Ấn Độ hiện đã đưa ra nhiều ưu đãi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này như miễn thuế 10 năm cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển, bảo trì và khai thác cảng, đường thủy nội địa và cảng nội địa…
Một tàu container tại cảng New Mangalore ở bang Karnataka, Tây Nam Ấn Độ
Việc thiết lập các hạ tầng logistics, cảng biển của Việt Nam tại Ấn Độ sẽ giúp giảm chi phí vận tải và giảm thời gian vận chuyển của hàng hóa Việt Nam tại thị trường này. Chiến lược này cũng giúp nhà đầu tư Việt Nam được hưởng các ưu đãi của Chính phủ Ấn Độ. Đây là nội dung được bàn trong hội thảo trực tuyến với chủ đề “Cơ hội đầu tư và kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực vận tải và logistics tại thị trường Ấn Độ” được tổ chức ngày 2/3.
Phát biểu cuộc hội thảo, ông Rajeswara Sastry, Giám đốc công ty Vipra Associates, đơn vị chuyên tư vấn về lĩnh vực logistics, thông quan hàng hóa tại Ấn Độ cho rằng, chính phủ Ấn Độ xác định vận tải biển và logistics là khâu đột phá để phát triển đất nước. Nước này đang ưu tiên nâng cấp cơ sở hạ tầng giao thông vận tải để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới vào năm 2030. Đây là cơ hội lớn cho các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Việt Nam.
Tuyến dịch vụ vận tải container kết nối trực tiếp Việt Nam – Malaysia – Ấn Độ
Trong khi đó, ông Lê Quang Trung, Phó Tổng giám đốc, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC) cho biết, doanh nghiệp này mong muốn phát triển tuyến đường biển trực tiếp kết nối Việt Nam – Kolkata, Ấn Độ. Trong thời gian tới VIMC có thể kết nối với các doanh nghiệp vận tải phía Ấn Độ để mở rộng kết nối vận tải đường biển giữa hai quốc gia. VIMC cũng nghiên cứu sâu hơn về thị trường Ấn Độ với mục tiêu thành lập trung tâm trung chuyển cho hàng hóa của Việt Nam (Vietnam House) để khuyến khích hoạt động trao đổi thương mại Việt Nam – Ấn Độ.
Theo ông Bùi Trung Thướng, Tham tán Thương mại, Trưởng Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ, Ấn Độ là thị trường logistics tiềm năng với giá trị 150 tỷ USD, đóng góp 14,4% GDP của đất nước. Đối với vận tải quốc tế, vận tải đường biển tại Ấn Độ chiếm khoảng 95% về khối lượng và 70% về giá trị. Ấn Độ có 12 cảng chính (Mumbai, Chennai, Visakhapatnam, Kolkata…) và 205 cảng nhỏ và trung gian.
Ấn Độ hiện đã đưa ra nhiều ưu đãi nhằm thu hút đầu tư trong và ngoài nước vào lĩnh vực này. Nước này miễn thuế 10 năm cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực phát triển, bảo trì và khai thác cảng, đường thủy nội địa và cảng nội địa. Ấn Độ cũng cho phép tư nhân mua nhượng quyền quản lý tại các cảng do Nhà nước sở hữu với thời hạn 30 năm và có các điều khoản gia hạn tiếp theo. Chính phủ Ấn Độ cho phép nước ngoài thành lập doanh nghiệp FDI 100% theo lộ trình tự động cho các dự án liên quan đến xây dựng và bảo trì các cảng và bến cảng ở Ấn Độ./.