Lúng túng trong tiếp nhận, cách ly và điều trị Covid-19 cho thuyền viên

22/11/21 8:47 AM

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không ít địa phương có cảng biển còn lúng túng trong việc xử lý tình huống tàu vận tải biển cập cảng có thuyền viên mắc Covid-19.

Lúng túng trong tiếp nhận, cách ly và điều trị Covid-19 cho thuyền viên

Đại Dương Sea – con tàu có thuyền viên mắc Covid-19 được tỉnh Long An tiếp nhận chậm trễ

Thuyền viên mắc Covid-19 cập cảng, hai ngày sau mới được đưa đi điều trị

Để vừa giúp vận tải biển thông suốt trong mùa Covid-19, vừa phòng, chống dịch xâm nhập từ đường biển, nhiều địa phương ven biển đã chủ động các phương án ngăn ngừa, nhất là đối với các con tàu. Nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít địa phương lúng túng khi phát hiện những con tàu có thuyền viên nhiễm Covid-19.

Câu chuyện tỉnh Long An gửi công văn cho tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu xin lỗi và thừa nhận đã “lúng túng” tiếp nhận, cách ly và điều trị thuyền viên tàu Đại Dương Sea mắc Covid-19 là một ví dụ. Ngày 24/4/2021, tàu Đại Dương Sea với 18 thuyền viên đi từ cảng Sampit, Indonesia về cảng ở Long An.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Long An đã nhờ CDC Vũng Tàu phối hợp lấy mẫu xét nghiệm trước khi cho tàu nhập cảnh. Kết quả xét nghiệm cho thấy có 12/18 thuyền viên tàu dương tính với SARS-CoV-2.

Lý giải cho việc thuyền viên mắc Covid-19 phải ở trên tàu đến 2 ngày mới được làm thủ tục xét nghiệm, tỉnh Long An cho biết, lực lượng phòng, chống dịch Covid-19 của tỉnh phải ứng phó dịch bệnh từ nhiều phía nên chưa chú trọng tới nguy cơ dịch Covid-19 từ biển. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chưa sẵn sàng lực lượng và cơ sở vật chất để tiếp nhận điều trị và cách ly cho các thuyền viên trên tàu vì đây là tình huống đầu tiên.

Hai ngày phải neo đậu ở Phao số 0, không được chữa trị, cách ly, những thuyền viên trên tàu bắt đầu bất ổn và lo lắng. Sau công văn đề nghị hỗ trợ tiếp nhận điều trị, cách ly y tế đối với các thuyền viên trên tàu Đại Dương Sea của tỉnh Long An, UBND tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu đã đồng ý tiếp nhận và điều trị cho các thuyền viên mắc Covid-19 vì lý do nhân đạo.

Ban đầu, tàu Đại Dương Sea chỉ có 12 thuyền viên mắc Covid-19. Nhưng do tiếp xúc quá gần trên một con tàu trong thời gian khá dài, không may là năm trong số sáu thuyền viên bị cách ly cũng bị mắc Covid-19 sau đó ít ngày.

Một câu chuyện khác, đó là hồi tháng 7/2021, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC) Bình Thuận đã phải xin ý kiến Sở Y tế tỉnh về việc xử lý trường hợp tàu FAREAST HONESTY (Hong Kong) chuẩn bị nhập than vào Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thì phát hiện 3 thuyền viên mắc Covid-19. Tàu gồm 21 thuyền viên, chở 55.000 tấn than, xuất bến tại Indonesia ngày 8/7.

Theo Sở Y tế Bình Thuận, quy định về phòng, chống Covid-19 đối với tàu biển là trước khi cập cảng bốc dỡ hàng hóa, tất cả các thuyền viên trên tàu phải được xét nghiệm Covid-19. Trường hợp phát hiện các thuyền viên mắc bệnh thì yêu cầu tàu phải quay lại nơi xuất phát để thực hiện biện pháp phòng dịch, thay thế tất cả thuyền viên này, không được cập cảng.

Vào thời điểm đó, đại diện Suek AG (văn phòng tại Hà Nội) – chủ lô hàng nói trên cho biết yêu cầu của CDC Bình Thuận là quá khó khăn và không thể thực hiện được. Suek AG đề nghị CDC Bình Thuận lấy mẫu xét nghiệm để xác định chính xác số thuyền viên mắc Covid-19. Sau đó sẽ cách ly những người đã mắc Covid-19 và tiến hành xét nghiệm lại 3 lần đối với những thuyền viên còn lại, phun khử trùng toàn bộ tàu, cho phép tàu vào cảng dỡ hàng nếu không phát hiện trường hợp dương tính…

Trong trường hợp toàn bộ thuyền viên trên tàu mắc Covid-19, đơn vị đề xuất đưa toàn bộ những người này đi cách ly, sau đó phun khử trùng toàn tàu và chủ tàu sẽ thuê một đội thuyền viên mới tại Việt Nam để đảm nhận việc dỡ hàng…

Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng đề nghị UBND tỉnh Bình Thuận quan tâm, hướng dẫn Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thực hiện đúng các quy định về phòng, chống và đảm bảo đủ nhiên liệu cho công tác sản xuất điện tại đây. Tuy nhiên, trong vụ việc này, Sở Y tế Bình Thuận vẫn không có phương án nào ngoài yêu cầu như cũ. Đại diện Sở Y tế cho biết, trừ khi thuyền viên trên tàu có sức khỏe nguy kịch, không chỉ là trường hợp do dịch COVID-19 thì địa phương sẽ có phương án đưa vào đất liền điều trị…

Nơi chủ động, nơi lúng túng, thiệt thòi thuộc về thuyền viên

Theo ông Lê Văn Thức – Giám đốc Cảng vụ Hàng hải Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu có hệ thống cảng nước sâu Cái Mép/Thị Vải mỗi ngày tiếp nhận hàng trăm tàu, thuyền ra vào nên nguy cơ bùng phát dịch rất cao. Do đó, Cảng vụ luôn chủ động các phương án phòng, chống dịch từ xa, nhất là đối với các tàu, thuyền nước ngoài vào ra các cảng biển.

Còn Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng – nơi quản lý cụm cảng biển lớn thứ hai Việt Nam và lớn nhất miền Bắc đã phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước tại cảng (Biên phòng, Hải quan, Kiểm dịch) và các đơn vị liên quan (Hoa tiêu, đại lý, chủ tàu, doanh nghiệp cảng…) thống nhất các biện pháp phòng, chống dịch.

Câu chuyện tàu Tianjin Highway (quốc tịch Panama) có thuyền trưởng tử vong là một ví dụ. Tàu khởi hành từ Thái Lan chở 1.953 xe ô tô đến cảng Hải Phòng. Trong hành trình, thuyền trưởng người Bulgaria tử vong đột ngột. Mặc dù cực kỳ hoang mang, 23 thuyền viên còn lại vẫn tiếp tục hải trình hướng về phía Cảng Hải Phòng, với mong muốn chuyển giao được gần 2.000 xe ô tô theo đúng hợp đồng và đưa thi hài của thuyền trưởng lên bờ để về nước.

Lúng túng trong tiếp nhận, cách ly và điều trị Covid-19 cho thuyền viên

Thuyền viên được tiêm vắc xin phòng Covid-19

Ở thời điểm đó, dịch Covid-19 mới bắt đầu bùng phát ở Việt Nam, mục tiêu phòng ngừa dịch từ ngoài vào được đặt lên cao nhất. Việc từ chối không cho tàu cập cảng làm hàng là rất dễ dàng với lý do vì sự an toàn. Nhưng Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng họp khẩn với các bên liên quan nhằm tìm các biện pháp cho tàu Tianjin Highway vào cảng Tân Vũ làm hàng.

Cuộc họp đã đi tới thống nhất: Nếu 23 thuyền viên trên tàu có kết quả âm tính với virus SARS-CoV-2, sẽ đồng ý cho phép tàu cập cảng dỡ hàng rồi tiếp tục hành trình, còn thi thể thuyền trưởng vẫn phải bảo quản tại hầm lạnh trên tàu và chuyển theo tàu ra nước ngoài. 12 tiếng sau, mẫu xét nghiệm 23 thuyền viên cho kết quả âm tính, hàng hóa được phép bốc dỡ xuống cảng, nhưng thuyền viên không được rời tàu lên bờ. Chiều tối 8/4/2020, việc bàn giao hàng đã tiến hành xong, con tàu lại tiếp tục hải trình.

Nhờ chủ động các phương án phòng, chống dịch nên nhiều cảng biển ở Việt Nam vẫn đang mở cửa hoạt động với công tác phòng, chống dịch lây lan từ ngoài vào cảng, từ cảng lên tàu và từ tàu vào đất liền. Tuy nhiên, một số địa phương lúng túng trong tiếp nhận điều trị, cách ly y tế đối với các thuyền viên mắc Covid-19 khiến lực lượng lao động này không khỏi lo lắng, vừa có nguy cơ gia tăng số ca mắc trên tàu.

Cả năm trời lênh đênh trên biển theo những con tàu, thuyền viên đầy lo lắng bởi nguy cơ lây nhiễm Covid-19 có thể ở bất cứ cảng biển nào. Trong khi đó, nguồn cung vắc xin cho thuyền viên còn rất ít ỏi.

Việt Nam hiện có 47 nghìn thuyền viên đang có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn để làm việc trên tàu biển, trong đó có 10 nghìn thuyền viên đang hoạt động trên biển. Khi về Việt Nam, chi phí cách ly cho thuyền viên quá đắt đỏ, tạo gánh nặng lớn cho các chủ tàu.

Ngược với tình trạng 10 nghìn thuyền viên đang lênh đênh trên biển không được về bờ thì 37 nghìn thuyền viên đang ở trên bờ cũng không có cơ hội đi biển. Nhưng các chính sách hỗ trợ người lao động của Chính phủ đã không tới được với những thuyền viên đang bị thất nghiệp vì đại dịch. Mắc Covid-19, trở về quê hương và không được hỗ trợ kịp thời khiến nhiều thuyền viên chưa yên tâm làm việc.

CSAT