Phát huy vai trò đầu tàu lĩnh vực logistics

1/11/24 11:59 AM

Bài 1: Cảng Đà Nẵng gắn kết cùng thương hiệu của thành phố đáng sống!

Bài 2: Cảng Đà Nẵng hướng đến cảng xanh: Lộ trình và những giải pháp 

Bài 3: Định hướng chiến lược phát triển đúng đắn 

Là tổ hợp cảng biển lớn và hiện đại nhất khu vực miền Trung, một cửa mở quan trọng hướng ra đại dương, điểm đầu và cũng là điểm cuối của tuyến hành lang kinh tế Đông – Tây, cảng Đà Nẵng có vai trò đặc biệt, đầu tàu trong lĩnh vực logistics, đóng góp quan trọng trong sự phát triển kinh tế – xã hội của thành phố đáng sống – thành phố Đà Nẵng.

Chủ động thích ứng

Trước hết, về mặt kinh tế, tổ hợp cảng Đà Nẵng đóng vai trò quan trọng là trở thành một cảng trung tâm, phục vụ chiến lược phát triển kinh tế biển, có tính chất chuyên dùng, để những loại tàu cỡ lớn chở container, chở hàng tổng hợp và chở khách quốc tế xuất, nhập cảnh. Hệ thống cảng Đà Nẵng còn góp phần quá cảnh và trung chuyển hàng hóa cho các nước Lào, Thái Lan, Myanmar.

Với lợi thế cùng lúc có thể đón tàu sức chở lớn tại 7 cầu cảng khu bến Tiên Sa và khai thác quanh năm, cảng Đà Nẵng đang hoạt động với công suất bình quân trên 10 triệu tấn hàng hóa thông qua mỗi năm, doanh thu hàng năm hàng nghìn tỷ đồng, giải quyết việc làm cho hơn 1.100 người lao động thuộc cảng Đà Nẵng; bên cạnh đó thì doanh thu và nguồn thuế đóng góp từ các đơn vị vận tải, logicstics, nhà xuất nhập khẩu có hàng hóa thông qua cảng Đà Nẵng là rất lớn và đã tạo việc làm cho hàng ngàn người lao động của các đơn vị này.

z5984159447666-e483f6de3656b22ac19314de86e0db29.jpg

Bến cảng Tiên Sa.

Sau khi đưa dự án nâng cấp, mở rộng cảng Tiên Sa giai đoạn 2 đi vào hoạt động cuối năm 2018 đã nâng tổng số mét chiều dài cầu cảng của khu bến Tiên Sa lên 1.700m, cùng với đó là hiệu quả cao của quá trình chuyển đổi số vô cùng mạnh mẽ kết hợp với việc đầu tư đồng bộ hạ tầng, thiết bị, số liệu thống kê giai đoạn 2019 – 2023 cho thấy sản lượng hàng hóa thông qua cảng đã tăng 41%, trong đó sản lượng container tăng 83%. Tỷ trọng của hàng hóa luôn chiếm đến 95% sản lượng khai thác cầu bến của cảng Tiên Sa.

Ngược thời gian 15 năm về trước, cảng Đà Nẵng chưa phải là “anh cả” về lượng hàng thông qua tại các cảng trong khu vực miền Trung và lượng hàng có phần có phần nghiêng về phía nhập khẩu. Nhưng sau khi đã tạo lập được một thị trường vận tải container đông đúc, sôi động, cạnh tranh và phát triển mạnh mẽ thì trong 10 năm trở lại đây, cảng Đà Nẵng luôn dẫn đầu về sản lượng và hàng xuất nhập khẩu thông qua cảng Đà Nẵng gần như đã ở thế “cân bằng”. Điều này cho thấy:

Một là, sức sản xuất, lưu thông, tiêu dùng vùng hậu phương của cảng Đà Nẵng đang phát triển mạnh mẽ. Hai là, chi phí vận tải bằng đường biển tại cảng Đà Nẵng có tính cạnh tranh rất cao khi có rất nhiều hãng tàu cập cảng và lượng hàng hóa đã đủ lớn. Ba là, cảng Đà Nẵng đã thực hiện rất tốt sứ mệnh của mình là bảo đảm dòng hàng hóa thông qua an toàn, nhanh chóng cũng như thể hiện vai trò dẫn dắt trong khối cảng biển khu vực miền Trung.

Tầm nhìn mới

Khu bến cảng Liên Chiểu đưa vào khai thác chắc chắn sẽ nâng tầm thành phố Đà Nẵng về cung ứng dịch vụ cảng biển. Là “con đẻ” của thành phố trên 123 năm cũng như với “tầm vóc” hiện tại của mình, cảng Đà Nẵng cần được các cấp thẩm quyền tạo điều kiện “gia nhập” vào “sân chơi” cảng Liên Chiểu. Điều này giúp giải quyết vấn đề bảo toàn thương hiệu của cảng Đà Nẵng cũng như là tiền đề để xử lý bài toán chuyển đổi công năng thành cảng du lịch của cảng Tiên Sa.

