Ngành logistics Việt Nam với xu hướng chuyển đổi số

1/06/20 8:43 AM

Tại Việt Nam, ban đầu các doanh nghiệp bị đứt gẫy nguồn cung nguyên liệu, chủ yếu từ Trung Quốc, đặc biệt đối với những ngành sản xuất có tính gia công cao, phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài như dệt may, da giầy. Giai đoạn tiếp theo vào tháng 3, khi nguồn cung đó được hồi phục một phần thì thị trường đầu ra, đặc biệt là ở Châu Âu và Hoa Kỳ bị ảnh hưởng làm cho các doanh nghiệp vô cùng khó khăn.

Tình trạng đóng cửa biên giới phía Bắc, tiếp đến là phía Tây, Tây Nam. Các phương tiện vận chuyển cũng bị cắt giảm, bao gồm cả hàng không. Lượng hàng giao dịch cũng giảm xuống do nhu cầu giảm. Đến nay ở biên giới phía Bắc đã khôi phục được tương đối, còn phía Tây và Tây Nam thì vẫn đang còn đóng cửa.

Trong bối cảnh này, với ngành được coi là xương sống của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, phân phối, lưu thông cho đến tiêu thụ là logistics, cũng đứng trước tình trạng “sập nguồn” đột ngột. Đứt cung, gãy cầu, các doanh nghiệp trong ngành logistics buộc phải nghĩ đến và tìm kiếm những cơ hội trong nền tảng kinh tế số.

Tác động từ đại dịch COVID-19, chuyển đổi số là xu hướng cấp bách

Đại dịch COVID-19 bùng nổ từ tháng tháng 1/2020 đã tác động và ảnh hưởng mạnh mẽ đến tất cả các nền kinh tế toàn cầu, cả về kinh tế, tài chính, chính trị, văn hóa xã hội, ngoại giao và sức khỏe con người. Đến ngày 28/4 số người chết đã lên trên 200.000 người. Đại dịch đã làm gãy, đảo lộn hệ thống cung ứng toàn cầu, trong đó có hoạt động logistics, một mắt xích quan trọng của chuỗi cung ứng. Nền kinh tế Việt Nam bị tác động nặng nề. Tăng trưởng GDP quý I/2020 chỉ đạt 3,82%, mức thấp nhất trong giai đoạn 10 năm qua (2011 – 2020); Xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, quý I/2020 chỉ đạt 122,73 tỷ USD. Từ đó đối tượng phục vụ chủ yếu của ngành dịch vụ logistics là sản xuất, lưu thông phân phối và xuất nhập khẩu giảm sút đáng kể làm cho các doanh nghiệp (DN) cung cấp dịch vụ logistics gặp rất nhiều khó khăn, cần có biện pháp giải quyết cấp bách. Doanh thu giảm sút làm cho DN gặp quá nhiều khó khăn về tài chính thanh khoản và việc làm của người lao động.

Theo khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), 15% – 50% hoạt động của các Hội viên giảm về hoạt động và doanh thu, tùy theo loại hình dịch vụ cung cấp. Dịch vụ logistics hàng không, đường bộ và đường sắt bị ảnh hưởng nhiều nhất, đặc biệt trong thời gian thực hiện cách ly xã hội. 80 % Hội viên VLA là DN vừa và nhỏ, nên nhiều DN bị đình trệ sản xuất và một số DN sẽ giải thể nếu đại dịch kéo dài một thời gian nữa.

Đại dịch đã cho chúng ta thấy không nên quá phụ thuộc vào một vài nền kinh tế hàng đầu thế giới trong chuỗi cung ứng, một khi bị đứt gãy thì hoạt động logistics bị tác động theo, đáng chú ý là hoạt động tồn kho (inventory). Tuy nhiên, đại dịch cũng gián tiếp thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử phát triển, là chất xúc tác cho các DN chuyển đổi số. Chuyển đổi số là một yêu cầu khách quan và cấp bách hiện nay của ngành dịch vụ logistics.

