Phó Chủ tịch Ủy ban QLVNN tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh tiếp Lãnh đạo Tập đoàn PSA (Singapore)

19/01/24 5:30 PM

Chiều 18/1, tại Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh đã có buổi tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn PSA (Singapore) do ông Nelson Quek – Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á dẫn đầu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh tiếp và làm việc với đoàn công tác của Tập đoàn PSA (Singapore)

Tham dự buổi làm việc có ông Nguyễn Quốc Phương – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghệ và Hạ tầng, ông Hồ Khánh Duy – Phó Chánh Văn phòng Ủy ban và ông Lê Quang Trung – Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC).

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Nelson Quek – Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á Tập đoàn PSA cho biết: Là công ty điều hành cảng biển và chuỗi cung ứng, Tập đoàn PSA là một trong những doanh nghiệp khai thác cảng lớn nhất thế giới. Tập đoàn PSA có cơ sở và các bến cảng trên 26 quốc gia. 2 trung tâm khai thác lớn nhất tại tại Singapore và Antwerp (Vương quốc Bỉ). Bên cạnh đó, Tập đoàn PSA cũng tham gia vào các dịch vụ phân phối Logistics và hàng hải.

Tại Việt Nam, Tập đoàn PSA đã triển khai quan hệ hợp tác với VIMC, tiêu biểu là Công ty TNHH Cảng Quốc Tế SP – PSA. Đây là ) là công ty liên doanh có vốn điều lệ 2,175 nghìn tỷ đồng của các cổ đông bao gồm VIMC, Công ty cổ phần Cảng Sài Gòn (CSG) và Singapore PSA Việt Nam (Công ty con 100% vốn của Tập đoàn PSA). Cảng SP – PSA bắt đầu hoạt động từ tháng 05/2009 và là cảng nước sâu hiện đại đầu tiên ở khu vực Cái Mép – Thị Vải, đón các lượt ghé cảng của các hãng tàu hàng đầu thế giới như APL, K’ Line, Maersk, CMA – CGM, Hapag Loyld. Cảng được thiết kế ban đầu chuyên khai thác hàng hóa tổng hợp bao gồm hàng container chiếm 85% và hàng rời chiếm 15% theo mô hình khai thác cảng tiên tiến của PSA Singapore.

Ông Nelson Quek – Giám đốc điều hành khu vực Đông Nam Á Tập đoàn PSA phát biểu tại buổi làm việc

Năm 2012 cảng SP – PSA đã chủ động chuyển đổi dần sang hoạt động khai thác hàng rời với nhóm hàng hóa chủ yếu bao gồm: nông sản, sắt thép, gỗ dăm và viên nén gỗ. Sản lượng hàng nông sản thông qua Cảng SP – PSA tăng liên tục qua từng năm và đã đứng vị trí thứ 2 trong thị phần hàng nông sản của khu vực Cái Mép – Thị Vải. Đặc biệt vào năm 2021, khi đại dịch Covid-19 bùng phát làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng thì cảng SP – PSA vẫn có kết quả tốt với tổng sản lượng hàng rời đạt hơn 5 triệu tấn, và khai thác 01 chuyến tàu container cho các đối tác nhập khẩu tại Mỹ với sản lượng 1.500 Teu đi trực tiếp tới Mỹ hỗ trợ lưu thông hàng hóa thời điểm đó.

Hiện nay, cảng SP – PSA không ngừng đa dạng hóa dịch vụ, tận dụng thiết bị sẵn có để thực hiện mô hình cảng lưỡng dụng có thể khai thác hàng container và hàng rời. Trong năm 2023, mặc dù nền kinh tế toàn cầu và cả trong nước đều rất khó khăn khi nhu cầu suy yếu, nhưng cảng SP – PSA vẫn khai thác tốt hàng rời với tổng sản lượng tăng 8% so với năm 2022, trong đó sản lượng hàng nông sản tăng 7%. Ông Nelson Quek bày tỏ mong muốn, thông qua hợp tác với VIMC, có thể mở rộng cơ hội đầu tư tại Việt Nam và tìm kiếm đối tác là những doanh nghiệp nhà nước do Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp làm đại diện chủ sở hữu.

Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh phát biểu tại buổi làm việc

Hoan nghênh mong muốn mở rộng lĩnh vực đầu tư tại thị trường Việt Nam, phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp Nguyễn Ngọc Cảnh ghi nhận và đánh giá cao hiệu quả trong quan hệ hợp tác giữa Tập đoàn PSA và VIMC trong những năm qua. Theo Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh, quan hệ hợp tác giữa VIMC và Tập đoàn PSA tại Cảng container quốc tế SP-PSA (khu vực Cái Mép – Thị Vải) đã có những đóng góp không nhỏ vào có sự chuyển biến tích cực trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của VIMC giai đoạn 2018-2022.

Thông tin tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cơ quan thuộc Chính phủ Việt Nam; được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật. 19 Tập đoàn, Tổng công ty nhà nước do Ủy ban trực tiếp làm đại diện chủ sở hữu hiện đang hoạt động trên những lĩnh vực trọng điểm của đất nước như năng lượng, công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, viễn thông – công nghệ thông tin và hạ tầng. Trong lĩnh vực hạ tầng, Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (VIMC), Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines), Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC).

Về định hướng hạ tầng giao thông kết nối, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Chính phủ Việt Nam ưu tiên phát triển các tuyến đường sắt kết nối với cảng biển loại đặc biệt và cảng biển loại I trên hành lang Bắc – Nam; hình thành các bến cho phương tiện thủy nội địa trong vùng nước cảng biển; hệ thống đường bộ cao tốc kết nối với các cảng biển loại đặc biệt, hệ thống quốc lộ, đường địa phương kết nối trực tiếp đến hệ thống cảng biển. Phát triển cảng cạn tại các khu vực kinh tế, hành lang kinh tế, ưu tiên quy hoạch các vị trí có kết nối thuận lợi bằng vận tải đường thủy nội địa, vận tải sông pha biển, đường bộ cao tốc, đường sắt đến các cảng biển quan trọng trong các nhóm cảng biển. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực năng lượng do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu cũng có nhu cầu vận chuyển các sản phẩm dầu khí, khoáng sản, neo đậu tàu vận chuyển tại các cảng biển… “Nhu cầu phát triển hệ thống cảng, logistics nhằm tối ưu kết nối chuỗi cung ứng đang tăng cao, phù hợp với chiến lược phát triển “hệ sinh thái của Ủy ban”. Do đó, thông qua quan hệ hợp tác với VIMC, cơ hội để mở rộng đầu tư của Tập đoàn PSA tại thị trường Việt Nam là rất lớn” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh.

Thông tin về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh cho biết: Mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam sẽ nỗ lực phát triển hệ thống cảng biển đồng bộ, hiện đại, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng – an ninh, an toàn hàng hải và bảo vệ môi trường, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Về năng lực, đáp ứng nhu cầu xuất nhập khẩu hàng hóa, giao thương giữa các vùng, miền trong cả nước và hàng trung chuyển, quá cảnh cho các nước trong khu vực cũng như nhu cầu vận tải hành khách nội địa và quốc tế. Hệ thống cảng biển đáp ứng thông qua lượng hàng hóa từ 1.140 đến 1.423 triệu tấn (trong đó hàng container từ 38 đến 47 triệu TEU); hành khách từ 10,1 đến 10,3 triệu lượt khách. “Nhu cầu vốn đầu tư hệ thống cảng biển đến năm 2030 là rất lớn, đây cũng là cơ hội để Tập đoàn PSA có thể cân nhắc tìm kiếm cơ hội đầu tư” – Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh gợi mở.

Chia sẻ quan điểm của Tập đoàn PSA về tầm quan trọng của chuyển đổi số trong lĩnh vực hàng hải và quản lý cảng biển, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh khẳng định: Phát triển kết cấu hạ tầng thông tin, viễn thông hiện đại, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số là một nội dung quan trọng trong Định hướng giải pháp thực hiện đột phá chiến lược thứ ba xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng được đề cập tại Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam. Dẫn lại chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số Phạm Minh Chính tại sự kiện chào mừng Ngày Chuyển đổi số quốc gia diễn ra vào ngày 10/10/2023 vừa qua: “Quan điểm xuyên suốt của Chính phủ là lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu và là động lực, nguồn lực của chuyển đổi số. Chuyển đổi số phải để người dân, doanh nghiệp hưởng lợi và chính họ sẽ tạo ra nguồn lực cho sự phát triển”, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhận định: Quá trình chuyển đổi số quốc gia của Việt Nam được triển khai một cách tổng thể, bao trùm mọi lĩnh vực, ngành nghề, trong đó, có lĩnh vực hàng hải và quản lý cảng biển.

Các đại biểu chụp hình lưu niệm

Hiện thực hóa chủ trương của Đảng và Chính phủ về chuyển đổi số, trong những năm qua, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp đã có những chuyển biến tích cực trong hoạt động công nghệ thông tin và công tác chuyển đổi số; có giải pháp để kiểm tra, giám sát, thúc đẩy các doanh nghiệp triển khai các nhiệm vụ tại đề án chuyển đổi số tổng thể của Ủy ban. Với VIMC và 18 doanh nghiệp còn lại do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, chú trọng đầu tư chuyển đổi số nâng cao hiệu quả điều hành quản trị luôn là một nhiệm vụ quan trọng. Gợi mở về đối tác có năng lực tại Việt Nam có thể hợp tác và hỗ trợ Tập đoàn PSA trong lĩnh vực chuyển đổi số, Phó Chủ tịch Nguyễn Ngọc Cảnh nhấn mạnh Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) và Tổng công ty Viễn thông MobiFone là hai doanh nghiệp do Ủy ban làm đại diện chủ sở hữu, thuộc nhóm dẫn đầu trong lĩnh vực này tại Việt Nam, có năng lực cung cấp những giải pháp quản trị, điều hành doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Thời gian qua, VIMC và MobiFone đã có trao đổi về ý tưởng triển khai hệ thống mạng 5G và tự động hóa tại Cảng Đà Nẵng; cảng Hải Phòng để tạo ra một cơ sở hạ tầng mạng thông tin mạnh mẽ, hỗ trợ các hoạt động vận hành và quản lý của cảng.

CMSC