Trong bối cảnh thế giới hướng tới phát triển các ngành công nghiệp xanh, ngành hàng hải cũng đối mặt với nhiệm vụ quan trọng về việc giảm phát thải khí nhà kính, giảm ô nhiễm môi trường.
Thực hiện xu hướng công nghệ xanh của ngành vận tải biển được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn thế giới
Ngày 20/8, tại Công ty TNHH Cảng Quốc tế Cái Mép (CMIT), Hiệp hội Cảng biển Việt Nam tổ chức hội thảo “Chuyển đổi xanh trong ngành hàng hải”. Hội thảo nhằm mục đích tạo diễn đàn trao đổi thông tin, kinh nghiệm, nâng cao nhận thức của khối cảng biển và chia sẻ các giải pháp hướng tới mục tiêu chuyển đổi xanh, giảm thiểu phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực hàng hải, một xu hướng tất yếu và cấp thiết trong bối cảnh toàn cầu hiện nay.
Các đại biểu tham dự hội thảo
Theo Cục Hàng hải Việt Nam, việc tiếp tục thực hiện xu hướng công nghệ xanh của ngành vận tải biển được coi là nhiệm vụ quan trọng của toàn thế giới. Các tổ chức, DN phải tìm ra giải pháp tăng cường kết nối các phương thức vận tải kết hợp dịch vụ hậu cần chất lượng cao, giảm hệ số phương tiện chạy không, cũng như giảm ùn tắc hàng hóa trong hoạt động vận tải biển và chuỗi cung ứng dịch vụ logistics.
Đồng thời, thực hiện nghiên cứu và phát triển công nghệ để ứng dụng và chuyển giao sang các loại công nghệ xanh, ứng dụng năng lượng xanh, kết cấu hạ tầng xanh, giúp giảm phát thải khí nhà kính và cung ứng năng lượng xanh.
Tại Hội thảo, các diễn giả đã chia sẻ những kinh nghiệm và chiến lược nhằm thực hiện các cam kết của Việt Nam tại COP26, hướng tới mục tiêu đạt được Net Zero vào năm 2050 cũng như lộ trình, kế hoạch và hành động của các bên liên quan trong ngành hàng hải và các tác động đến ngành cảng biển Việt Nam.
Theo các chuyên gia, phát triển cảng xanh, vận tải biển xanh vừa là nhiệm vụ, vừa là thách thức không nhỏ với các DN lĩnh vực hàng hải, đòi hỏi thời gian, công sức và chi phí lớn.
Bà Trần Thị Tú Anh, Phó Trưởng phòng Khoa học – Công nghệ và Môi trường (Cục Hàng hải Việt Nam) cho rằng, việc chuyển đổi năng lượng xanh đang nổi lên là một vấn đề không hề dễ dàng có thể giải quyết đối với các DN vận tải biển Việt Nam và là bài toán kinh tế đắt đỏ. Tuy nhiên, các DN muốn tồn tại buộc phải thay đổi theo sự thay đổi của thế giới.
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng Quốc tế Cái Mép trình bày tham luận về tác động của các cam kết CO2 với khối cảng biển Việt Nam
Ông Nguyễn Xuân Kỳ, Tổng Giám đốc Cảng CMIT, đã chia sẻ tác động về các cam kết giảm CO2 của các hãng tàu trong việc đạt được mục tiêu Net Zero và tác động của các cam kết này đến khối cảng biển Việt Nam. Ngoài ra, việc phát triển các hành lang vận tải xanh cũng được nhấn mạnh như một phần quan trọng của chiến lược hướng tới mục tiêu đạt được Net Zero vào năm 2050.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, chuyển đổi năng lượng xanh không thể chỉ phụ thuộc vào năng lực, nội lực của từng DN mà cần sự chung tay, hỗ trợ của nhiều cấp, ngành. Ông Vũ Anh Tuấn Phó trưởng Phòng Kỹ thuật Tổng Công ty Tân cảng Sài Gòn, cho rằng, cần có sự hỗ trợ từ Chính phủ như xây dựng các quy định pháp lý và tiêu chuẩn rõ ràng về cảng xanh, bao gồm các yêu cầu về giảm thiểu khí thải, quản lý chất thải, sử dụng năng lượng tái tạo và bảo vệ môi trường.
Áp dụng các chế tài mạnh đối với hành vi vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường trong hoạt động của cảng. Cung cấp các gói hỗ trợ tài chính, vay vốn ưu đãi cho các cảng và DN để đầu tư vào cơ sở hạ tầng xanh và công nghệ thân thiện với môi trường. Áp dụng các chính sách miễn giảm thuế, thủ tục cho các dự án đầu tư vào phát triển cảng xanh, nhằm khuyến khích DN tham gia.
Các vấn đề liên quan đến thách thức và cơ hội trong việc thực hiện chuyển đổi xanh cũng đã được thảo luận sôi nổi. Các đại biểu cũng đồng thuận rằng việc tăng cường hợp tác giữa các bên liên quan là yếu tố then chốt giúp đẩy mạnh quá trình thực hiện chuyển đổi xanh, giúp ngành cảng biển Việt Nam tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững.