Phó Chủ tịch UBQLVNN Nguyễn Ngọc Cảnh làm việc với Cảng Sài Gòn

19/11/22 8:52 AM

Ngày 17/11, tại TP.Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh và đoàn công tác của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có buổi làm việc với Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn.

Cùng tham dự, về phía Ủy ban có đại diện các Vụ Công nghệ và hạ tầng, Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ, Vụ Tổng hợp, Văn phòng Ủy ban;  Lãnh đạo Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC). Về phía Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn có đại diện Ban lãnh đạo công ty và các phòng, ban, đơn vị.

Báo cáo với Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh và Đoàn công tác, ông Nguyễn Lê Chơn Tâm – Tổng giám đốc Cảng Sài Gòn cho biết: Với tổng sản lượng hàng hóa thông qua hàng năm hơn 10 triệu tấn, Cảng Sài Gòn có vai trò và nhiệm vụ quan trọng phục vụ nhu cầu xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế nói chung cho toàn khu vực phía Nam của đất nước. Năm 2022, tình hình kinh doanh có nhiều thuận lợi hơn nhờ triển vọng tăng trưởng sản lượng hàng hóa thông qua cảng biển, giúp hoạt động sản xuất và lưu thông hàng hóa được khôi phục, phản ánh tích cực trực tiếp vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Cụ thể, 10 tháng đầu năm, doanh thu hợp nhất của Cảng Sài Gòn ước đạt 1.041,2 tỷ đồng, bằng 88% so với cùng kỳ năm 2021 và, đạt 81% kế hoạch năm; lợi nhuận trước thuế ước đạt 250,9 tỷ đồng, bằng 70% so với cùng kỳ và 65% kế hoạch năm. Ước thực hiện năm 2022 là 406 tỷ đạt 115% so kế hoạch năm.

Tác động của chiến sự Nga-Ukraine, chủ trương “Zero Covid” tại Trung Quốc, nhu cầu tiêu dùng tại Mỹ và châu Âu giảm mạnh; Giá các loại hàng hóa thiết yếu trên thị trường thế giới tăng cao; tạo áp lực lớn đến lạm phát toàn cầu; phí cơ sở hạ tầng cảng biển áp dụng từ 1/4/2022 tại TP.Hồ Chí Minh đã tác động tiêu cực đến các mặt hàng chủ lực của cảng như sắt thép, phân bón nhập khẩu, container nội địa là nguyên nhân doanh thu và lợi nhuận hoạt động kinh doanh khai thác cảng biển giảm so với cùng kỳ 2021.

Công ty đã xây dựng kế hoạch phát triển Cảng Sài Gòn giai đoạn 2022 – 2030, với mục tiêu đầu tư cảng cửa ngõ và trung tâm logistics tại Hiệp Phước thành trung tâm phân phối hàng hoá, tiếp nhận và lưu giữ hàng hóa cho Cảng Sài Gòn – Hiệp Phước và các cảng khác trong khu vực; hỗ trợ các công tác lai dắt tàu, vệ sinh tàu và cung ứng nước ngọt, cung cấp dịch vụ sửa chữa và bảo trì duy tu các thiết bị bốc xếp và phương tiện vận tải. Đầu tư cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ (SIGP); đầu tư kho vận tải khu Tân Thuận; xây dựng hệ sinh thái logistics.

Tại buổi làm việc, kiến nghị với lãnh đạo Ủy ban và Đoàn công tác, đại diện Cảng Sài Gòn đề xuất xem xét việc duy trì (đóng/mở) khu bến cảng Nhà Rồng – Khánh Hội trong điều kiện Cảng Sài Gòn phải tiếp nhận các tàu quân sự, tàu khách quốc tế và các tàu thương mại phục vụ kinh tế xã hội của TP.Hồ Chí Minh khi các cảng trong khu vực hiện nay chưa thể tiếp nhận/thay thế. Đồng thời kiến nghị Ủy ban đề xuất TP.Hồ Chí Minh sớm có Tờ trình đưa dự án Cảng Trung chuyển Quốc tế Cần Giờ vào Quy hoạch tổng thể quốc gia dự kiến trình Quốc hội vào cuối năm 2022; xem xét việc duy trì khu Tân Thuận cho đến khi di dời theo kế hoạch là sau năm 2030… Với cảng cửa ngõ Hiệp Phước, sớm hoàn tất phân đoạn Bến Lức – Hiệp Phước của Cao tốc Bến Lức – Long Thành trong năm 2023….

Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu kết luận buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Nguyễn Ngọc Cảnh ghi nhận sự nỗ lực của hội đồng quản trị, tập thể lãnh đạo, người lao động tại Công ty Cổ phần Cảng Sài Gòn trong 10 tháng đầu năm 2022 đã đạt được một số chỉ tiêu trọng yếu của kế hoạch sản xuất, kinh doanh và đầu tư phát triển năm 2022.

Dự báo 02 tháng cuối năm 2022 và dự báo năm 2023 sẽ là giai đoạn khó khăn với các cảng biển về hàng hóa vì tình trạng suy thoái toàn cầu. Áp lực về tài chính, nhu cầu về hàng hóa tại các thị trường chính như châu Âu, Mỹ đang giảm sút cũng là một trong những vấn đề có thể tạo nên khó khăn cho tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng hàng hóa thông qua Cảng Việt Nam, trong đó có Công ty Cảng Sài Gòn. Do đó, Cảng Sài Gòn cần tập trung đầu tư khai thác có hiệu quả các cảng biển, nắm giữ vai trò trụ cột, là động lực chính thúc đẩy sự phát triển của chuỗi dịch vụ logistics trong hệ sinh thái.

Mặt khác, cần mở rộng tìm kiếm cơ hội, khách hàng mới, đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ để tăng doanh thu; cắt giảm, kiểm soát chi phí, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của doanh nghiệp. Tiếp tục đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp, tăng cường chuyển đổi số trong mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp; Xây dựng và áp dụng theo các chuẩn mực quản trị doanh nghiệp tiên tiến giúp nâng cao hiệu quả hoạt động, gia tăng giá trị doanh nghiệp, đồng thời gia tăng giá trị phần vốn nhà nước và các cổ đông.

Chú trọng vào các khách hàng mục tiêu: Các tập đoàn, tổng công ty lớn, các khu kinh tế, khu công nghiệp trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Khách hàng mục tiêu cho khối cảng khai thác hàng container là các hãng tàu container lớn trên thế giới như Maersk Line, MSC, Wanhai, Evergreen, ONE…, các liên minh hãng tàu như 2M, The Alliance, Ocean Alliance…

Đối với hoạt động đầu tư phát triển, cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các dự án đầu tư, gắn với bảo đảm chất lượng và hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, trong đó: triển khai các giải pháp tạo sự đột phá trong công tác đầu tư Dự án cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ.