Hãng tàu nước ngoài có thể tận dụng việc điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu của Việt Nam để tăng giá xếp dỡ.
Mức giá xếp dỡ hàng hóa tại cảng ngày càng tăng trong khi giá dịch vụ bốc dỡ container tại Việt Nam thì ngày càng giật lùi
Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang đứng trước mối lo lớn về việc hãng tàu nước ngoài có thể tận dụng việc điều chỉnh giá dịch vụ bốc dỡ container xuất nhập khẩu của Việt Nam để tăng giá xếp dỡ.
Nghịch lý giá bốc dỡ giảm, hãng tàu thu tăng
Ông Trần Bảo Ngọc, Vụ trưởng Vụ Vận tải cho biết, theo Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 54/2018 ban hành biểu khung giá dịch vụ hoa tiêu, dịch vụ sử dụng cầu, bến, phao neo, dịch vụ bốc dỡ container và dịch vụ lai dắt tại cảng biển Việt Nam, giá dịch vụ bốc dỡ container tại Việt Nam sẽ đồng loạt được điều chỉnh.
Cụ thể, tại khu vực 1, giá dịch vụ bốc dỡ tối thiểu (không áp dụng với cảng Lạch Huyện) dự kiến tăng 10%/năm trong ba năm 2021 – 2023. Đến năm 2023, mức giá này sẽ đạt 44 USD/container 20 feet và 61 USD/container 40 feet.
Giá tối thiểu bốc dỡ container xuất nhập khẩu (XNK) khu vực 2 dự kiến điều chỉnh tăng 10%/năm trong hai năm 2020 và 2023, nâng thành 55 USD/container 20 feet và 83 USD/container 40 feet vào năm 2023.
Tại khu vực 3, giá dịch vụ tối thiểu bốc dỡ container XNK (không bao gồm khu vực Cái Mép – Thị Vải) dự kiến tăng 10% trong hai năm 2022 và 2023, đạt 50 USD/container 20 feet và 75 USD/container 40 feet vào năm 2023.
Đối với khu vực cảng Lạch Huyện, dự thảo đề xuất tăng giá bốc dỡ container XNK theo lộ trình 10%/năm trong hai năm 2022 và 2023. Sau khi điều chỉnh, tại thời điểm năm 2021, mức giá là 57 USD/container 20 feet và 85 USD/container 40 feet. Năm 2023, mức giá là 63 USD/container 20 feet và 94 USD/container 40 feet.
Khu vực Cái Mép – Thị Vải, mức giá bốc dỡ container XNK được dự kiến tăng 10% năm 2021 và 10% năm 2023. Sau điều chỉnh, năm 2023, mức giá là 63 USD/container 20 feet và 94 USD/container 40 feet.
Thống nhất với dự thảo tăng giá đưa ra, ông Lê Quang Trung, Phó TGĐ Tổng công ty Hàng hải VN (VIMC) – doanh nghiệp dang quản lý một cảng liên doanh có giá trị đầu tư hơn 250 triệu USD tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải cho biết: Vấn đề bất hợp lý là giá bốc dỡ container hãng tàu trả về cho cảng chỉ chiếm khoảng 40% trong giá xếp dỡ hàng hóa tại cảng thu theo mỗi container (THC) họ thu của chủ hàng, trong khi với hạ tầng tương đương, nhiều cảng biển đã thu của hãng tàu mức giá xếp dỡ bằng 70 – 80% giá THC.
Đồng quan điểm, theo ông Nhữ Đình Thiện, Tổng thư ký Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải ước tính, các nhà đầu tư đã đổ vào khu vực Cái Mép – Thị Vải khoảng 6 – 7 tỷ USD nhưng những năm qua, hiệu quả thu lại chưa rõ ràng bởi giá bốc dỡ container còn quá thấp.
“Hơn 20 năm trước, khi hãng tàu nước ngoài mở dịch vụ container đến Việt Nam, giá xếp dỡ container tại cảng biển Việt Nam khi đó là 57 – 85 USD. Đến thời điểm hiện tại, giá xếp dỡ không được nâng lên mà còn giảm mạnh.
Trong khi đó, tại thời điểm 2007 – 2008, mức giá THC hãng tàu nước ngoài thu của chủ hàng XNK Việt Nam là 50 – 57 USD/container 20 feet và 70 – 75 USD/container 40 feet. Đến nay, giá THC tăng lên 120 USD/container 20 feet và 150 – 170 USD/ container 40 feet. Như vậy, sau 12 năm, mức giá THC tăng lên gấp đôi trong khi giá bốc dỡ container tại Việt Nam thì ngày càng giật lùi. Do đó, việc điều chỉnh giá xếp dỡ là rất cần thiết”, ông Thiện nói.
Có cơ sở pháp lý nhưng thực thi thiếu hiệu quả
Thống nhất về việc DN cảng biển Việt Nam không thể “đánh rơi” tiền vào túi hãng tàu nước ngoài, song ông Nguyễn Tương, Phó Tổng thư ký Hiệp hội DN Dịch vụ logistics Việt Nam e ngại việc giá dịch vụ Việt Nam tăng, các hãng tàu cũng sẽ tăng giá THC và đối tượng ảnh hưởng trực tiếp sẽ là các DN xuất nhập khẩu.
Ông Hồ Kim Lân, Tổng thư ký Hiệp hội Cảng biển VN cho biết, về việc điều chỉnh tăng giá THC của hãng tàu, Việt Nam đã có đủ cơ sở pháp lý đó là Luật Cạnh tranh. Trong đó nêu rõ, doanh nghiệp ở vị thế thống lĩnh thị trường (chiếm trên 30% thị phần một loại dịch vụ, một khu vực) phải chịu sự quản lý giám sát của cơ quan quản lý cạnh tranh của Nhà nước.
Nhất cử, nhất động tăng giá bao nhiêu, đặt điều kiện cung ứng dịch vụ tại thị trường hàng hải Việt Nam như thế nào phải làm rõ và báo cáo với cơ quan quản lý cạnh tranh Nhà nước cho phép thực hiện.
“Thực tế, chuẩn mực cạnh tranh quốc tế và khung pháp lý Việt Nam đã có nhưng Bộ Công thương hiện nay chưa làm được việc này. Tại các quốc gia khác, tổ chức thực hiện Luật Cạnh tranh là Chính quyền cảng từng khu vực thị trường. Còn ở Việt Nam, nếu triển khai đúng theo quy định hiện nay, Chính phủ cần chỉ đạo giao cơ chế quản lý cạnh tranh cho các cảng vụ hàng hải thực hiện”, ông Lân đề xuất.
Bàn về giải pháp quản lý việc tăng giá THC của hãng tàu nước ngoài, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Công cho biết, theo kinh nghiệm ở Mỹ, tất cả hãng tàu vào cảng biển phải công bố giá.
Trên cơ sở đó, các hiệp hội ngành hàng và DN tư nhân đàm phán với hãng tàu. Nếu thấy xuất hiện dấu hiệu hãng tàu sử dụng lợi thế của mình ban hành giá, phí quá lớn thì kiện ra cơ quan quản lý cạnh tranh. Nếu cơ quan quản lý cạnh tranh phát hiện vi phạm, hãng tàu sẽ bị xử phạt rất nặng nên gần như không có hãng tàu nào dám vi phạm.
Ở Việt Nam hiện tại, căn cứ Nghị định số 146/2016 của Chính phủ quy định việc niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển, khi tăng giá vận chuyển, tăng phụ thu, hãng tàu chỉ phải thông báo đến Cục Hàng hải VN trước 15 ngày.
“Thủ tướng Chính phủ cũng từng giao cho cơ quan có thẩm quyền rà soát các loại giá, phí hãng tàu đang thu của chủ hàng Việt Nam có vi phạm Luật Cạnh tranh không. Tuy nhiên, qua nhiều cuộc họp, cơ quan quản lý cạnh tranh vẫn chưa xử lý được. Mục tiêu thực hiện giám sát tăng phí của hãng tàu vẫn chưa đến đích”, Thứ trưởng Công nói.
Mặc dù vậy, Thứ trưởng Công nhấn mạnh, việc điều chỉnh giá xếp dỡ container tại cảng biển Việt Nam cần phải thực hiện sớm để DN cảng biển có nguồn lực đầu tư cảng biển hiện đại, tái đầu tư hạ tầng, áp dụng công nghệ ở cảng biển hiện hữu để nâng cao năng lực giải phóng tàu, từ đó gián tiếp kéo giảm chi phí logistics.
Ủng hộ việc tăng giá dịch vụ, song Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể yêu cầu Cục Hàng hải VN khẩn trương báo cáo giá dịch vụ bốc dỡ container của các nước trong khu vực cũng như xem xét các quốc gia đang thu giá xếp dỡ tại cảng biển của các hạng tàu ra sao?
“Cục Hàng hải Việt Nam cũng phải rà soát lại tất cả các loại phí hãng tàu đang thu của chủ hàng, cộng lại phí tổng của từng loại container xem có hợp lý hay không. Trường hợp giá dịch vụ tại cảng biển Việt Nam được điều chỉnh tăng, các hãng tàu có tăng giá THC đối với chủ hàng, cách nào khống chế được việc tăng giá THC vô tội vạ của các hãng tàu? Trường hợp Việt Nam đã có cơ sở pháp luật để quản lý vấn đề đó thì cần triển khai như thế nào đảm bảo hiệu quả?”, Bộ trưởng yêu cầu.