Do vậy, trước hết, để cảng Đà Nẵng “gia nhập” vào “sân chơi” cảng Liên Chiểu thì các ban, ngành chức năng từ địa phương đến trung ương cần có cơ chế, chính sách quy hoạch cho cảng Đà Nẵng được một phần trong tổng thể bến cảng Liên Chiểu với kết cấu hạ tầng đồng bộ (đê chắn sóng, luồng, vũng quay tàu, kết nối giao thông đường bộ) để cảng Đà Nẵng có thể đầu tư xây dựng bến cảng mới trước năm 2030 nhằm phục vụ di dời công năng khai thác hàng hóa cho bến cảng Tiên Sa, cũng như để cảng Đà Nẵng sớm có điều kiện xây dựng kế hoạch chuyển đổi công năng cảng Tiên Sa thành cảng du lịch; chuyển dần lực lượng lao động, phương tiện thiết bị đã đầu tư sang bến cảng mới, tận dụng được nguồn lực và kinh nghiệm trong hoạt động khai thác cảng biển, ổn định sản xuất kinh doanh và đời sống của người lao động, tránh việc lãng phí rất lớn nguồn lực của doanh nghiệp và không làm mất vốn Nhà nước tại một doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối. Việc đầu tư các bến cảng tại khu bến Liên Chiểu kịp thời, đồng bộ với tiến độ hạ tầng dùng chung đang đầu tư xây dựng còn tránh được sự lãng phí rất lớn nguồn vốn của Nhà nước đầu tư cho hợp phần A của cảng Liên Chiểu.

picture-lien-chieu.jpg

Phối cảnh cảng Liên Chiểu

Bởi theo Quyết định số 1579/QĐ- TTg ngày 22.9.2021 của Thủ tướng thì khi cảng Liên Chiểu đã đi vào khai thác và sau năm 2030 cảng Tiên Sa dần chuyển đổi công năng thành cảng du lịch và khu bến cảng Liên Chiểu là khu vực cuối cùng được quy hoạch phát triển cảng biển còn lại của thành phố Đà Nẵng.

Mới đây, ngày 08.10.2024, cảng Đà Nẵng đã gửi công văn số 1323/CĐN- KTCT về việc di dời công năng khai thác hàng hóa từ bến cảng Tiên Sa đến bến cảng Liên Chiểu đến Thủ tướng Chính phủ đề nghị xem xét và cho ý kiến với các cơ quan chức năng với nội dung như sau:

Thứ nhất, đối với việc di dời công năng khai thác hàng hóa của cảng Tiên Sa: Quyết định chủ trương đầu tư dự án 2 bến khởi động theo kêu gọi đầu tư của UBND thành phố Đà Nẵng được đề xuất tại bộ hồ sơ mà cảng Đà Nẵng đã nộp hợp lệ và đang được Bộ Kế hoạch Đầu tư lấy ý kiến các Bộ liên quan để thẩm định. Giao cho cảng Đà Nẵng làm chủ đầu tư 2 bến khởi động. Quy hoạch một phần trong bến cảng Liên Chiểu để giao cảng Đà Nẵng đầu tư xây dựng bến cảng mới trước năm 2030 để di dời công năng khai thác hàng hóa cho bến cảng Tiên Sa, nhằm bảo đảm việc duy trì năng lực khai thác hàng hóa như hiện tại với ít nhất là 1.700m cầu cảng.

Hoặc quy hoạch một phần trong bến cảng Liên Chiểu để giao cho cảng Đà Nẵng đầu tư xây dựng bến cảng mới trước năm 2030 để di dời công năng khai thác hàng hóa cho bến cảng Tiên Sa, nhằm bảo đảm việc duy trì năng lực khai thác hàng hóa như hiện tại với ít nhất là 1.700m cầu cảng.

Thứ hai, đối với việc chuyển đổi công năng bến cảng Tiên Sa, cảng Đà Nẵng sẽ phối hợp với các cơ quan đơn vị quản lý để thực hiện việc chuyển đổi thành cảng khai thác du lịch, góp phần vào việc phát triển du lịch và đúng như quy hoạch chung của thành phố Đà Nẵng.

Ý thức cao vai trò và sứ mệnh lịch sử của mình, cảng Đà Nẵng luôn đổi mới chính mình, kịp thích ứng với thời kỳ đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Lãnh đạo cảng Đà Nẵng luôn mong muốn “được an cư lạc nghiệp” nên đã và đang xây dựng chiến lược mới, tổ chức lại bộ máy sản xuất – kinh doanh để sẵn sàng tư thế cho việc “gia nhập sân chơi” cảng Liên Chiểu – là cảng xanh, thông minh ngang tầm với các cảng biển hàng đầu thế giới.

Cảng biển khu vực Đà Nẵng có một vị trí địa chiến lược vô cùng quan trọng, cảng Đà Nẵng, một doanh nghiệp có vốn Nhà nước chi phối đã góp phần rất tốt cho việc bảo đảm củng cố, giữ vững thế trận an ninh quốc phòng trong thời gian qua. Thương hiệu hơn 123 năm của cảng Đà Nẵng có tiếp tục đồng hành, phát triển cùng thành phố Đà Nẵng tại cảng biển Liên Chiểu hay không sẽ được các cấp thẩm quyền cẩn trọng suy xét, quyết định.

Báo Đại biểu nhân dân