con người…
Đặc biệt, ông Lê Quang Trung nêu ra một khái niệm mới, đó là “chu trình logistics ngược”. Đây là một công đoạn rất quan trọng trong thu hồi và tái sử dụng bao bì, tái sử dụng nguồn lực của logistics trong chu trình.
Về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2157/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia triển khai thực hiện cam kết của Việt Nam tại Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu, Chính phủ cũng đã ban hành các tiêu chuẩn trong việc triển khai logistics xanh.
Ông Lê Quang Trung, Phó Tổng Giám đốc VIMC kiêm Phó Chủ tịch VLA
Để thực hiện được các nội dung chính của logistics xanh trong thời gian tới, ông Lê Quang Trung đề xuất một số kiến nghị.
Thứ nhất, chuẩn hoá các vấn đề liên quan đến điều kiện, tiêu chuẩn của logistics xanh trong các ngành cảng biển, vận tải, logistics… và cần được triển khai ngay từ khâu quy hoạch.
Thứ hai, ban hành và triển khai các quy định về thực hiện, giám sát, quản lý việc thực hiện đó.
Thứ ba, các chính sách liên quan đến hỗ trợ, phát triển và hợp tác quốc tế nhằm đẩy nhanh chương trình này, cũng như hài hoà với các quy định của thế giới.
“Thực tế, thời gian qua các doanh nghiệp trong VLA nói chung, Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam nói riêng đã thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng liên quan đến thay thế và chuyển đổi sử dụng năng lượng hoá thạch sang năng lượng tiết kiệm, tối ưu hoá các giải pháp trong quy trình về quản trị, kỹ thuật, thương mại … trong logistics xanh”, ông Lê Quang Trung nhấn mạnh.
Báo DĐDN