Chuyển đổi số là gì và khác gì với số hóa

Theo các chuyên gia giải thích, số hóa là việc biến đổi các giá trị thực sang dạng số, còn chuyển đổi số là khi có dữ liệu được số hóa rồi, chúng ta phải sử dụng các công nghệ như AI, Bigdata… để phân tích dữ liệu, biến đổi nó và tạo ra một giá trị khác. Vì vậy, các DN cung cấp dịch vụ logistics cần thiết phải chuyển đổi số (Digital Tranformation) nhằm thay đổi sự trì trệ, tạo sự đột phá để nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí logistics, tăng trưởng, có thêm khách hàng và đạt lợi nhuận tối đa vượt trội so với trước khi chuyển đổi số.

Chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như cắt giảm chi phí hoạt động, tiếp cận được nhiều khách hàng hơn, trong thời gian dài hơn, lãnh đạo ra quyết định nhanh chóng và chính xác hơn nhờ hệ thống báo cáo thông suốt kịp thời. Nhân viên làm việc có hiệu quả cao hơn. Qua đó, hiệu quả hoạt động và tính cạnh tranh của DN được nâng cao. Cụ thể có lợi ích như sau:

» Xóa đi khoảng cách giữa các bộ phận trong một DN: Thực tế ở các DN chưa chuyển đổi số, hầu như không có sự liên kết thông tin giữa các bộ phận với nhau, không có tính liên kết bởi vì mỗi bộ phận sử dụng một phần mềm riêng lẻ. Chính điều này đã khiến cho công việc chung thường xuyên bị tắc nghẽn không rõ nguyên nhân, kéo theo hàng loạt các tác động xấu đến DN, doanh thu đi xuống, công tác chăm sóc khách hàng – một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của dịch vụ logistics bị hạn chế. Khi áp dụng chuyển đổi số, DN đã tạo ra một nền tảng kết nối được tất cả các bộ phận trong DN nhưng mỗi bộ phận nghiệp vụ vẫn có công cụ để phục vụ nghiệp vụ chuyên môn mà vẫn có thể giao tiếp với bộ phận khác. Thông qua các kết nối này, các vấn đề được nhận dạng, phòng ngừa trước khi xảy ra và sẽ được xử lý nhanh chóng khi các chức năng có thểnhận thấy và phối hợp cùng nhau.

» Tăng cường sự minh bạch và hiệu quả trong hệ thống quản trị DN. Thay vì phải đợi nhân viên gửi báo cáo qua đường email hoặc báo cáo bản cứng như trước đây, các lãnh đạo hoàn toàn có thể chủ động xem các loại báo cáo mà mình muốn bất cứ lúc nào thông qua hệ thống. Đây là lợi ích vô cùng to lớn do chuyển đổi số mang lại. Mọi hoạt động của DN được thể hiện qua các phần mềm quản trị DN, giúp lãnh đạo phát hiện ra khâu nào chưa tốt để cải thiện.

» Nâng cao năng suất lao động của nhân viên trong DN qua đó nâng cao khả năng cạnh tranh của DN, phục vụ khách hàng tốt hơn.

DN cung cấp dịch vụ logistics cần tiến hành chuyển đối như thế nào?

Trong ngành dịch vụ logistics của Việt Nam, công nghệ thông tin đã được quan tâm; quá trình chuyển đổi số đã bắt đầu diễn ra do yêu cầu công việc liên quan nhiều đến yếu tố quốc tế. Tuy nhiên, các DN dịch vụ logistics Việt Nam nói chung, nhất là DN vừa và nhỏ vẫn chưa nhận thức đúng vai trò chuyển đổi số trong cuộc các mạng công nghiệp lần thứ tư. Do DN vừa và nhỏ đang đối mặt với những rào cản trong quá trình chuyển đổi kỹ thuật số như: thiếu kỹ năng số và nguồn nhân lực, thiếu nền tảng công nghệ thông tin đủ mạnh cho phép chuyển đổi kỹ thuật số, thiếu tư duy kỹ thuật số và hơn hết là sự hạn chế về khả năng tài chính, mặc dù Việt Nam đã có khung pháp lý thương mại điện tử tương đối đầy đủ, cho phép chuyển đổi số.

Theo các chuyên gia, để chuyển đổi số các DN cần chuẩn bị các yếu tố: Đầu tiên, là sẵn sàng về phương diện lãnh đạo. Người lãnh đạo cần hiểu mình muốn gì và công nghệ có thể chuyển đổi công ty của mình thế nào, từ đó truyền dẫn đến nhân viên. Thứ hai, là sẵn sàng về phương diện tổ chức, cần sự tham gia của cả tổ chức để làm nên sự chuyển đổi. Thứ ba, là sẵn sàng về phương diện công nghệ, điều này cần được phát triển đồng thời với yếu tố nhân sự.

Việc chuyển đổi số phải làm vững chắc, theo lộ trình phù hợp với khả năng của DN. Rà soát mục tiêu tập trung để thực hiện, đánh giá lại số liệu hiện có của DN, cải tiến quy trình cho cả hoặc một phần quy trình; lựa chọn công nghệ và nhà cung cấp giải pháp cho phù hợp với lộ trình và khả năng tài chính, nhưng có tầm nhìn dài hạn.

Hiện nay, các DN của Việt Nam đang cung cấp từ 2 đến 17 dịch vụ logisitics khác nhau, trong đó chủ yếu là dịch vụ giao nhận, vận tải, kho hàng, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan. 50% – 60% DN đang ứng dụng các loại hình công nghệ khác nhau, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng DN. Như trên đã nêu, khó khăn lớn nhất cho DN là khả năng tài chính. Xin nêu một công nghệ cụ thể để chúng ta hình dung sự khó khăn của việc chuyển đổi số của DN logistics vừa và nhỏ.

CW1 là một công nghệ của Australia đang được sử dụng trên thế giới. Ở Việt Nam, công ty DTK Logistics Solution, TP. HCM, đang là đại diện. Cargowise One (CW1) tích hợp toàn bộ các hoạt động của DN, từ CRM (quản lý quan hệ khách hàng, từ bán hàng, booking, chứng từ, kế toán…). CW1 bao gồm nhiều phân hệ như Customs, TMS, WMS, Freight Forwarding… được tích hợp trong cùng một hệ thống (integrated system). Tính năng tự động hóa và tích hợp cao. Hệ thống được host trên cloud tại 3 trung tâm dữ liệu (data centers) ở Australia, Anh và Mỹ. Giá sử dụng tính theo người sử dụng và giao dịch (user và transaction). Với DN 25 – 50 người, chi phí sử dụng khoảng 50 – 150 triệu đồng/tháng. CW1 có tính linh hoạt rất cao (customization through configuraration); người sử dụng, một năm phải thanh toán từ 1 tỷ đến 1,5 tỷ VND. Trong khi đó, phần mềm giao nhận, vận tải, kho bãi đơn lẻ hiện giải quyết vấn đề số hoá chứ không giúp cho chuyển đổi số. Phần mềm giao nhận hiện tại, khoảng 100 – 200 triệu đồng, trả một lần, sau đó có phí bảo trì hàng năm khoảng 10%-20%.


Một số kiến nghị với Cơ quan Nhà Nước

Việc chuyển đổi số đối với DN cung cấp dịch vụ logistics hiện nay là một yêu cầu cấp thiết để khôi phục và phát triển ngành dịch vụ logistics trong điều kiện “sống an toàn” với đại dịch COVID-19. Tuy nhiên, ngoài quyết tâm, chủ động và nỗ lực của DN là chính thì cũng cần phải có sự hỗ trợ của Nhà nước.

Trước hết là việc hoàn thiện khung khổ pháp lý cho việc chuyển đổi số, nhất là vấn đề bảo mật, hợp tác phòng chống phá hoại, vấn đề quản trị kỹ thuật số, thuế đánh vào công nghệ số nhằm khuyến khích phát triển… Bên cạnh đó, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích chuyển đổi số, hỗ trợ về vốn vay và lãi vay ưu đãi cho các DN chuyển đổi số và cho các công ty khởi nghiệp về giải pháp công nghệ số. Trên cơ sở đó, DN logistics có thể mua giải pháp hoặc thuê giải pháp từ các DN cung cấp phần mềm khi chưa có đủ khả năng tài chính.


Nguyễn Tương/VLR